TextBody
Huy chương 2

Tiếp Đoàn công tác JICA - Hokkaido

05/04/2017

Sáng ngày 7/3/2017, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác JICA - Hokkaido do Ông Hirokazu Kanatsuya - Trưởng phòng của Liên hiệp cải tạo đất Hokkaido làm trưởng đoàn.

Cùng đi với Đoàn công tác của JICA - Hokkaido còn có các chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, thi công.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trung tâm PIM, Ban Kế hoạch Tổng hợp; các cán bộ đang công tác tại một số đơn vị thuộc Viện đã từng học tập và nghiên cứu về vấn đề tưới tiêu và cải tạo đất ở Hokkaido và Nhật Bản.

Thay mặt Đoàn công tác, Ông Hirokazu Kanatsuya - Trưởng phòng của Liên hiệp cải tạo đất Hokkaido mong muốn tìm hiểu và thăm quan về các hệ thống sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi của Việt Nam, cách người dân Việt Nam làm nông nghiệp và thực trạng nông nghiệp ở Việt Nam. Ông hy vọng, chuyến thăm Việt Nam lần này cũng như là các chuyến làm việc tiếp theo sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật làm nông nghiệp ở Việt Nam.

Đáp lại lời phát biểu của Trưởng Đoàn công tác JICA - Hokkaido, Phó Giám đốc cho biết Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam rất muốn đẩy mạnh hợp tác không chỉ dừng ở mức trao đổi kinh nghiệm mà còn có hợp tác mới hơn, cụ thể hơn thông qua sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên.

Tiếp theo, Phó Giám đốc Viện trao đổi một số thông tin liên quan đến tình hình sản xuất nông nghiệp đặc biệt là vấn đề quản lý tưới, trồng trọt ở Việt Nam; một số khó khăn trong quá trình triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và một số khó khăn trong công tác thủy lợi.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Viện cũng đã giới thiệu sơ lược về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Phó Giám đốc Viện cho biết, Viện đang đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi sản xuất nông nghiệp; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ cao trong kỹ thuật tưới và canh tác nông nghiệp; đang tổ chức xây dựng mô hình liên kết tổ chức sản xuất với doanh nghiệp và người dân trong đó Viện đóng vai trò kết nối công nghệ trong chuỗi sản xuất.

Về định hướng trong thời gian tới, Viện sẽ hướng tới những thị trường có yêu cầu cao như các đối tác của phía Nhật Bản mà Viện muốn liên kết để tiếp nhận công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển giao sản phẩm tiêu thụ nông sản ra Nhật Bản, Phó Giám đốc cho biết thêm và cho rằng hai bên có thể trao đổi, mở ra hợp tác kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, tìm kiếm kỹ thuật, tìm kiếm đối tác hỗ trợ.

Hai bên đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan như hạn chế, khó khăn của nông dân trong việc tham gia quản lý tưới; dồn điền đổi thửa; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, định hướng thị trường về nông nghiệp, nhân lực làm nông nghiệp, phương thức vận chuyển nông sản, công nghệ chế biến sau thu hoạch...

Ý kiến góp ý: