Thủy điện miền Trung: Lợi bất cập hại đã rõ!
20/09/2011Sự phát triển ồ ạt của các nhà máy thủy điện như hiện nay tại miền Trung đã bắt đầu có những tác động tiêu cực đến môi trường, dân sinh...
Tại Hội thảo Tư vấn phản biện “Quy hoạch thủy lợi, thủy điện miền Trung” do Hội Tưới tiêu Việt Nam (thuộc Liên Hiệp các Hội KH- KT Việt Nam) tổ chức ngày 8.9, tại TP.Đà Nẵng, hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia về thủy điện- thủy lợi đã chỉ ra rằng, hiện hệ thống thủy điện đang phát triển thiếu khoa học.
Hàng triệu “túi nước” treo lơ lững trên đầu dân
Các nhà khoa học ví von rằng: đi dọc các tỉnh miền Trung, đâu đâu cũng thấy những cái “túi nước” khổng lồ có thể “dội” vào đầu hàng triệu người dân bất kỳ lúc nào, nhất là mùa mưa lũ. Trong đó, điển hình là 4 tỉnh gồm: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cùng hai tỉnh ở Tây nguyên là Kontum và Đắc Nông với số lượng gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai.
Là địa phương có số lượng các nhà máy thủy điện lớn nhất hiện nay, tỉnh Quảng Nam có đến 62 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất lên tới 1.601,1MW. Hiện Quảng Nam mới có 8 công trình thủy điện đã xây dựng xong. Còn lại, hơn 50 dự án thủy điện đã được phê duyệt nhưng đang dang dở.
Nguy cơ tạo nên thảm họa về môi trường do việc chặn ngang dòng chảy làm thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) nói riêng và tại các tỉnh miền Trung nói chung đã được Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM - một cơ quan nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ nhằm đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch lưu vực thủy điện Vu Gia - Thu Bồn) cảnh báo từ trước.
Theo ICEM, hiện lượng phù sa ở các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Sông Vu Gia tại trạm quan trắc Thành Mỹ (Nam Giang) bình quân mỗi năm có 460.000 tấn đất, cát bồi lắng. Với lượng bồi lắng như vậy, cơ quan này cảnh báo thành phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ là nơi hứng chịu nhiều cơn lũ lớn do chính tác động này. Bên cạnh đó, khi thủy điện sông Bung 4 đi vào tích nước (490 triệu m3) thì chắc chắn nước ở sông Bung sẽ cạn kiệt, dẫn đến hạ lưu khô hạn.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, nói: “Ngoài nguy cơ nhiễm mặn nặng do nước biển xâm thực, vào mùa lũ, các “túi” nước khổng lồ này sẽ nhấn chìm hàng vạn dân vùng hạ lưu là điều khó tránh khỏi”.
Dân khổ vì thủy điện
Ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh kiến nghị, miền Trung là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện. Nhưng không vì thế mà đua nhau xây dựng thủy điện. “Làm thủy điện sinh lời cao nên các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, họ chỉ coi trọng lợi ích riêng mà quên đi sinh mạng của hàng vạn người dân vùng hạ lưu. Trong một thời gian dài, chúng ta đã buông lỏng quản lý và thiếu một tầm nhìn chiến lược…”, ông Hùng bức xúc.
Ông Lê La Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị nêu ý kiến: “Tôi thấy, cứ ở đâu có nhà máy thủy điện là người dân đều khổ. Đó là người dân mất đất, nhà nước mất rừng. Đời sống nơi tái định cư thiếu thốn đủ thứ, kể cả điện chiếu sáng. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa lũ thì chính họ cũng là người hứng chịu những “túi nước” do chính các nhà máy thủy điện xả xuống.
Đề nghị thành lập Bộ Thủy Lợi
Các đại biểu cho biết, nhiều năm qua, đã có rất nhiều diễn đàn phân tích hậu quả của việc xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện. Những nguyên nhân chủ quan, khách quan cũng đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ… nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp khắc phục hậu quả mà các nhà máy thủy điện này gây nên. Nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên nhân của tình trạng trên là do có quá nhiều cơ quan quản lý “ông điện” nhưng lại không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. “Điểm chung và cũng là bản chất của vấn đề là các nhà máy thủy điện đều “bức tử” nguồn nước để “sinh ra” tiền” rồi bỏ túi. Nhưng cũng nguồn tài nguyên nước ấy lại có rất nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chuyên. Do đó, theo tôi, chúng ta nên tái lập lại Bộ Thủy Lợi để khai thác nguồn nước và trị “ông” thủy điện”.
Các đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương nên ban hành các nguyên tắc cơ bản của Quy hoạch xây dựng thủy điện- thủy lợi để bắt buộc các nhà đầu tư phải áp dụng.
“Khi xây dựng thủy điện không được phá vỡ quy luật tự nhiên; phải hài hòa các lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp; bắt buộc khi cấp phép xây dựng phải có đánh giá về tác động môi trường dài hạn… Nếu vi phạm các quy tắc này, phải xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định kiến nghị.
Theo baodatviet
Ý kiến góp ý: