Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện khoa học công nghệ
16/12/2011Ngày 15/12/2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức khoa học và công nghệ". Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng 400 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, các nhà quản lý của một số tỉnh, thành phố; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và các doanh nghiệp khoa học công nghệ tiêu biểu tham dự Hội nghị.
Đây là diễn đàn lớn được các nhà khoa học Việt Nam tin tưởng sẽ tìm ra những giải pháp mới mang tính đột phá, tạo sức bật trong quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học và công nghệ nước nhà.
Năm 2004, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, hướng tới mục tiêu lâu dài là đưa khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 171/2004/QĐTTg ngày 28/8/2004 về việc phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ với 6 nhóm giải pháp chủ yếu.
Sau 7 năm triển khai thực hiện, kết quả triển khai Đề án đã có những tác động tích cực và hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, những "góc khuất" mà nền khoa học và công nghệ nước ta chưa vượt qua được. Theo đó, việc xây dựng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thiếu mục tiêu dài hạn phù hợp, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, xâu chuỗi, ít sản phẩm có thể thương mại hóa. Chưa có cơ chế đặt hàng, mua bản quyền nghiên cứu trực tiếp từ các nhà khoa học. Các nhiệm vụ nghiên cứu chưa gắn với trách nhiệm và nhà quản lý ở địa phương. Công tác đánh giá độc lập hạn chế. Quan hệ giữa nhà trường, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.
Mặc dù chưa có giải pháp khả thi huy động đầu tư ngoài ngân sách, nhưng ngân sách sử dụng cho khoa học công nghệ lại rất phân tán, không có trọng tâm.
Chưa có phương pháp luận về phân bổ hợp lý vốn đầu tư, chưa có tiêu chí rõ ràng, thủ tục tài chính đối với công tác nghiên cứu khoa học rất phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học công nghệ. Chưa có chính sách ưu đãi tài năng từ nước ngoài trở về công tác.
Bộ trưởng Nguyễn Quân chỉ ra nguyên nhân khách quan là tiềm lực quốc gia còn hạn chế, 2% ngân sách cho khoa học công nghệ không phải thấp, nhưng giá trị tuyệt đối thì rất thấp.
Các tổ chức nghiên cứu khoa học ở nước ta còn nặng tư duy bao cấp, ngại chuyển sang cơ chế tự chủ. Nếp nghĩ này chủ yếu là ở các viện, cơ quan nghiên cứu vẫn e ngại tự chủ, thích làm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược để được được đảm bảo bằng ngân sách nhà nước.
“Chúng ta chưa có chính sách trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng hợp lý đối với đội ngũ nghiên cứu khoa học công nghệ. Từ đó, nhiều cán bộ làm khoa học công nghệ chịu nhiều thiệt thòi” Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã đề xuất với Chính phủ cần đổi mới cơ chế tài chính, thí điểm cơ chế mới như khoán trực tiếp đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Tăng cường cơ chế nhà nước đặt hàng qua các chương trình cấp nhà nước, cấp Bộ, tiến tới nhà nước mua sản phẩm nghiên cứu. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đầu tư cho khu vực ngoài công lập. Đầu tư trên cơ sở điều tra xã hội học, không đầu tư dàn trải. Đổi mới quy chế chọn chuyên gia, thuê chuyên gia nước ngoài, thí điểm cơ chế phản biện độc lập.
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc đổi mới toàn diện đối với lĩnh vực khoa học công nghệ là điều hết sức cần thiết điều đó sẽ góp phần tạo động lực để các nhà khoa học, các cơ quan quản lý lĩnh vực này có hành lang thuận lợi để hoạt động.
“Ngay sau hội nghị này Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện Đề án, trình Thường trực Chính phủ, sau đó sẽ xây dựng các đề án thành phần. Thời gian trước 15/1/2012”. Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần sắp xếp lại hệ thống các đơn vị nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hợp lý, có chính sách phân loại cấu trúc các đơn vị nghiên cứu để tạo thành chuỗi nghiên cứu ứng dụng đồng bộ, thống nhất.
Về cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải tạo sự chuyển biến trong nhận thức về việc đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong đó đảm bảo nguyên tắc quản lý đề tài, dự án trên cơ sở hiệu quả đầu ra thay vì đầu tư dàn trải như trước đây.
Cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để vừa xác định được danh mục đề tài từ đó quản lý có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó tạo động lực cho các nhà khoa học tâm huyết, say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học, bằng việc có chế độ đãi ngộ cao nếu các công trình, đề tài có hiệu quả, tính ứng dụng cao trong cuộc sống, giúp nhà khoa học sống được bằng nghề nghiên cứu.
Đối với các cơ sở nghiên cứu, cũng cần được chuyển giao quyền tự chủ mạnh mẽ, giúp họ linh động hơn trong hoạt động.
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học công nghệ. Đây chính là cơ hội mới để bứt phá trong 2 lĩnh vực quan trọng này.
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ cần hoàn thiện các chương trình hoạt động khoa học công nghệ mà Chính phủ đang triển khai và sẽ triển khai, trong đó ưu tiên sự gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Thứ hai, phải hình thành các chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học cơ bản và khoa học xã hội.
Tăng cường công tác đặt hàng các sản phẩm khoa học, theo đó các tỉnh, thành phố, địa phương chủ động xác định nhu cầu của mình để đặt hàng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu.
Về cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng đề nghị cần áp dụng cơ chế đánh giá hiệu quả nghiên cứu bằng sản phẩm đầu ra.Gắn cơ chế tài chính với cơ chế tự chủ ở cơ sở, cần đánh giá mức độ tự chủ về tài sản để giao cho người đứng đầu cơ sở linh hoạt trong hoạt động, ngay cả việc được tuyển dụng, bổ nhiệm. Tuy nhiên khi tăng tính tự chủ phải gắn với việc giám sát ở cơ sở, phải đảm bảo sự dân chủ, công khai, minh bạch.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ định hướng để tổ chức hình thành một số cơ quan trung tâm nghiên cứu xuất sắc của quốc gia.
Theo www.chinhphu.vn
Ý kiến góp ý: