Thuỷ điện đang “đầu độc” sông Hương
06/12/2010Sau việc nhiều năm bị băm nát bởi nạn khai thác cát sỏi trái phép, sông Hương lại đã và đang bị đầu độc bởi một thủ phạm mới. Chất lượng nguồn nước sông Hương, nguồn sống của gần 400 ngàn dân thành phố Huế đã và đang bị suy giảm (nói cách khác là ô nhiễm) nghiêm trọng kể từ khi thuỷ điện Bình Điền đi vào hoạt động với việc mùi hôi, hàm lượng sắt, mangan trong nước tăng cao nhiều lần so với trước đó.
Hàm lượng mangan tăng cao
Thời điểm cuối năm 2009 đầu năm 2010, chỉ một thời gian ngắn sau khi công bố đã cấp nước an toàn trên toàn tỉnh, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là đơn vị điển hình cấp nước an toàn đầu tiên ở Việt Nam, Cty TNHH NN MTV xây dựng và cấp nước Thừa Thiên –Huế liên tục nhận được phản ánh, khiếu nại của khách hàng về tình trạng nước đen và có mùi hôi. Thậm chí, có một người nước ngoài sau khi tắm ở bể bơi của một khách sạn trong thành phố đã hoảng loạn vì tóc từ màu vàng chuyển sang... màu đỏ.
Ông Trương Công Nam - Giám đốc Cty xây dựng và cấp nước Thừa Thiên – Huế - cho biết: Các thông số đo đạc cho thấy, chất lượng nước sông Hương, đặc biệt là nhánh Hữu Trạch bỗng nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Kéo theo đó, chất lượng nước ở các nhà máy nước Vạn Niên, Dã Viên, Bình Thành... cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi và đặc biệt, lượng sắt, mangan tăng cao rất nhiều lần so với trước. Nguyên nhân, do thuỷ điện Bình Điền khi đưa vào vận hành (tháng 5.2009) đã không làm sạch thảm thực vật ở lòng hồ và thiết kế thiếu van xả đáy làm cho nước thiếu ôxy nghiêm trọng, dẫn đến nguồn nước sông Hương không thể tự thanh lọc và ôxy hoá sắt, mangan như trước đây.
Mất hơn 12 tỉ đồng để xử lý
Theo ông Trương Công Nam, để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân, hai năm qua, Cty đã chi hơn 12 tỉ đồng để súc rửa đường ống, đổi mới công nghệ, tăng hoá chất xử lý như: Dùng than hoạt tính để loại bỏ bớt mùi hôi và độc chất; sử dụng polymer nhằm tăng hiệu quả lắng; tăng cường xử lý javel, soda ở công đoạn đầu để loại bỏ bớt sắt và mangan; mua thêm cát mangan để lọc nước... Và đến thời điểm này, sau gần 18 tháng xử lý, hàm lượng sắt và mangan trong nước tuy đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, nhưng vẫn còn rất cao so với thời điểm năm 2008 (lượng mangan năm 2010 tăng 19 lần so với 2008; lượng sắt năm 2010 tăng 2,6 lần so với năm 2008). Chính lượng sắt và magan cao này dẫn đến việc nước dễ đóng cặn, thỉnh thoảng gây ra tình trạng nước đục đen và vàng trên mạng phân phối.
Đáng báo động là sắp tới, ở thượng nguồn sông Hương còn có thêm ba công trình, trong đó có hai công trình thuỷ điện (A Lưới và Hương Điền), một hồ chứa nước (Tả Trạch) đi vào hoạt động và các công trình hồ chứa này khi thiết kế đều không có van xả đáy và việc các hồ chứa này có làm sạch lòng hồ trước khi tích nước hay không vẫn là một dấu hỏi. Cho nên, viễn cảnh của “Bình Điền” mới đối với sông Hương là điều có thể nhìn thấy trước.
Ngày 9.11, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế gửi văn bản số 4963 đến Sở TNMT, Sở NNPTNT và chủ đầu tư các công trình thuỷ điện, hồ chứa trên địa bàn tỉnh, yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc vệ sinh lòng hồ trước khi tiến hành tích nước. Khẩn trương xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan để tiến hành các thủ tục vệ sinh lòng hồ, đảm bảo thời gian vệ sinh lòng hồ và tích nước. UBND tỉnh cũng yêu cầu hai sở nói trên giải quyết các thủ tục có liên quan, giám sát chặt chẽ việc vệ sinh lòng hồ và tích nước của các công trình trên.
Từ năm 2008, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đưa ra cảnh báo: Từ năm 2010 trở đi, Thừa Thiên - Huế sẽ thiếu cát sỏi trong xây dựng. Nguyên nhân do lâu nay, nguồn cung cấp cát sỏi trên các con sông ở Thừa Thiên – Huế luôn được bồi đắp sau mỗi mùa lũ với ước tính mỗi năm từ 1,3 - 1,7 triệu mét khối cát. Tuy nhiên từ năm 2010 trở đi, khi các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện ở thượng nguồn các sông Hương, Bồ được xây dựng xong, lượng cát sỏi bổ sung từ thượng nguồn về hạ du sẽ không còn. Hiện trữ lượng cát trên các con sông ở Thừa Thiên – Huế như Hương, Bồ, Truồi... chỉ còn khoảng 2,75 triệu mét khối (thời điểm năm 2008), chỉ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng thêm một vài năm (trung bình mỗi năm Thừa Thiên – Huế khai thác khoảng 900.000m3 cát sỏi).
Theo laodong
Ý kiến góp ý: