Thương mại hóa công nghệ chìa khóa để đưa KH&CN vào cuộc sống
03/03/2014Hiện nay, công nghệ được coi là công cụ nhằm tăng sức cạnh tranh và chất lượng mọi loại sản phẩm. Trong đó, các trường đại học chính là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ và tài sản trí tuệ. Còn việc nghiên cứu khoa học là nguồn chính để tạo ra các sáng chế có thể thương mại hóa. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Phan Quốc Nguyên, trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, hoạt động chuyển giao công nghệ đại học - doanh nghiệp hiện nay đã được tăng cường hơn trước, song thương mại hóa công nghệ đại học - doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế. Một số trường đại học không quản lý, thống kê được số lượng các hoạt động thương mại hóa công nghệ, các tác giả tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép. Nhiều sáng chế công nghệ chưa hoàn thiện, đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại được. Một số tác giả sáng chế quá thận trọng trong việc hợp tác và vẫn chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Họ muốn nhanh chóng thu lợi ích từ việc chuyển giao sáng chế công nghệ, không muốn hợp tác chung tay phát triển công nghệ với nhà đầu tư.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Nguyên cũng cho biết một phần là do các nghiên cứu có tiềm năng khai thác ứng dụng còn ít; nhiều kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa; nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; năng lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn thấp; môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế đã có tác dụng bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao; khó khăn trong đàm phán thương mại...
Tuy nhiên, có thể thấy tình hình thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam đang có rất nhiều chuyển biến và thay đổi tích cực. Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới KH&CN ngày càng tăng lên nhằm tạo thêm sức cạnh tranh. Trong các trường đại học, viện nghiên cứu, hướng nghiên cứu khoa học đã ngày càng gắn với thực tiễn nhiều hơn. Chính sách khuyến khích của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để liên kết trường đại học và các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đại học - doanh nghiệp. Nhiều Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này như: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng đã tạo ra các hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn cần khắc phục. Từ phía trường đại học, nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp của các trường đại học chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm KH&CN còn ít và kém chất lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với doanh nghiệp…
Còn từ phía doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam (trên 90% có vốn dưới 10 tỷ đồng) với quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ… Ngoài ra, còn có một vấn đề “nhạy cảm” là vấn đề bảo mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các trường đại học… Về phía Nhà nước, còn nhiều chính sách ưu tiên cho trường công lập nên trường đại học và các doanh nghiệp vẫn chưa tích cực liên kết với nhau. Thông tin từ các chính sách khuyến khích chưa được phổ biến đầy đủ, kịp thời; thiếu cơ quan chuyên môn xúc tiến liên kết đại học - doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhận thức và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn yếu kém nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại học công nghệ đại học - doanh nghiệp và hoạt động sáng tạo tại các trường đại học.
Có thể coi một trong số những yếu tố giữ vai trò quan trọng giúp thương mại hóa công nghệ thành công tại Việt Nam chính là quyền SHTT. Việc sử dụng, bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ và tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ không chỉ là mối quan tâm của Nhà nước, trường đại học mà còn của rất nhiều doanh nghiệp. Nhận thức và kiến thức về SHTT đang tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tình hình bảo hộ quyền SHTT hiện nay ở nước ta chưa thực sự mạnh, số lượng đơn đăng ký sáng chế công nghệ còn ít, trong đó, chủ yếu là ngân hàng và kinh doanh công nghệ. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang là vấn đề nhức nhối với nhiều diễn biến phức tạp. Tại các trường đại học, SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Vi phạm quyền SHTT đã gây tâm lý chán nản, mất động lực cho người nghiên cứu khoa học và những người làm công tác chuyển giao công nghệ.
Hiện thực hóa các giải pháp thương mại hóa công nghệ
Có 2 nhóm giải pháp cần được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ đại học - doanh nghiệp, gồm: Cơ chế và chính sách mang tầm quốc gia; Giải pháp cụ thể đối với trường ĐH kỹ thuật. Chúng ta cần nhanh chóng hỗ trợ thành lập các cơ quan trung gian thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ, tổ chức thêm Tech-marts và tăng cường marketing công nghệ, đầu tư thêm trang thiết bị cho các trường ĐH kỹ thuật nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cấp vốn thêm cho những người hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cũng cần tiếp tục thúc đẩy thành lập doanh nghiệp KH&CN và vườn ươm công nghệ, phát triển chương trình hỗ trợ thương mại hóa công nghệ và chính sách ưu đãi về thuế hỗ trợ chuyển giao công nghệ đại học - doanh nghiệp, tổ chức gặp mặt thường xuyên giữa Nhà nước - Đại học - Doanh nghiệp. Về các giải pháp cụ thể đối với các trường ĐH kỹ thuật, cần có những quy định cụ thể về quản lý SHTT và chuyển giao công nghệ như: Xác định chủ sở hữu của các công nghệ, sản phẩm và tài sản trí tuệ; Vai trò của bộ phận quản lý SHTT trong việc thực thi đăng ký độc quyền công nghệ cho các đơn vị và các nhà khoa học trong trường đại học; Đề xuất mức phân chia lợi nhuận nhằm động viên các tác giả đăng ký bảo hộ quyền SHTT, thương mại hóa công nghệ… Các quy định này cần được cụ thể hóa rõ ràng các bước đăng ký xác lập quyền và hỗ trợ tài chính, giúp thúc đẩy mối quan hệ mấu chốt giữa trường đại học và doanh nghiệp.
Có thể coi mối quan hệ trường đại học - doanh nghiệp là tác nhân chính của hoạt động đổi mới sáng tạo. Điều quan trọng nhất lúc này là thiết lập được cơ chế và chính sách thúc đẩy hoạt động SHTT và chuyển giao công nghệ tại trường đại học, nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và tư vấn về kỹ thuật, SHTT cho doanh nghiệp. Về phần mình, các doanh nghiệp sẽ tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Còn về phía Chính phủ, cũng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ đại học - doanh nghiệp; tư vấn đào tạo về SHTT và giúp các trường đại học cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra thêm lựa chọn đối mới công nghệ cho doanh nghiệp.
Hiện nay tại Việt Nam chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ từ những năm 1970, 30% sử dụng công nghệ từ những năm 1980 và 50% từ những năm 1990. Do vậy, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được chất lượng và không phong phú về mẫu mã dẫn đến sức cạnh tranh thấp. Từ đó, có thể thấy, quá trình chuyển giao công nghệ đại học - doanh nghiệp đang là vấn đề rất cấp thiết và trong đó, các trường ĐH kỹ thuật đóng vai trò khá quan trọng.
Theo CESTC, vista.gov.vn
Ý kiến góp ý: