Thủy điện với phát triển bền vững
22/11/2010Đi tìm sự hài hòa giữa phát triển thủy điện với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách. Nó không chỉ đặt ra ở tầm quốc gia, khu vực mà mang ý nghĩa hợp tác toàn cầu. Bởi mỗi con sông, mỗi dòng chảy lớn đã không còn là vấn đề hạn hẹp của một quốc gia
Những tổn thất lớn do cơn bão Ketsana và Mirial gây ra ở miền Trung và Tây Nguyên vào tháng 11/2009 cho thấy khá rõ mối quan hệ giữa phát triển thủy điện với rừng, môi trường và vai trò của nhà quản lý. Theo đó, các công trường xây dựng thủy điện lấn rừng gây suy thoái môi trường và nhiều thảm họa được lộ diện.
Thủy điện xuất hiện cách đây trên 70 năm và trở thành niềm hy vọng của nhân loại. Trong cung cấp điện năng, thủy điện là nguồn cung ứng linh hoạt bởi khả năng điều chỉnh công suất. So với nhiệt điện, thủy điện cung cấp một nguồn năng lượng sạch, không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhờ lợi thế có được, trong vòng 50 năm, cộng đồng quốc tế đã xây dựng trên 40 vạn đập, tạo hệ thống hồ chứa nước trên diện tích rộng hơn 400.000km2. Đập thủy điện lớn nhất hành tinh là Akasombo xây dựng trên sông Volta ở Gana, hình thành hồ chứa nước rộng tới 4% diện tích của đất nước này.
Do hiệu quả đầu tư thủy điện mang lại khá cao, người ta thường ít chú ý đến hiểm họa môi trường. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, trên 58% số dự án thủy điện được xây dựng đã không tính hết tác động môi trường. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã làm rõ tác động bất lợi của thủy điện trên các mặt sinh thái, giảm thiểu đa dạng sinh học và hiệu quả kinh tế đảo ngược từ việc cải tạo môi trường tự nhiên.
Điều dễ thấy là, những hồ chứa nước thủy điện đã nhấn chìm không ít khu rừng đầu nguồn. Giới phân tích cho biết, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10 - 30ha rừng và để có 1.000ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 - 2.000ha đất ở phía thượng nguồn. Về phía hạ lưu, do dòng chảy cạn kiệt, nhiều vùng bị xâm thực, nước biển dâng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Từ xa xưa, các hệ động, thực vật đều dựa vào dòng chảy để sinh sản, di trú và lũ hàng năm cũng đưa một lượng khổng lồ chất dinh dưỡng bồi đắp cho những đồng bằng trù phú. Việc xây dựng đập làm thay đổi dòng chảy đến các cửa sông, được coi là nguyên nhân làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tại vùng vịnh Mexico, Biển Đen, Caspien hoặc San Francisco... Cũng theo các nhà sinh học, khoảng 20% loài sinh vật nước ngọt trên bờ vực tuyệt chủng do tác động của những con đập ngăn các dòng sông.
Ngoài gây sụt giảm sinh vật, đập chặn còn ngăn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu, khiến nhiều bờ sông suy yếu và sụt đáy sông. Sau 9 năm đập nước Hoover trên sông Calorado (Mỹ) đi vào hoạt động, đáy sông bị thấp đi 4m. Trên vùng Cận Đông, sông Nile hàng năm mang theo hàng trăm triệu tấn trầm tích ra cửa sông và bồi đắp cho đồng bằng ở phía hạ lưu. Khi đập Aswan hoạt động, lượng trầm tích của sông bị đọng lại tới 98%. Tương tự, đập nước Akasombo cắt đứt nguồn trầm tích của sông Volta, làm cho đường bờ biển Togo và Benin hàng năm đều bị xói mòn từ 10 - 15m.
Hậu quả bất lợi về môi trường và tài nguyên sinh vật, buộc Chính phủ nhiều nước phải xem xét thận trọng hơn chiến lược phát triển thủy điện và có giải pháp chính sách điều chỉnh thích hợp. Tại Mỹ, việc phá đập ngăn nước trả lại dòng chảy cho những con sông ngày càng mở rộng. Tính từ năm 1999, trong tổng số 5.500 đập nước xây dựng, đã có trên 430 đập được dỡ bỏ. Do đập thủy điện trên sông Klamath gây hàng loạt vấn đề về môi trường bức xúc và cản trở sự di trú của các loài thủy sinh, tháng 10/2009, 28 tổ chức của Mỹ đã đi đến thỏa thuận phá bỏ 4 đập thủy điện lớn nhất để trả lại nguyên vẹn dòng sông dài 420km, chảy dọc theo ranh giới của bang California và Oregon.
Đập thủy điện trên sông Klamath được thiết kế nhằm tưới cho những cánh đồng lúa mì, chạy tuốc bin thủy điện và tạo thuận lợi cho giao thông thủy. Thế nhưng, dự án đã không lường trước được sự giảm sụt nhanh chóng của giống cá hồi mà chính quyền liên bang đã phải bỏ ra trên 8 tỉ USD để tìm cách cứu vãn. Theo Stave Rothert, Giám đốc Group American Rivers, loại bỏ 4 đập nước trên thượng lưu Klamath là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới. Khôi phục dòng sông lịch sử này không chỉ giúp cho dòng sông khỏe mạnh mà còn là lấy lại sức sống cho các cộng đồng dân cư.
Trên địa bàn Đông Nam Á, lưu vực Mekong được coi là nơi tập trung các loài thủy sinh lớn thứ 2 thế giới với trên 1.000 loài. Các nhà phân tích nhận xét, mỗi con đập ngăn ở đây có thể hủy diệt đến 70% lượng cá di cư có thể đánh bắt. Một phúc trình của Liên Hợp Quốc đã thể hiện mối quan ngại khi Trung Quốc xây dựng quá nhiều đập nước ở thượng nguồn Mekong. Kế hoạch tham vọng của quốc gia này đã tập trung vào 8 đập lớn với Tiểu Loan cao nhất thế giới (292m), trở thành mối đe dọa lớn đối với dòng chảy của con sông dài 4.800km đi qua 6 nước; trong đó, Việt Nam ở phía cuối nguồn.
Số liệu quan trắc nhiều năm cho thấy, thượng nguồn Mekong chiếm khoảng 60% dung tích lưu vực. Với tổng dung lượng hồ chứa Trung Quốc xây dựng tương đương với tất cả hồ chứa nước của Đông Nam á, khi lượng nước thượng nguồn ở đây bị chặn, về mùa khô cạn kiệt ở phía hạ lưu là điều khó tránh. Ngược lại, trong mùa mưa, việc xả nước đột ngột của hồ đập thượng nguồn cũng sẽ tạo nên không ít trận lũ kinh hoàng. Theo giới quan sát, khi những con đập thượng lưu đi vào hoạt động, ở phía cuối nguồn, Việt Nam sẽ là nước gánh chịu hậu quả nặng nề, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trong mối quan hệ giữa thủy điện với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, những gì diễn ra trong xu thế phát triển toàn cầu đã minh chứng, cách làm chủ quan, nóng vội và thiếu cân nhắc trong đánh giá tác động môi trường đều phải trả giá quá đắt cho những thảm họa khôn lường của những năm sau. Tổn hại thay đổi dòng chảy và những quy luật tự nhiên có thể dẫn đến thiên tai khủng khiếp, đa dạng sinh học bị hủy diệt làm nghiêm trong thêm những vấn đề môi trường và điều kiện sống của con người. Đi tìm sự hài hòa giữa phát triển thủy điện với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách. Nó không chỉ đặt ra ở tầm quốc gia, khu vực mà mang ý nghĩa hợp tác toàn cầu. Bởi mỗi con sông, mỗi dòng chảy lớn đã không còn là vấn đề hạn hẹp của một quốc gia.
Theo vov, cpv
Ý kiến góp ý: