'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó'
25/08/2022Câu nói của nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nói lên tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của ngành Thủy lợi đối với sự phát triển của quốc gia.
Chiều 24/8, Bộ NN-PTNT tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2022).
Chia sẻ về một số dấu ấn của ngành Thủy lợi đạt được trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi đã cơ bản được hoàn thiện. Trong thời gian tới, Tổng cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để tiếp tục xây dựng Luật về nước sạch nông thôn.
Buổi gặp mặt kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.
Qua rà soát, đến nay đã có khoảng 50 quy hoạch phát triển thủy lợi được phê duyệt. Lần đầu tiên Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mục tiêu đặt ra là cân đối nguồn nước trên phạm vi toàn quốc.
Trong vấn đề đầu tư công trung hạn, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, trong giai đoạn tới, ngân sách Trung ương sẽ bố trí 60.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, trong đó ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình hồ chứa đã cũ, bị hư hỏng, xuống cấp; hoàn thiện hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền núi phía Bắc.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy lợi tham dự buổi gặp mặt và chia sẻ những ý kiến tâm huyết phát triển thủy lợi trong thời gian tới. Ảnh: Minh Phúc.
Đặc biệt, ngân sách Trung ương cũng dành 1.500 tỷ đồng để đầu tư các công trình, hệ thống cấp nước sinh hoạt để giải quyết được các “điểm nóng” thiếu nguồn nước sinh hoạt tại đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Bộ NN-PTNT dự kiến sẽ hình thành các doanh nghiệp để quản lý vận hành các công trình thủy lợi quan trọng và phát triển kinh tế nước. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Vừa qua, ngành Thủy lợi rất vui mừng khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36 về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó, Bộ Chính trị đưa ra quan điểm phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Cảnh Dinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi chia sẻ: Khi đọc được Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước với nội dung rất toàn diện, giải quyết tất cả các vấn đề lớn của ngành thủy lợi, chúng tôi rất vui mừng. Điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà Nước coi lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của quốc gia. Tôi rất mong lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ, Viện để nghiên cứu sâu sắc, qua đó triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra.
Việc đầu tư siêu công trình cống Cái Lớn - Cái Bé đã giúp chủ động kiểm soát mặn, ngọt tại ĐBSCL
Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng tâm sự: “Trong quá trình công tác, chúng ta đã trải qua biết bao giông tố, bão, lũ… và làm được những việc rất lớn lao, đáng trân trọng”. Ông nói thêm: “Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người đồng cấp ở các quốc gia, họ đều ngỡ ngàng với sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam, và như Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu, sự khác biệt tạo nên thành công của nền nông nghiệp Việt Nam chính là ngành thủy lợi”.
Vì vậy, khi ngồi với nhau ngày hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào với những gì đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những đóng góp ấy không chỉ nhất thời mà sẽ tồn tại lâu dài với đất nước.
Trước đó, khi còn là Bộ trưởng, ông Cao Đức Phát đã phát biểu rằng: “Thủy lợi đi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó”, và cho đến ngày hôm nay, câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Giáo sư Nguyễn Ty Niên kể rằng, ngày 28/8/1945, Bác Hồ mới về Hà Nội hơn 10 ngày. Nhà nước lâm thời lúc bấy giờ mới thành lập được một số Bộ. Trong bối cảnh hàng triệu người chết đói, toàn hệ thống đê sông Hồng bị vỡ 52 điểm, việc đầu tiên Bác Hồ nghĩ đến là thành lập Bộ Giao thông Công chính nhưng nhiệm vụ trước mắt không phải là lo làm đường, làm nhà mà để đắp đê chống lụt, sản xuất nông nghiệp để chống đói. Và, như một kỳ tích, chỉ sau 3 tháng, toàn bộ các điểm đê bị vỡ đã được đắp. Bởi vậy, ngày 28/8 đối với những người làm công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai rất thiêng liêng. Dù sau này chúng ta có đạt được thành quả to lớn như thế nào đi chăng nữa, cũng không có thành quả nào chói lọi hơn.
5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thủy lợi
Tại buổi lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành thủy lợi - những người đã góp công lớn để ngành đạt được những thành quả to lớn như hôm nay.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh 5 nhiệm vụ ngành Thủy lợi cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Minh Phúc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh 5 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Trước hết, nói về công tác thủy lợi thì đầu tiên phải nhắc đến hệ thống các hồ, đập trữ nước và các hệ thống dẫn nước ngọt. Trong quá trình xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, chúng ta đã rà soát toàn bộ những nơi có thể đầu tư xây dựng các đập trữ nước.
Tuy nhiên, nếu đầu tư xây dựng mới tất cả các công trình ấy, chúng ta chỉ nâng dung tích trữ nước của quốc gia lên khoảng 2 tỷ m3. Đó là chưa kể một số địa điểm rất khó thi công, suất đầu tư cũng rất lớn. Vì vậy, giải pháp tối ưu hiện nay là tập trung nguồn lực để nâng cấp các hồ chứa hiện tại để nâng dung tích trữ nước và khả năng cắt lũ.
Hướng tiếp theo là xây dựng các đập dâng nước trên các hệ thống sông ở những nơi không có hồ đập; đầu tư hệ thống chuyển nước từ nơi thừa nước sang nơi thiếu nước.
Nhiệm vụ thứ hai được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, đó là nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thoát lũ, phòng chống lũ và ngập lụt cho cả đô thị và khu vực công nghiệp. Theo quy định hiện nay, nhiệm vụ này được Bộ Xây dựng đảm trách, tuy nhiên dù Bộ Xây dựng có giải pháp chống ngập lụt cho đô thị thì nguồn nước cũng sẽ vẫn dồn về khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, một số công trình đã được Bộ NN-PTNT làm thử nghiệm, ví dụ như hệ thống chống ngập cho Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước.
Thứ ba là khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi đã có, nhất là nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi do người Pháp để lại để nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo phục vụ tưới tiêu tốt hơn. Hội Thủy lợi Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tập hợp, nghiên cứu tất cả các công trình thủy lợi do Pháp để lại, từ đó đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để có định hướng đầu tư xây dựng công trình thủy lợi mang lại hiệu quả bền vững hơn.
Thứ tư, trong trung hạn 2021 - 2025, cần giải quyết dứt điểm các vấn đề nóng của quốc gia, ví dụ như vấn đề nước sạch nông thôn cho 100.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020; giải quyết vấn đề thiếu nước tại “lục khu” Cao Bằng cũng như bà con ở huyện Mường Nhé (Điện Biên). Bởi, giải quyết các “điểm nóng” ấy không tốn quá nhiều kinh phí, nhưng người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt hơn.
Thứ năm, trước tình trạng các trường đại học đào tạo chuyên ngành thủy lợi khó thu hút sinh viên, Bộ NN-PTNT đã đề xuất miễn học phí cho một số chuyên ngành ưu tiên, khó tuyển sinh. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành và nhà hảo tâm ủng hộ để hình thành quỹ học bổng, giúp các sinh viên trang trải sinh hoạt trong quá trình học tập. Hy vọng rằng, với những nỗ lực nêu trên, chúng ta sẽ giải quyết được tận gốc những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thủy lợi.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
Ý kiến góp ý: