Thuỷ điện Sơn La sẽ về đích trước 2 năm
23/11/2010“Thuỷ điện Sơn La sẽ về đích trước hơn 2 năm so với mốc tiến độ Quốc hội giao” - đây là khẳng định của tổng thầu công trình - Tập đoàn Xây dựng công nghiệp VN (gọi tắt là Tập đoàn Sông Đà) tại lễ mừng công hoàn thành công tác bêtông đàm lăn (RCC) tại công trình thuỷ điện Sơn La.
Đặc biệt hơn mốc phát điện tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La đã được ấn định 25.12 có thể một lần nữa được Sông Đà “lội ngược dòng”. Dự kiến 7.12 những người thợ Sông Đà sẽ thắp sáng dòng điện Sơn La.
“Cây đũa thần” bêtông đầm lăn
Theo ông Nguyễn Thiên Tới - Phó TGĐ Tập đoàn Sông Đà, GĐ Ban điều hành dự án thuỷ điện Sơn La: Cú đột phá khó tin về tiến độ tại dự án này mang tên “bêtông đầm lăn - RCC”. Đây là “cây đũa thần” đã “gõ” ra 1 triệu USD khi giúp công trình thuỷ điện Sơn La rút ngắn tiến độ hơn 2 năm so với kế hoạch Quốc hội giao”.
Quả vậy, thông thường các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia của VN từ xưa đến nay đúng tiến độ đã là may, nhiều công trình kéo dài tiến độ vài năm trời. Vì vậy nhiều người đã không tin nổi khi tổng thầu Sông Đà tuyên bố thuỷ điện Sơn La có thể về đích trước 2 năm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên kỳ tích này là việc áp dụng công nghệ RCC. Bộ phận kỹ thuật của Sông Đà phân tích: Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, theo báo cáo trình lên Quốc hội, dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư, lúc này tư vấn đã đề nghị áp dụng công nghệ RCC, tiến độ khâu đổ bêtông được rút ngắn 30% và tổng tiến độ rút ngắn được 2 năm. Theo tiến độ kế hoạch ngày 25.12.2010 tổ máy số 1 sẽ phát điện.
Trên thực tế công nghệ RCC không những rút ngắn tiến độ mà còn bảo đảm chất lượng. Tổng khối lượng RCC thực tế đổ ở đập là 2.690.000m3. Lớp RCC đầu tiên thi công vào ngày 11.1.2008 và lớp kết thúc vào ngày 25.8.2010. Như vậy, thời gian thi công chỉ vào khoảng 2,5 năm. Đặc biệt, cường độ thi công RCC bình quân đạt 100.000-:-120.000m3/tháng. Trong khi đó nếu so với thi công bằng công nghệ bêtông trọng lực (có lạnh) như một số công trình thuỷ điện Hòa Bình, Yaly, SeSan 3, SeSan 3A... đã áp dụng, thì cường độ chỉ có thể đạt từ 45.000 - 55.000m3/tháng.
Dồn sức cho Sơn La
Ông Dương Khánh Toàn - TGĐ Tập đoàn Sông Đà - cho biết: Không chỉ Tập đoàn Sông Đà mà cả nước đã dồn sức cho Sơn La sớm thắp sáng dòng điện trắng. Sở dĩ việc thi công thuỷ điện Sơn La triển khai suôn sẻ vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng là có sự điều hành sát sao của Chính phủ cộng với nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và tổng thầu Tập đoàn Sông Đà cùng các nhà thầu. Trực tiếp Ban chỉ đạo nhà nước về công trình thuỷ điện Sơn La do đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hảỉ làm trưởng ban luôn bám sát công trình chỉ đạo điều hành các bộ, ban ngành giải quyết ngay những vướng mắc khó khăn của dự án.
Cụ thể trong khi chờ thiết kế các hạng mục công trình chính, các nhà thầu được phép triển khai thi công trước các hạng mục phụ trợ và một số hạng mục cho công tác chuẩn bị mặt bằng, rút ngắn tiến độ công trình 2 năm. Tổng thầu Sông Đà đã dám đi trước một bước đầu tư 400 tỉ vật tư thiết bị, chuẩn bị nhân lực có tay nghề cao để thi công đón đầu. Công trình còn có ban đơn giá riêng nên các vướng mắc về định mức, đơn giá, dự toán đều được giải quyết thỏa đáng, đảm bảo lợi ích kinh tế cho cả chủ đầu tư và các nhà thầu.
Cơ chế cho phép tổng thầu xây lắp, tổng thầu điều hành các nhà thầu thành viên trong tổ hợp có quyền thay thế, điều phối công việc giữa các nhà thầu đã giúp “nhạc trưởng Sông Đà ” điều khiển các nhà thầu “đi bè” khá chuẩn xác thi công đúng tiến độ công trình đã được duyệt. Quan trọng nhất là cơ chế đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cho phép các ngân hàng cho vay vượt vốn tự có, bảo lãnh để chủ đầu tư vay đủ vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu thi công theo tiến độ công trình. Chính tất cả những điều đặc biệt đó đã tạo nên cú đột phá ngoạn mục về tiến độ cho thuỷ điện Sơn La.
Theo laodong
Ý kiến góp ý: