TextBody
Huy chương 2

Tiếp tục tìm vốn chống ngập

18/03/2013

Ngày 17-3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cùng đại diện các bộ ngành kiểm tra khảo sát hàng loạt dự án chống ngập trên địa bàn TP nhằm tìm kiếm nguồn vốn ODA để triển khai nhanh dự án đã được Chính phủ phê duyệt. 

Xây dựng hệ thống đê bao

Báo cáo với đoàn, sau khi đi khảo sát thực tế dọc hai bên bờ sông và các cống ngăn triều, Trung tâm chống ngập nước TPHCM cho biết, để thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, TP đã triển khai Dự án 1547. Cụ thể, xây dựng hệ thống đê bao ven theo bờ hữu sông Sài Gòn (từ Bến Súc), sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến tỉnh lộ 824 (thị trấn Đức Hòa - tỉnh Long An). Tuyến đê từ Bến Súc đến Vàm Thuật được bố trí theo tuyến đê bao của dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; đoạn còn lại theo các tuyến đường giao thông hiện có ven sông. Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, sông Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông. Các cống ngăn triều chính là Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức, kênh Xáng Lớn.

Các cống này có nhiệm vụ khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, để không cao hơn mực nước cho phép theo yêu cầu tiêu; một mặt không cản trở lớn đến giao thông thủy liên vùng. Mặt khác chủ động cắt đỉnh triều, các cống không có hoặc chỉ có nhiệm vụ giao thông nội vùng làm việc với chế độ tự động hai chiều. Xây dựng hệ thống kênh trục thoát nước chính được xác định là các kênh dọc theo hướng này. Trục kênh Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - Chợ Đệm được cải tạo nạo vét, mở rộng để tải nước từ vùng trũng thành phố về phía Nam.

Thời gian qua, TP đã đầu tư xây dựng tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn và các cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bình Triệu, Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ khác liên hoàn với các tiểu dự án hệ thống thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn. Công trình đã phát huy tác dựng, hiện nay tại khu vực trên cơ bản không còn ngập do triều. Tuy nhiên về phía hạ lưu thuộc quận Thủ Đức dự án chưa được triển khai vì thế cứ mưa hay triều cường là bị ngập nặng. Đây là nơi có sạt lở cao nhất so với các địa phương khác của TP (có 6/29 điểm trên toàn TP), ước tính mỗi năm thiệt hại gần 200 triệu USD. Đoạn qua quận này dài khoảng 11km, tổng mức đầu tư  khoảng 2.600 tỷ đồng. 

Ưu tiên những công trình cấp bách

Sau khi nghe thuyết trình xong, các thành viên của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu ra hàng loạt vấn đề xoay quanh về dự án: Việt Nam đã dựa vào kịch bản nào để xây dựng đề án, xây dựng đê bao dọc sông Sài Gòn có ảnh hưởng đến các nơi khác không? Cơ chế quản lý sử dụng đất dọc hai bờ sông này?… Những vấn đề này được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phúc đáp: TPHCM là động lực phát triển cho khu vực Đông Nam bộ, giải quyết vấn nạn ngập lụt là ưu tiên hàng đầu của TP cũng như Chính phủ. Dự án 1547 là lựa chọn để thực hiện.

Để có được đề án này các bộ ngành đã đưa ra nhiều phương án khác cũng như mời chuyên gia Hà Lan tham gia tư vấn phản biện. Cuối cùng phương án trên là tối ưu nhất để triển khai nhưng để phát huy tác dụng phải thực hiện đồng bộ chính vì thế bộ cũng như Chính phủ ráo riết tìm nguồn vốn và ưu tiên làm những công trình gây thiệt hại nhất. Nguồn vốn được hy vọng có thể được chính là ODA.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Ngân hàng Thế giới xem xét hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và TPHCM để triển khai dự án cấp bách. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, ngập lụt là vấn đề rất quan trọng hiện nay trên toàn thế giới, nhiều nước đang phải đau đầu với tình trạng này. Chính vì thế Chính phủ Việt Nam cần quan tâm giải quyết ngập TP là một phần việc giải quyết biến đổi khí hậu. Để tiếp cận được nguồn vốn, TP cũng như các bộ ngành cần phải phân tích chi tiết và các bên phối hợp đánh giá lại để đi đến giải pháp cụ thể.  Ngân hàng Thế giới đang xây dựng chương trình hỗ trợ tiếp theo cho Việt Nam năm tới và lên chương trình kế hoạch cho TPHCM. Bà Victoria Kwakwa hứa sẽ thuyết phục để tiếp cận nhiều nhà tài trợ khác để có nguồn hỗ trợ TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đề nghị, trong tương lai các bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để triển khai các dự án trong thời gian tới. Bộ NN-PTNT xem xét cơ sở ưu tiên  nguồn tài trợ giúp cho dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Thời gian tới, TP tập trung triển khai xây dựng 4 cống kiểm soát triều trên sông Kinh, Phú Xuân, Vàm Thuật và Tân Thuận; các dự án công trình đê bao, nạo vét kênh trục thoát nước chính như đoạn từ Bến Súc đến tỉnh lộ 8, đoạn từ sông Vàm Thuật (bờ hữu sông Sài Gòn) đến sông Kinh Lộ (sông Nhà Bè) đi ngang qua các khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp và cảng Hiệp Phước, bờ tả sông Sài Gòn… Tập trung nạo vét các kênh trục thoát nước chính: Nạo vét rạch Thủ Đào, rạch Bà Lớn, Ông Lớn, Lung Mân, Xóm Củi, Ông Bé, Thầy Tiêu, Rạch Tra - kênh Xáng - An Hạ, kênh Xáng Lớn, Cầu Suối, Đồng Tiến, Ông Búp và nhiều kênh rạch khác trong nội thị. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

Theo sggp.org.vn

 

Ý kiến góp ý: