TextBody
Huy chương 2

Thuỷ điện bàn chuyện cắt lũ, xả hồ...

09/09/2010

Công ty CP thuỷ điện A Vương vừa tổ chức hội thảo khoa học, bàn về giải pháp vận hành tối ưu hồ chứa nước, tham gia cắt giảm lũ cho hạ lưu. Các nhà khoa học, chuyên gia thuỷ lợi của VN và lãnh đạo các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam... tham dự.

Đây cũng chính là diễn đàn sôi nổi cho các đại biểu khi bàn về dự thảo quy chế vận hành liên hồ - dự án mà Bộ TNMT vừa mới xây dựng...

Trong trận bão lũ lịch sử (số 9-29.9) với lưu lượng 4.268m3/s; và thuỷ điện A Vương đã được cho rằng góp thêm nước, gây “chồng lũ” ở hạ lưu. Tuy vậy, đoàn công tác của trung ương và địa phương khảo sát, điều tra và kết luận “A Vương đã vận hành đúng quy trình, không “góp” thêm lũ mà thậm chí ngược lại”. Nói một cách khác, sự tàn phá khốc liệt, bất thường của lũ năm 2009 là do... trời.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều quan điểm ngược lại. GS - TS Hà Văn Khối (ĐH Thuỷ lợi, Hà Nội) cho rằng: “Trong cơn bão lũ số 9 năm 2009, A Vương đã tham gia cắt lũ cho hạ du, nhưng quy trình cắt lũ của A Vương là chưa hợp lý. Hồ đã cắt lũ quá sớm. Lẽ ra hồ nên xả lũ sớm, tương đương với lượng nước về của kỳ đầu lũ, để dành dung tích (bỏ trống) để cắt ở phần đỉnh lũ thì việc giảm ngập hạ du sẽ hiệu quả cao hơn”.

Theo GS-TS Hà Văn Khối, khiếm khuyết lớn nhất là miền Trung chưa có quy hoạch tổng thể về phòng, chống lụt bão. Nỗi lo của hàng triệu người “dưới chân” các hồ thuỷ điện là có cơ sở; và dự án xây dựng quy trình vận hành liên hồ do Bộ TNMT chủ trì sẽ góp phần nào an dân. Tuy vậy, dự thảo của quy trình này còn lộ diện nhiều bất hợp lý. Theo TS Nguyễn Lan Châu (Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ), phân phối dung tích phòng lũ cho các hồ thuỷ điện Đắc Mi4 (48 triệu mét khối), A Vương (44 triệu mét khối), sông Tranh 2 (82 triệu mét khối) là không hợp lý, thiếu công bằng so với diện tích lưu vực của từng hồ. Cũng theo tính toán của TS Châu, nếu thực hiện quy chế vận hành liên hồ (dự thảo) sẽ tham gia giảm lũ ở hạ du (tại Ái Nghĩa) 0,5m- trong trận lũ 1998; 0,6m năm 2007 và 0,2m năm 2009. Như vậy, sự tham gia cắt lũ của các hồ thuỷ điện là không đáng kể.

Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự khảo sát của nhiều chuyên gia thuỷ lợi, các nhà khoa học đến từ ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Thuỷ lợi Hà Nội... Đây cũng là đề nghị của các nhà khoa học, nên cân nhắc lợi ích kinh tế-xã hội trong việc tham gia cắt lũ để đi đến quyết định có nên buộc các nhà máy thuỷ điện phải tham gia tích nước, cắt lũ? Nhưng ông Nguyễn Đình Xuân (ĐB Quốc hội tỉnh Tây Ninh) thì phản đối ngay giả thuyết này: “Hàng trăm người dân vùng hạ du đang bồng bế, cõng con chạy lũ, nước đã ngập ngang cổ, nếu thuỷ điện xả lũ, tăng thêm dẫu chỉ 0,2m nữa thì hậu quả khó lường. Nhiều công trình, nhà ở nếu tăng thêm 0,2-0,6m sẽ sập. Thiệt hại kinh tế này cũng là con số không nhỏ so với việc tích nước, phát điện. Nhất thiết các hồ phải tham gia cắt lũ” - ông Xuân khẳng định. Bão lụt miền Trung đã chính thức vào vụ, những tranh cãi giữa các nhà quản lý, khoa học vẫn còn chưa có “điểm chung”; trong khi đó, có thêm nhiều công trình, dự án thuỷ điện đã chặn dòng, tích nước, xả lũ...; vì vậy, người dân phải chủ động tự phòng tránh mới mong đạt hiệu quả.

Nguồn: laodong

Ý kiến góp ý: