TextBody
Huy chương 2

Thủy lợi: Không chỉ là việc “trị thủy”

18/12/2020

Nếu cách đây 60 năm, câu chuyện về hệ thống Bắc-Hưng-Hải chủ yếu xoay quanh nhiệm vụ tưới tiêu, thoát úng trên hệ thống sông Hồng thì ngày nay, sự khó lường của khí hậu, nhu cầu gia tăng về nước sản xuất, sinh hoạt và tác động của những yếu tố xuyên biên giới đã đặt thủy lợi Việt Nam vào một tình thế khác trước, không đơn thuần chỉ để “trị thủy”.

Nếu ai đó từng cho rằng, Việt Nam với lợi thế tự nhiên là một mạng lưới sông ngòi chằng chịt thì không khi nào rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Thế nhưng điều đó đã xảy ra trong một vài năm gần đây, đặc biệt là vựa lúa ĐBSCL ở hạ du sông Mekong. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô có thể rình rập bất cứ lúc nào. Mặt khác, sự khốn đốn vì nước và thiên tai ở miền Trung vào tháng 10 vừa qua cũng là tín hiệu cho thấy, câu chuyện “trị thủy” không còn một chiều như trước. Muôn hình vạn trạng những tình huống cực đoan do thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và những hoạt động của con người khiến những giải pháp cũ, những kinh nghiệm cũ không còn phù hợp.

Những thách thức mới

Nếu được lắng nghe số liệu thống kê của ngành thủy lợi, có thể mọi người mới “thoát” ra khỏi những nhận định sai lầm về nước sinh hoạt và sản xuất của Việt Nam. Bất chấp việc có được mạng lưới sông ngòi phân bổ ở cả Bắc, Trung, Nam, trong đó lớn nhất là hai hệ thống sông Hồng và sông Mekong, Việt Nam vẫn ở thế phải hứng chịu nhiều rủi ro về nước. “Chúng ta đang phụ thuộc vào quá trình khai thác và sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn bởi nguồn nước mặt sản sinh ra ở Việt Nam chỉ chiếm 37% trên tổng lượng nước quốc gia, 63% xuất phát từ ngoài lãnh thổ”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) nêu một thực tại trong khuôn khổ buổi làm việc về hoạt động KH&CN ngành thủy lợi giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT ngày 10/12/2020.

Năm 2019, báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” của Worldbank cũng có một thông tin tương tự: “Gần 95% lượng nước của sông Mekong bắt nguồn từ ngoài biên giới, và 40% của sông Hồng có nguồn gốc ở Trung Quốc, trong khi đó các sông Mekong, sông Hồng-Thái Bình và sông Đồng Nai chiếm khoảng 80% tổng lượng tài nguyên nước Việt Nam”.

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, nếu mức bình quân sử dụng nước trên thế giới là 9.000m3/người/năm thì Việt Nam ở mức trung bình. Vấn đề ở chỗ “nếu tính lượng nước nội sinh trên lãnh thổ lại chỉ có 3.300 m3/người/năm, không chỉ thấp hơn mức trung bình của Đông Nam Á 4.900 m3/người/năm mà còn ở mức thiếu”, ông Nguyễn Văn Tỉnh đưa thêm con số và chỉ ra, “tổng lượng nước khai thác hiện nay trên lãnh thổ là 100 tỉ m3/năm”.

Việc phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ khiến Việt Nam dễ rơi vào cảnh rủi ro. “Những công việc mà các quốc gia thượng nguồn của các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước như thủy điện, chuyển đổi dòng chảy phía thượng nguồn dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là tại hai đồng bằng lớn là ĐBSCL và ĐBSH”, ông nói.

Trong bối cảnh đó, nước ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Nếu theo số liệu của Worldbank vào năm 2016 thì ngành nông nghiệp sử dụng nhiều nước nhất với 81%, tiếp theo là thủy sản 11%, công nghiệp 5% và đô thị 3%; dự báo nhu cầu này ngày một gia tăng. “Yêu cầu về nước trong công nghiệp, sinh hoạt đang gia tăng là yếu tố chính dẫn đến tranh chấp, chia sẻ nguồn nước ở các lưu vực sông giữa các ngành, các địa phương”, người phụ trách Tổng cục Thủy lợi nói. Cuộc “đòi nước” trên sông Vu Gia - Thu Bồn kéo dài 10 năm giữa Quảng Nam và Đà Nẵng cho thấy không chỉ là nhu cầu nước cho trồng trọt, sinh hoạt mà còn cả thủy điện. Đây là điều khiến cho việc điều tiết hệ thống thủy lợi ngày nay mang màu sắc mới và yêu cầu mới.

Với nguồn cung từ nước mặt ngoài lãnh thổ đang bị hạn chế do khai thác thượng nguồn, Việt Nam có thể tìm nguồn cung từ nước ngầm. Tuy nhiên đây cũng là một cách thức dễ gây rủi ro, không chỉ làm ảnh hưởng đến kết cấu đất, giải phóng kim loại nặng vào nước ngầm… mà còn dẫn đến tình trạng sụt lún như những gì diễn ra tại các đô thị lớn Hà Nội, TPHCM hay trượt lở đất ở miền trung trong mùa lũ năm nay. Giáo sư Tăng Đức Thắng (Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam) cũng từng nhận xét tại hội nghị KH&CN ngành Thủy lợi và Phòng chống thiên tai năm 2018, các hệ thống đồng bằng thấp như ĐBSCL được bồi đắp từ trầm tích của các con sông nên đất mềm yếu, dễ bị xói, sạt, trượt và tan rã.

Âu lo về hệ thống thủy lợi

Đan xen giữa những thách thức trong bối cảnh mới và truyền thống “trị thủy” mà ngành Thủy lợi đã có là nỗi âu lo của các chuyên gia Tổng cục Thủy lợi nói riêng và Bộ NN&PTNT nói chung. Bởi con số 4,2 triệu ha đất trồng được tưới hằng năm từ các công trình thủy lợi chỉ chiếm 36,5% tổng diện tích canh tác nông nghiệp, nghĩa là còn tới hơn 60% diện tích canh tác không được cung cấp thường xuyên. Bên cạnh “44% dân số nông thôn được tiếp cận các công trình cấp nước tập trung thì 56% chưa được như vậy”, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết. Theo quy định của nhà nước, các công trình cấp nước tập trung là hệ thống bao gồm công trình khai thác, xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch đến người dùng và các công trình phụ trợ có liên quan.

Nhìn vào hệ thống công trình thủy lợi hiện nay do ngành Thủy lợi quản lý, người ta không khỏi đồng cảm với suy nghĩ của họ. “Hệ thống thủy lợi thì đã cũ kỹ lạc hậu, do phù hợp với thiết kế phục vụ nông nghiệp, trồng lúa là chính nên khó có thể đủ năng lực phục vụ sản xuất quy mô lớn. Trong khi đó, việc nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng cạn bằng các biện pháp lạc hậu, diện tích cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến còn hạn chế”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nói.

Những điều kiện môi trường và yêu cầu mới đòi hỏi hệ thống thủy lợi phải là những công trình đa mục tiêu: không chỉ là cung cấp nước hay thoát úng mà còn tham gia vận tải đường thủy, làm thủy điện, chế tạo chế biến… Những nhu cầu ngày càng lớn khiến hệ thống thủy lợi đứng trước nhiều thách thức “Nhu cầu thoát mưa, lũ ngày càng tăng trong khi năng lực tiêu thoát của công trình thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc phát triển thủy điện thượng nguồn, khai thác cát trên những dòng sông có thể là nguyên nhân chính gây sạt lở sông, bờ biển, các khu vực dân cư ven sông đồng thời làm hạ thấp lòng dẫn tại ĐBSH làm ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thủy lợi và an toàn sinh kế người dân… Đây là vấn đề lớn”, Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh, Hội Thủy lợi Việt Nam nhận xét.

Mặt khác, câu chuyện về lũ lụt ở miền trung còn cho thấy một thực tại khác, đó là an toàn đập và hồ chứa. Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: “Với số lượng lớn, nằm rải rác ở nhiều địa phương trong thời gian dài không được duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nên nhiều hồ chứa hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay cả nước có 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, thiếu khả năng tháo lũ và chưa có nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp kịp thời, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng và gây tác động rõ đến an toàn hồ đập… Việc gia tăng ô nhiễm nguồn nước và lan truyền ô nhiễm cũng gây sức ép lên công tác quản lý”.

Tìm giải pháp từ KH&CN

Hệ thống tưới nước thông minh sử dụng năng lượng mặt trời và mạng cảm biến không dây kết hợp công nghệ IoT của TS. Lê Quang Thảo (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) ứng dụng đã được thử nghiệm tại Yên Bái. Ảnh: VNU

Có lẽ “phao cứu sinh” ngành Thủy lợi lúc này vẫn là KH&CN. Tuy nhiên chúng ta có thể tìm những giải pháp ấy từ đâu? Đó là câu hỏi mở đặt ra trong buổi làm việc giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT. Trong quá trình phác ra những đường nét và dáng vóc của một chương trình KH&CN về an ninh nguồn nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, dù chưa thể đưa ra một câu trả lời cụ thể nhưng ông tin là những giải pháp ấy phải dựa trên những kết quả nghiên cứu KH&CN và những ứng dụng công nghệ mới. “Trong thời gian qua, có nhiều giải pháp KH&CN đã được đưa vào áp dụng trong công tác phòng chống thiên tai. Ví dụ như với vấn đề hạn hán ở ĐBSCL, từ trước đến nay chúng ta chưa bao giờ có thể dự báo được hạn hán như vậy. Nhờ có dự báo nguy cơ rủi ro trước sáu tháng từ một đề tài trong khuôn khổ chương trình KC08 của Bộ KH&CN, chúng tôi đã có điều kiện áp dụng ngay, kịp thời thay đổi thời gian canh tác… Chỉ vào lúc xảy ra thiên tai hạn hán, chúng ta mới thấy hết giá trị đóng góp của KH&CN”, ông nhận xét.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã đầu tư cho nhiều hoạt động R&D trong thủy lợi và phòng chống thiên tai. Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN Các ngành Kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) tổng kết, 79 nhiệm vụ với tổng kinh phí 522,5 tỉ đồng được bố trí ở các chương trình KH&CN khác nhau. Qua đó, một số kết quả đạt được như dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, môi trường cho hai vùng ĐBSH, ĐBSCL phục vụ chỉ đạo điều hành sản xuất; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mô hinh thủy văn, thủy lực trong đánh giá, dự báo diễn biến nước thượng nguồn, phân bổ theo vùng, lưu vực sông; ưng dụng công nghệ không gian, công nghệ viễn thám, GIS theo dõi sạt lở đất, dự báo biến đổi lòng dẫn, hạ thấp mực nước, nâng cao khả năng lưu giữ nước mặt…

Tuy nhiên những ngần ấy vẫn còn chưa đủ với việc đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Theo ý kiến của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT), ngành thủy lợi vẫn cần những giải pháp “điều hòa, phân phối nước từ thừa sang thiếu, đặc biệt cần phải nghiên cứu ở nhiều vùng Bắc trung bộ, Nam trung bộ, Tây nguyên; giám sát nguồn nước bằng công nghệ viễn thám kết hợp quản lý liên quốc gia. Chúng ta khai thác thủy điện để phát triển kinh tế nên lòng sông bị xói. Dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng hiện chưa có nghiên cứu căn cơ nào về các hệ thống thủy lợi ven sông, kể cả ĐBSCL, để có cách bồi đắp trả lại cho lòng sông”.

Nhìn về những thiếu hụt hiện nay mà hệ thống thủy lợi chưa thể đảm đương, Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh (Hội Thủy lợi Việt Nam) và Giáo sư Nguyễn Vũ Việt - Chủ nhiệm Chương trình KC. 08/16-20 KH&CN phục vụ bảo vệ Môi trường và Phòng tránh thiên tai cùng cho rằng, cần có một chương trình về an ninh nguồn nước vì bối cảnh nó khác rồi, ví dụ câu chuyện thượng nguồn khiến chúng ta phải nghĩ đến vấn đề giữ nước tại chỗ, điều hành tại chỗ và phân phối tại chỗ. “Vấn đề chất lượng nước ảnh hưởng đến việc cấp nước. 20 năm nay chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này, bây giờ chính là lúc ta phải nghiên cứu giải quyết”, Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh nói.


“Những hỗ trợ của Bộ KH&CN vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm với người nông dân Việt Nam. Tuy chưa có con số cụ thể về đóng góp của ngành khoa học nhưng có thể khẳng định là nếu một nhiệm vụ, một giải pháp từ các chương trình KH&CN được áp dụng trong cuộc sống thì sẽ đem lại hàng nghìn tỉ đồng, ví dụ công trình đập trụ đỡ từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng từ đề tài thuộc chương trình KC12 “Nghiên cứu cân bằng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước quốc gia”, đem lại lợi ích hàng nghìn tỉ. Năm 2020, giá trị xuất khẩu của nông nghiệp hơn 41 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu tăng được như thế là giá trị trên một diện tích tăng lên rất nhiều, trước đây, có phong trào cánh đồng 50 triệu, bây giờ là cánh đồng 200 triệu, 500 triệu, 1 tỷ/ha. Đất vẫn thế nhưng nhờ có KH&CN nên giá trị mới được gia tăng”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp


Cần tập trung vào giải pháp KH&CN tiên tiến có khả năng quan trắc và lên các kịch bản hỗ trợ ứng phó, phát triển và bảo vệ rừng, bổ cập các nguồn nước, xử lý được nước mặn, nước lợ, tạo nước ngọt cho sinh hoạt với giá nước sau xử lý phù hợp với thu nhập người dân; nghiên cứu đề xuất các giải pháp ngăn mặn giữ ngọt, tích trữ, bao gồm cả việc nghiên cứu phát triển công trình đập thông minh trên dòng sông chính và các lưu vực sông, đặc biệt năm lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Cả, sông Lục Nam, sông Mekong; giải pháp tiêu thoát nước phòng chống bồi lắng, xói lở ở các công trình thủy lợi, hạ thấp lòng sông; nghiên cứu giải pháp KH&CN để quản lý khai thác sông hiệu quả, an toàn và bảo vệ công trình đập nước, nghiên cứu giải pháp tiên tiến thông minh trong trồng trọt, chuyển đổi giống cơ cấu canh tác, thủy sản và sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước; giảm tác động của thượng nguồn đến hạ du.

Đề xuất của Tổng cục Thủy lợi

Theo khoahocphattrien.vn

Ý kiến góp ý: