TextBody
Huy chương 2

Thực trạng xói lở bờ biển, suy thoái rừng phòng hộ và xu thế diễn biến đường bờ khu vực ven biển Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

24/12/2012

Bài viết này trình bày bức trang thực trạng xói lở bồi tụ bờ biển, suy thoái rừng phòng hộ ven biển, cũng như xu thế diễn biến đường bờ khu vực Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang theo không gian và thời gian. Những kết quả này thu nhận được thông qua điều tra thực tế, phân tích ảnh vệ tinh và chồng ghép bản đồ. Bên cạnh đó, các nguyên nhân gây xói lở và suy thoái rừng ngập mặn phòng hộ cũng đã được phân tích thảo luận.

I. Giới thiệu

Gò Công Đông là huyện duyên hải của tỉnh Tiền Giang, tổng diện tích là 267,7 km2, dân số năm 2010 là 154.129 người. Toàn bộ phía Đông của huyện tiếp giáp với biển Đông và với hai cửa sông lớn là Cửa Tiểu và cửa Soài Rạp là các cửa ngõ thông ra biển Đông, là điều kiện thuận lợi để giao thương với các địa phương khác và quốc tế. Đồng thời đây là nơi hội tụ nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào phong phú.  Bên cạnh đó, biển và bờ biển là hướng phòng thủ chiến lược trong việc bảo vệ nền kinh tế- chính trị trong khu vực.

Tổng chiều dài tuyến đê biển và đê cửa sông của huyện là khoảng 40 km, trong đó có khoảng 21 km đê biển. Tuyến đê biển là một trong những thành phần chính trong dự án ngọt hóa Gò Công, dự án đã tạo sự chuyển hóa tột bậc cho khu vực Gò Công. Đê biển cùng với rừng ngập ven biển có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo an toàn tính mạng và tài sản cho hơn 330.000 người cư trú tại các xã ven biển của huyện. Tuy nhiên, do bờ biển Gò Công Đông có hướng Bắc Nam nên hàng năm phải hứng chịu tác động rất bất lợi của sóng lớn do gió mùa Đông Bắc (gió chướng) gây ra, dẫn đến bờ biển bị xói lở hết sức mạnh mẽ. Hậu quả là đai rừng phòng hộ ven biển trước đê ngày càng mỏng dần, hiện tại chiều dày đai rừng trên phần lớn chiều dài tuyến đê chỉ còn trên dưới 100 m, tại nhiều đoạn biển đã xâm thực vào tận chân đê như khu vực ấp Phước Cùng xã Tân Thành, và ấp Mới xã Tân Điền.

Bài báo này trình bày kết quả đánh giá thực trạng xói lở bờ biển, suy thoái rừng phòng hộ và xu thế diễn biến của đường bờ biển Gò Công Đông thông qua khảo sát thực tế cũng như phân tích ảnh vệ tinh và chồng ghép bản đồ. Bên cạnh đó, các nguyên nhân gây xói lở và suy thoái rừng ngập mặn phòng hộ cũng đã được phân tích thảo luận.

II. Phương pháp nghiên cứu và số liệu sử dụng

Để nghiên cứu xác định diễn biến đường bờ và rừng ngập mặn qua các giai đoạn, phương pháp thường được sử dụng là xử lý ảnh viễn thám và hệ thông tin địa lý GIS để chồng ghép bản đồ và ảnh viễn thám.  Nội dung thực hiện của phương pháp này là: (i) Các bản đồ giấy được số hóa và chuyển đổi về hệ tọa độ UTM; (ii) Các ảnh vệ tinh được chuyển đổi về cùng hệ tọa độ UTM và sử dụng phần mềm ENVI 4.0 để ghép ảnh; (iii) Sử dụng các phần mềm GIS khác như ArcGIS để xử lý, chồng ghép các bản đồ đo đạc hiện có cùng với các không ảnh, ảnh vệ tinh có được trong các thời kỳ khác nhau, trên cơ sở đó phân tích sự biến động đường bờ, rừng ngập mặn.

Bên cạnh đó, công tác điều tra khảo sát thực địa, phỏng vấn người dân địa phương nhằm kiểm chứng, đánh giá các kết quả thu được từ việc phân tích ảnh vệ tinh và chồng ghép bản đồ, phân tích đánh giá thực trạng rừng ngập mặn phòng hộ và xói lở cũng đã được thực hiện.

 Bảng 1. Các loại số liệu sử dụng để nghiên cứu diễn biến đường bờ và rừng ngập mặn

No

Thời gian

Loại dữ liệu

Định dạng

Tỷ lệ/Độ phân giải

Nguồn

1

1965

Bản đồ địa hình đo vẽ bởi hải quân Mỹ

Vector

1/50.000

Cục bản đồ

2

1989

Ảnh vệ tinh Landsat TM

Raster

15 m × 15 m

USGS

3

2000

Ảnh vệ tinh Landsat TM

Raster

15 m × 15 m

USGS

4

09/01/2006

Ảnh vệ tinh SPOT

Raster

2.0 m × 2.0 m

Google Earth

5

14/02/2010

Ảnh vệ tinh SPOT

Raster

1.0 m × 1.0 m

Google Earth

Số liệu sử dụng trong nội dung nghiên cứu này được trình bày trong Bảng 1. Do ảnh vệ tinh năm 1989 và 2001 có độ phân giải thấp nên đề tài chỉ sử dụng trong phân tích biến động đường bờ, việc phân tích biến động của rừng phòng hộ ven biển chỉ sử dụng các ảnh vệ tinh các năm 2006 và 2010 có độ phân giải cao.

III. Thực trạng xói lở bờ, hiện trạng kè đê biển và xu thế diễn biến đường bờ biển Gò Công Đông

1. Thực trạng xói lở, bồi tụ và xu thế diễn biến đường bờ

Thông thường việc phân tích diễn biến đường bờ có những sai số nhất định liên quan đến độ phân giải của ảnh cũng như mực nước tại thời điểm chụp ảnh. Tuy nhiên, đối với bờ biển Gò Công do đường bờ và ranh ngoài của rừng ngập mặn là đồng nhất trên hầu hết chiều dài của bờ biển (ngoại trừ đoạn từ khu du lịch Tân Thành đến Cửa Tiểu không còn rừng) nên kết quả phân tích đường bờ từ ảnh vệ tinh là khá tin cậy.  Đặc biệt, ảnh vệ tinh các năm 2006 và 2010 có độ phân giải rất cao nên kết quả so sánh phân tích diễn biến đường bờ giữa 2 năm này rất đáng tin cậy.

Kết quả so sánh như minh họa trong các Hình  1 ÷  Hình  5, và Bảng 2 cho thấy xu thế xâm thực của biển diễn ra liên tục từ năm 1965 đến nay và trên hầu hết chiều dài bờ biển khu vực nghiên cứu, ngoại trừ khoảng 2,000 m ngay giáp cửa Tiểu là bồi xói xen kẽ, trong đó bồi chiếm ưu thế. Tổng diện tích bị xói từ 1965 ÷ 2010 là khoảng 650 ha, trong khi tổng diện tích được bồi chỉ khoảng 54 ha. Tốc độ xâm thực của biển cũng rất nhanh, trung bình khoảng 10 m/năm. Phía ngoài rừng phòng hộ trên hầu hết chiều dài bờ biển khu vực nghiên cứu, xói lở đã đào xói chân rừng, hình thành vách đứng cao, có đoạn lên tới gần 2.0 m (xem minh họa trên Hình 2, phải), rất bất lợi khi phải hứng chịu lực xung kích của sóng biển, đặc biệt trong điều kiện triều cường và gió chướng (gió mùa Đông Bắc).   

 Bảng 2. Mức độ (diện tích) và tốc độ bồi xói trung bình dọc bờ biển Gò Công theo từng giai đoạn (“+” là bồi, “-” là xói)

Vị trí

1965 - 1989

1989 - 2000

2000 - 2006

2006 - 2010

 

Mức độ bồi xói (ha)

Tốc độ bồi xói (m/năm)

Mức độ bồi xói (ha)

Tốc độ bồi xói (m/năm)

Mức độ bồi xói (ha)

Tốc độ bồi xói (m/năm)

Tốc độ bồi xói (m/năm)

Tốc độ bồi xói (m/năm)

 
 

Vàm Láng

-12.9

-6

-7.4

-7

-4.8

-9

-1.9

-5

 

Kiểng Phước

-55.7

-9

-26.2

-9

-18.1

-11

-12.5

-12

 

Tân Điền đến đầu đoạn đê xung yếu

-106.2

-9

-62.5

-11

-35.0

-12

-16.8

-8

 

Đê xung yếu (Tân Điền - Tân Thành)

-66.7

-12

-42.3

-17

-15.4

-11

-5.4

-6

 

Đê xung yếu đến KDL Tân Thành

-35.2

-7

-42.2

-18

-9.5

-7

-8.5

-10

 

KDL Tân Thành đến cửa Tiểu

-22.7 (+23.7)

-3    (+9)

-21.6  (+10.6)

-6  (+10)

-11.7  (+16.7)

-11    (+12)

-8.3  (+3.1)

-9     (+4)

 

Cộng/Trung bình

-299.5  (+23.7)

-8    (+9)

-202.2  (+10.6)

-11    (+10)

-94.5 (+16.7)

-10   (+12)

-53.4   (+3.1)

-8
 (+4)

 

 

Hình  1. Diễn biến đường bờ đoạn từ Vàm Láng (cửa Soài Rạp) đến Kiểng Phước (trái) và ảnh chụp biển xâm thực tại Kiểng Phước (phải)

 Hình  2. Diễn biến đường bờ đoạn từ Kiểng Phước đến đầu đoạn đê xung yếu xã Tân Điền (trái) và ảnh chụp biển xâm thực tại Tân Điền (phải)

Diễn biến của từng đoạn cụ thể như sau:

+ Đoạn bờ biển thuộc xã Vàm Láng phía nam cửa Soài Rạp: có tốc độ xâm thực trung bình trong giai đoạn 1965 ÷ 2010 là khoảng 7 m/năm, lớn nhất là 9 m/năm giai đoạn 2000 ÷ 2006, nhỏ nhất là 5 m/năm giai đoạn 2006 ÷ 2010 (Hình  1).

+ Bờ biển dọc đoạn đê thuộc xã Kiểng Phước: có tốc độ xâm thực trung bình trong giai đoạn 1965 ÷ 2010 là khoảng 10 m/năm, lớn nhất là 12 m/năm giai đoạn 2006 ÷ 2010, nhỏ nhất là 9 m/năm giai đoạn 1965 ÷ 1989. Hiện tại, tại đoạn bờ phía nam giáp xã Tân Điền, đường bờ biển chỉ còn cách đê khoảng 60 m (Hình  2).

+ Đoạn bờ biển thuộc xã Tân Điền từ giáp ranh xã Kiểng Phước đến đầu đoạn đê xung yếu: có tốc độ xâm thực trung bình trong giai đoạn 1965 ÷ 2010 là khoảng 10 m/năm, lớn nhất là 12 m/năm giai đoạn 2000 ÷ 2006, nhỏ nhất là 8 m/năm giai đoạn 2006 ÷ 2010. Hiện tại, ở phía bắc cống Rạch Bùn có nhiều đoạn bờ biển đã tiến rất sát chân đê, chỉ còn cách chân đê khoảng 15 ÷ 50 m (Hình  2).

Tại vị trí phía ngoài cống Rạch Bùn được gia cố bằng vải địa kỹ thuật và gabion đá hộc (từ năm 1995). Qua thời gian dài và thử thách với cơn bão Linda (1997), cơn bão Durian (12/2006) và các đợt triều cường đọan gia cố vẫn đứng vững. Không những thế các biện pháp gia cố đoạn cửa Rạch Bùn đã gây bồi và hơn 10 năm qua ở đây đã phát triển thành cụm rừng nhô ra biển (Hình  3)

+ Đoạn đê xung yếu (khoảng 3.0 km) thuộc hai xã Tân Điền và Tân Thành (Hình  4): là đoạn bờ bị biển xâm thực dữ dội nhất, trung bình trong giai đoạn 1965 ÷ 2010 là khoảng 12 m/năm, lớn nhất là 17 m/năm giai đoạn 1989 ÷ 2000, nhỏ nhất là 6 m/năm giai đoạn 2006 ÷ 2010 (khi mà phần lớn đường bờ biển cũng đã là chân kè mái đê biển).

Hiện tại trên đoạn này hầu hết không có rừng phòng hộ, biến áp sát đê. Vào thời điểm năm 2006, chiều dài đoạn xung yếu này chỉ khoảng 2.4 km trong đó đoạn khoảng 760 m từ K30 đến K30+760 có rừng phòng hộ dày khoảng 60 m nhưng hiện tại chỉ còn dày khoảng 20 m  phân bố trên chiều dài khoảng 470 m.

 

Hình  3. Ảnh vệ tinh chụp cống Rạch Bùn tại thời điểm 14/02/2010

+ Đoạn bờ biển từ đoạn đê xung yếu đến khu du lịch Tân Thành (Hình  5): có tốc độ xâm thực trung bình trong giai đoạn 1965 ÷ 2010 là khoảng 10 m/năm, lớn nhất là 18 m/năm giai đoạn 1989 ÷ 2006, nhỏ nhất là 7 m/năm giai đoạn 1965 ÷ 1989. Trong giai đoạn 2006 ÷ 2010, xu thế chung của đoạn này vẫn là bị biển xâm thực, tại đoạn không có rừng phòng hộ phía Bắc của khu du lịch Tân Thành, so với thời điểm năm 2006 thì đường bờ đã dịch chuyển sâu nhất lên đến 170 m vào trong đất liền. Tại các vị trí khác có rừng phòng hộ, mức độ xâm thực ít hơn, chỉ khoảng 5 ÷ 10 m , tuy nhiên đoạn gần vị trí đê xung yếu cũng bị xâm thực cục bộ đến 60 m.

+ Đoạn bờ biển từ khu du lịch Tân Thành  đến Cửa Tiểu (Hình  5): tổng chiều dài của đoạn này khoảng 4 km, trong đó khoảng 2 km đoạn giáp cửa Tiểu là đoạn được bồi duy nhất trong phạm vi nghiên cứu với tốc độ bồi trung bình khoảng 9 m/năm trong giai đoạn 1965 ÷ 2010. Đoạn 2 km bờ biển giáp khu du lịch Tân Thành vẫn bị xói lở với tốc độ trung bình khoảng 7 m/năm trong giai đoạn 1965 ÷ 2010, lớn nhất là 11 m/năm giai đoạn 2000 ÷ 2006, nhỏ nhất là 3 m/năm giai đoạn 1965 ÷ 1989.

Hình  4. Diễn biến đường bờ biển đoạn đê xung yếu thuộc Tân Điền và Tân Thành cho tới khu du lịch Tân Thành (trái) và ảnh chụp xói bờ biển ở chân kè đê biển (phải)

 Hình  5. Diễn biến đường bờ biển đoạn từ khu du lịch Tân Thành đến cửa Tiểu (trái) và hình ảnh biển xâm thực tại phía nam du lịch Tân Thành (phải)

2. Hiện trạng kè đê biển đoạn xung yếu

Sau cơn bão Linda (11/1997) nhà nước đã đầu tư lớn hoàn chỉnh 43,612 km đê cửa sông, đê biển Gò Công nhằm đạt tiêu chuẩn đê đồng bằng cấp III về cao trình, mặt cắt đê và gia cố các đoạn xung yếu. Đoạn đê xung yếu (K27+960 ÷ K30+917) đã được đầu tư xây kè phía biển với tổng chiều dài kè là L = 2.957 m tính từ năm 1998 đến thời điểm 04/2010. Do nguồn vốn hạn chế nên chỉ thi công lần lượt từng đoạn qua từng năm nhưng cơ bản về quy mô và kết cấu của từng đoạn đều giống nhau, phần lớn đều sử dụng cấu kiện TSC-178 là sản phẩm của Công ty Tư vấn công nghệ kè bờ Minh Tác, chỉ có 480m kè từ K27+960 đến K28+440 là sản phẩm của Cục QL đê điều và PCLB chuyển giao cho Công ty Tư vấn Giao thông Thủy lợi Tiền Giang (Hình  6).

Hình  6.  Kè đê biển Gò Công bằng cấu kiện TSC-178 (trái) và cấu kiện BTĐS của cục Đê điều và PCLB (phải)

 Hình 7. Xói sâu trước kè làm lộ các hàng ống buy (trái) khiến các hàng ống buy này chịu tác dụng trực tiếp lực xung kích của sóng biển

 Hình 8. Hệ quả tác dụng của sóng là đã làm sụp mái kè

Nhìn chung, toàn bộ kè đê biển Gò Công đến nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, đoạn kè từ K29+193 đến K29+450 dài 257 m, được xây dựng từ năm 2000 có sử dụng ống buy làm chân khay kè ở cao trình + 1.0 m, bị xói lở làm sạt chân kè và đã xử lý gia cố thêm hai hàng ống buy đến cao trình + 0.2 m vào năm 2005 (Hình 7, trái). Đến thời điểm hiện tại, bờ biển trước đoạn đê này tiếp tục bị xói sâu đến cao trình -0.9 ÷ - 0.8 m, tạo thành vũng sâu trước chân kè khi triều lên, khiến các hàng ống buy chân kè bị lộ ra và chịu tác dụng trực tiếp của lực xung kích rất nguy hiểm của sóng biển, đặc biệt là trong mùa gió chướng (Hình 7, phải). Hệ quả là khoảng gần 50 m chân kè lại bị lún sụp (Hình 8) đe dọa an toàn của đê.

Ngoài ra, dưới tác động của sóng biển, chân kè tại một số đoạn khác dù được gia cố chân khay bằng 1 hàng ống buy đã xuất hiện hiện tượng sụt lún chân kè, hàng chân khay ống buy cũng bị mất ổn định đe dọa ổn định chung của kè, đòi hỏi phải được xử lý gấp.

IV. Thực trạng suy thoái rừng ngập mặn
1. Về diện tích

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang thì diện tích rừng ngập mặn ven biển Gò Công hiện nay khoảng 1.600 ha, trong đó có hơn 350 ha giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho gần 21 km đê biển. Số rừng phòng hộ còn lại tập trung ở các xã cù lao thuộc huyện Tân Phú Ðông. Tuy nhiên theo thống kê từ năm 1990 đến nay, rừng phòng hộ chết trên diện rộng và ngày càng gay gắt, đến nay đã mất quá nửa. Năm 1990, xã Kiểng Phước có 110 ha rừng thì nay còn 45 ha. Tương tự, xã Tân Điền từ 170 ha rừng giảm xuống còn 70 ha. Nhiều nhất là xã Tân Thành, từ 230 ha rừng nay chỉ còn khoảng 105 ha. Trung bình trên toàn khu vực thì mỗi năm rừng phòng hộ bị giảm mất khoảng 15ha.

Bảng 3. Diện tích rừng phòng hộ khu vực Gò Công (kết quả phân tích ảnh vệ tinh)

Kết quả tính toán, so sánh diện tích và phân bố rừng từ ảnh vệ tinh được thể hiện trong Bảng 3, theo đó diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công năm 2010 chỉ còn khoảng 225 ha, giảm khoảng gần 40 ha so với thời điểm năm 2006. Cụ thể như sau:

+ Đoạn ven biển thuộc xã Vàm Láng (Hình  9):

Rừng ngập mặn đoạn này còn khá dày từ 500 ÷ 800 m. Tuy nhiên, có khoảng 6 ha rừng trong khu vực này đã bị phá để làm trường bắn cho tỉnh đội Tiền Giang. Do biển xâm thực nên từ năm 2006 đến 2010 rừng cũng đã bị mỏng đi khoảng 30 ÷ 50 m.

+ Đoạn ven biển thuộc xã Kiểng Phước (Hình  9):

Đoạn này rừng có độ dày đảm bảo, chổ mỏng nhất là 120m tăng dần về phía Soài Rạp tới 340m. So với năm 2006 thì rừng phòng hộ trên toàn tuyến này cũng bị mỏng đi khoảng 50 ÷ 60 m.

+ Đoạn bờ biển thuộc xã Tân Điền từ giáp ranh xã Kiểng Phước đến đầu đoạn đê xung yếu:

Đoạn này rừng rất mỏng, trung bình chỉ dày khoảng 80 m, chỗ dày nhất chỉ 120 m, có chỗ mỏng nhất cục bộ tại cách cống Rạch Bùn khoảng 150 m chỉ còn 10 ÷ 20 m (riêng Rạch Bùn nhờ rọ đá gabion mà gây được bồi và rừng hồi phục có chiều dày tới 160 m, xem Hình  3). So với năm 2006 thì rừng phòng hộ trên toàn tuyến này bị mỏng đi rất đáng kể, trung bình khoảng 50 m.

Hình  9. Bản đồ rừng phòng hộ khu vực Gò Công tại các thời điểm 09/01/2006 và 14/02/2010 xây dựng từ ảnh vệ tinh có độ phân giải cao (nguồn ảnh: Google Earth).

+ Đoạn đê xung yếu thuộc hai xã Tân Điền và Tân Thành :

Đoạn đê xung yếu thuộc hai xã Tân Điền và Tân Thành hầu như không còn rừng. Đây là đoạn bờ biển bị biển xâm thực dữ dội nhất. Vào thời điểm năm 2006, chiều dài đoạn xung yếu này chỉ khoảng 2.4 km (K27+600 ÷ K30), trong đó đoạn từ K29+500 đến K29+800 có rừng phòng hộ dày khoảng 60 m nhưng hiện tại đã hầu như không còn nữa (Hình  9).

Qua phỏng vấn dân địa phương, trước đây từ đê ra tới biển cách xa cả cây số, có cả nhà dân rồi mới đến rừng, xã Tân Thành có hẳn ấp Tân Phú nằm bên ngoài đê, được rừng phòng hộ che chở. Nay ấp Tân Phú ngoài đê đã mất, chỉ có ấp Tân Phú bên trong đê, thành lập sau khi ấp bên ngoài đê đã bị biển nuốt chửng.

+ Đoạn bờ biển từ đoạn đê xung yếu đến khu du lịch Tân Thành (Hình  9):

Đây là đoạn bờ biển có rừng phòng hộ còn dày nhất và phát triển tốt nhất trong khu vực nghiên cứu. Tuy nhiên, đoạn gần khu du lịch Tân Thành cũng đã bị phá gần hết để làm vuông tôm. So với năm 2006 thì rừng ngập mặn đoạn này năm 2010 cũng đã bị mỏng đi khoảng 25 ÷ 50 m.

+ Đoạn bờ biển từ khu du lịch Tân Thành  đến Cửa Tiểu (Hình  9):

Đến năm 2006 rừng ngập mặn phòng hộ ở đoạn bờ biển này đã hầu như bị xóa sổ, chỉ còn thưa thớt vài mảng giáp khu du lịch Tân Thành. Đây là khu vực mà dấu ấn của việc phá rừng nuôi tôm là rất rõ.

+ Đoạn ven cửa Tiểu:  diện tích khoảng 28.7 ha.

+ Rừng phòng hộ ven cửa sông Soài Rạp:

 Hiện tại có diện tích khoảng 392.8 ha. Tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Gia Thuận và Vàm Láng cách biển khoảng 3 km, hơn 200 ha rừng đã bị phá trắng từ năm 2007 để làm dự án khu công nghiệp đóng tàu của Vinashin.

2. Về mặt lâm sinh

Theo kết quả điều tra của các nghiên cứu trước ([1], [2]) thì quần thể rừng (loài) có nhiều biến động dọc theo chiều dài đê, chủ yếu là rừng hỗn giao đơn giản (mấm, đước) hoặc thuần loài (bần chua hoặc mấm). Nhiều cây trong các dải rừng này đã qua giai đoạn trưởng thành và đang trong thời kỳ thoái hóa, hầu như không có các loại cây tái sinh tự nhiên.

Cụ thể, phía Vàm Láng địa hình ngoài cao (được phù sa bồi đắp), phía sát đê hơi cao ở giữa trũng. Các loài có Đước đôi vươn cao chiếm tầng trên, ở dưới là Mấm, Dà vôi và thỉnh thoảng có Dà quánh. Mật độ của Đước chỉ ở mức trung bình và dần bị Mấm và Dà vôi lấn do ít được luân phiên ngập nước (ở địa hình cao), nhiều cây kém phát triển và lác đác có cây bị chết khô. Dà vôi có mật độ khá lớn 10.000 12.000 cây/ha.

Từ Vàm Láng tới Cống Rạch Bùn là quần thể Dà, Mấm và có Đước ở sát chân đê. Mấm đen cao 7 10m, ở dưới là Dà vôi cây chỉ cao 3 5m phía trong xuất hiện các loài Trang, Vẹt dù, Vẹt trụ nhưng số lượng ít. Xung quanh Rạch Bùn nơi có phù sa bồi tụ các loài Mấm (Mấm đen, Mấm trắng) sinh trưởng khá tốt đặc biệt là phía dưới và phía ven biển cây non sinh trưởng tốt là điển hình của mô hình phát triển rừng ở đây.

Từ Rạch Bùn đến Tân Thành chủ yếu là Dà ở phía ngoài và Đước đang thoái hóa ở phía trong. Phía Tân Thành nơi đất cát ở sát đê có rừng thưa, mỏng với loại Cóc vàng phát triển chậm, phía ngoài chưa có các loài khác bảo vệ do điều kiện sóng chưa thích hợp.

V. Nguyên nhân gây xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn, giải pháp khắc phục

1. Nguyên nhân gây xói lở bờ biển

Kết quả phân tích diễn biễn đường bờ ở trên kết hợp với kết quả của một số nghiên cứu khác ([3], [4], [5]) cho thấy xói lở bờ biển khu vực Gò Công Đông thuộc diện mãnh liệt nhất trong khu vực ven biển Nam Bộ. Các nguyên nhân gây ra xói lở bờ biển nói chung là tổ hợp phức tạp của nhiều yếu tố tự nhiên (sóng, gió, thủy triều, nước biển dâng, …) cũng như tác động của con người (xây dựng đập hồ chứa làm giảm lượng bùn cát, xây dựng các công trình ven biển, phá hoại rừng ngập mặn, ….) ([6], [7]). Đối với khu vực ven biển Nam Bộ, các nguyên nhân này đã được thảo luận khá chi tiết trong các tài liệu tham khảo [3] và [8]. Đối với khu vực Gò Công Đông nói riêng, qua phân tích các số liệu quan trắc sẵn có, các kết quả của mô hình khí hậu toàn cầu cũng như các mô hình thủy động lực học cho khu vực nghiên cứu, chúng tôi sơ bộ kết luận các nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển bao gồm: (i) do tác động của sóng và dòng chảy ven bờ trong thời kỳ gió mùa Đông Bắc; (ii) do tác động của dòng triều; (iii) do tác động của dòng chảy trên sông Tiền và sông Sài Gòn - Đồng Nai; và (iv) do tác động của con người làm suy thoái rừng ngập mặn phòng hộ.  Trong đó, hai nguyên nhân đầu được xác định là các nguyên nhân chủ yếu.

2. Nguyên nhân gây suy thoái rừng phòng hộ

Cũng như xói lở bờ biển, nguyên nhân gây suy thoái rừng ngập mặn ven biển Gò Công Đông cũng bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Trong các yếu tố tự nhiên, hiện tượng xói lở bờ biển dưới tác động của sóng, dòng chảy ven bờ (do sóng và thủy triều) như đề cập ở trên là yếu tố khách quan tác động mạnh mẽ nhất. Quá trình xói lở bồi tụ bờ biển và rừng ngập mặn ven biển có mối quan hệ qua lại hết sức chặt chẽ với nhau. Rừng ngập mặn có tác dụng bẫy bùn cát, làm tăng nhanh quá trình bồi tụ bờ biển tại các khu vực bồi tụ, giúp cố kết trầm tích, làm giảm và chậm quá trình xói lở tại các khu vực xói lở. Tại những khu vực bồi tụ thì rừng rất dễ phát triển, như khu vực cù lao Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang, hay cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng. Ngược lại, một khi bờ bị xói lở thì hầu như rừng ngập mặn cũng hết sức khó phát triển, cụ thể như khu vực nghiên cứu hiện tại hay khu vực bờ biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.  

Sự suy thoái rừng phòng hộ khu vực bờ biển Gò Công Đông cũng như các khu vực khác của đồng bằng sông Cửu Long có sự tác động không nhỏ của con người. Trước hết phải kể đến việc khai phá rừng ngập mặn để làm đất sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn trước giải phóng từ 1955 – 1972, trong đó bao gồm việc xây dựng tuyến đường cắt ngang qua rừng ngập mặn từ cửa Soài Rạp đến Cửa Tiểu. Việc xây dựng tuyến đường cùng với các tuyến bờ bao sau này đã làm hạn chế, thậm chí mất đi sự trao đổi nước trong khu rừng ngập mặn phía ngoài, môi trường bị thay đổi làm rừng bị suy thoái, một số loài cây bị biến mất [2]. Việc rải chất độc hóa học trong thời kỳ 1962 – 1970 do quân đội Mỹ thực hiện cũng được cho là một nguyên nhân chính gây suy thoái rừng trong khu vực.  Việc buông lỏng quản lý sau giải phóng, nhất là trong giai đoạn 1978 – 1981, dân di cư tập trung đến khu vực này chặt phá rừng, đắp bờ bao để trồng cây ăn trái, một lần nữa làm rừng bị suy thoái thêm. Sau năm 1985, phong trào phá rừng làm vuông tôm lại bức tử thêm nhiều rải rừng ngập mặn. Do các vuông tôm thường được làm phía gần biển nên ngoài phần rừng bị phá để làm vuông tôm, phần rừng phía trong cũng bị việc nuôi tôm làm suy thoái do các vuông tôm cũng như các bờ bao, đã làm hạn chế sự trao đổi chất, môi trường bị biến đổi. Hiện tại, phần còn lại của rừng ngập mặn trong khu vực Gò Công Đông là rất mỏng, phần lớn nằm trên khu vực đất cao ít ngập triều, khả năng tái sinh hầu như không còn, kết hợp với hiện tượng xói lở bờ vẫn xảy ra mạnh mẽ qua mỗi đợt gió chướng nên rừng tiếp tục bị suy thoái rất mạnh (Hình  10). 

  Hình  10. Một số hình ảnh rừng phòng hộ ven biển Gò Công đang bị suy thoái (Ảnh chụp vào tháng 04/2010)

VI. Kết luận

Các kết quả nghiên cứu trong chương này đã cho thấy toàn cảnh bức tranh xói lở đường bờ ven biển Gò Công Đông trên không gian cũng như theo thời gian. Xói lở đường bờ đã xảy ra trên hầu hết chiều dài bờ biển và liên tục trong hơn bốn thập kỷ qua, với tốc độ xói lở trung bình từ 10 ÷ 20 m/năm, thuộc diện bị xói lở mạnh nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích bờ biển bị xói lở trong giai đoạn 1965 ÷ 2010 lên tới 650 ha. Đường bờ biển ngày càng tiệm cận với tuyến đê biển hiện trạng. Với tốc độ xói lở như hiện nay, chắc chắn biển sẽ áp sát chân đê trên hầu hết hơn 10 km chiều dài tuyến đê từ Vàm Láng đến khu vực đê xung yếu hiện tại ở xã Tân Thành trong khoảng 5 ÷ 10 năm tới nếu như không có giải pháp chống xói lở bờ biển nào được sử dụng.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rừng ngập mặn phòng hộ cũng đang bị suy thoái rất mạnh. Tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển trong khu vực nghiên cứu tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 225 ha, chiều dày đai rừng rất mỏng, phần lớn chỉ còn dưới 150 m, và hàng năm vẫn mỏng dần đi với tốc độ từ 10 ÷ 15 m/năm.  Nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái rừng trước hết phải kể đến là do sự xâm thực của biển. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như nạ phá rừng để canh tác nông nghiệp,  rừng bị rải chất độc trong thời kỳ chiến tranh, sự buông lỏng quản lý dẫn đến sự khai thác bừa bãi và quá mức, và do chặt phá để nuôi trồng thủy sản.

Vai trò to lớn của rừng phòng hộ với an toàn của đê biển là hết sức rõ ràng. Việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ là giải pháp hiệu quả nhất bảo vệ đê biển trước các tác động bất lợi của biển, và cũng là vấn đề rất cấp bách đối với khu vực Gò Công Đông. Nhiều năm nay, nhận thức được vai trò hết sức quan trọng và hiệu quả của rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, tỉnh Tiền Giang rất quan tâm việc bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ven biển Gò Công. Tỉnh đã tham vấn các nhà khoa học chuyên môn, có nhiều giải pháp khôi phục, phát triển lại đai rừng phòng hộ đã được đề xuất. Tuy nhiên, tình trạng rừng chết và bị xâm thực của biển càng ngày càng nghiêm trọng hơn vì chưa có giải pháp hữu hiệu. Các cố gắng của tỉnh trong việc trồng lại rừng tại các khu vực xung yếu trong những năm gần đây đã bị thất bại, chỉ sau một mùa gió chướng thì các cây ngập mặn trồng mới đã bị chết hoặc bị sóng cuốn đi. Rõ ràng, với giải pháp trồng rừng đơn lẻ thì không thể thành công mà song song với nó phải là các giải pháp công trình phù hợp. Giải pháp chống xói lở, giảm sóng gây bồi để trồng rừng trong khu vực dựa trên một cơ sở khoa học đầy đủ về chế độ thủy động lực học và vận chuyển bùn cát sẽ được đề xuất trong các nghiên cứu tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Ân Niên và nnk, 2008. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu đánh giá, tìm nguyên nhân gây ra suy thoái rừng và đề xuất phương án bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đê biển Gò Công tỉnh Tiền Giang”, Hội Thủy lợi Tp. Hồ Chí Minh.

[2]. Trịnh Văn Hạnh, Nguyễn Hữu Công, Nguyễn Thị Bình, và Đỗ Minh Phương. Diễn biến xói lở và rừng ngập mặn ở Tân Thành và Tân Điền từ giữa thế kỷ 20 tới nay, Hội thảo về “Xói lở bờ biển và rừng ngập mặn khu vực ven biển Nam Bộ”, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, 2010.

[3]. Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Duy Khang, và Lê Thanh Chương, 2011. Xói lở bồi tụ bờ biển Nam Bộ từ Tp. Hồ Chí Minh đến Kiên Giang – nguyên nhân và các giải pháp bảo vệ, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Thủy lợi, 2, trang 2-9.

[4]. Phan Anh Tuấn, 2004.  Báo cáo tổng kết dự án “Điều tra khảo sát biến động hình thái dải ven biển vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ”, Viện KHTL Miền Nam.

[5]. Nguyễn Địch Dỹ và nnk, 2010. Đề tài đề tài KC 09/06/06-10 “Nghiên cứu biến động cửa sông và môi trường trầm tích Holocen hiện đại vùng ven bờ châu thổ sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội”, Viện KH&CN Việt Nam.

[6]. Gegar Prasetya, 2006. Coastal protection in the aftermath of the Indian Ocean tsunami: What role for forests and trees?, chapter 4: Protection from coastal erosion. FAO, RAP publication 2007/07.

[7]. ARC. 2000. Auckland regional council, 2000. Technical Publication No. 130. Coastal Erosion Management Manual            .

[8]. Thorsten Albers và Nicole von Lieberman, 2011. Báo cáo “Nghiên cứu về Dòng chảy và mô hình xói lở”, dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng”

 

Tác giả:

TS. Nguyễn Duy Khang - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam
PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: