TextBody
Huy chương 2

Tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước ngọt trong mùa khô hạn

05/02/2021

Thách thức an ninh nguồn nước Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL là vấn đề đang được các nhà quản lý, khoa học ở khu vực ĐBSCL quan tâm, lo ngại. Bởi, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, mất an ninh môi trường do biến đổi khí hậu (BĐKH) và các dự án thủy điện phát triển ở vùng thượng nguồn sông Mekong đang đe đọa đến vùng hạ nguồn - ĐBSCL...

Những thiệt hại về sinh kế, sự mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường do tác động BĐKH, đập thủy điện cần được quan tâm, xem xét. TP Cần Thơ cũng như các địa phương ở khu vực ĐBSCL nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trong sản xuất, sinh hoạt...

Nguồn nước bị đe dọa

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL nằm ở hạ nguồn sông Mekong - nơi dòng nước chia thành các nhánh lớn đổ ra Biển Đông. Những năm gần đây, ĐBSCL ngày càng trở nên mong manh và dễ tổn thương trước tác động của BĐKH. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hàng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn (XNM). Đáng quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của các đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mekong những năm qua đã khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước ở vùng châu thổ sông Mekong nói chung, ĐBSCL và TP Cần Thơ nói riêng đã trở nên bức bách, trầm trọng hơn.

Cụ thể, theo bản tin cập nhật gần đây về ảnh hưởng giảm xả nước của thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện cho biết, lưu vực sông Mekong đang ở thời kỳ mùa khô năm 2021. Từ ngày 5 đến ngày 24 của tháng 1-2021, thủy điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm xả nước xuống hạ lưu để bảo trì lưới điện, lưu lượng xả giảm xuống còn khoảng 1.000m³/giây (giảm 904m³/giây so với trước đó). Đến nay, nước xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng vẫn thấp, chưa có dấu hiệu tăng trở lại và tiếp tục gây ảnh hưởng cho vùng hạ nguồn.

Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ở thượng lưu sông Mekong, hai yếu tố quan trọng tác động đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie thuộc Campuchia. Tại Biển Hồ, dung tích nước là 5 tỉ mét khối, giảm 4,18 tỉ mét khối so với đầu tháng 1-2021. Mặc dù mực nước ở Biển Hồ vẫn cao hơn so với năm 2020 và năm 2016 nhưng thấp hơn 2,67 tỉ mét khối so với trung bình nhiều năm (7,67 tỉ mét khối). Còn tại trạm Kratie, mực nước đo được trong ngày 31-1-2021 theo số liệu của Ủy hội Sông Mekong quốc tế là 7,09m, cao hơn 0,06m so với trung bình nhiều năm và cao hơn 0,34m so với năm 2020. Lưu lượng dòng chảy qua trạm Kratie trong tháng 2-2021 cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm khoảng 1.200 m3/giây, còn 2.514 m3/giây.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: nguồn nước mùa kiệt 2021 về ĐBSCL thấp, khả năng hạn mặn lịch sử đã được dự báo từ sớm. Trong đó, việc giảm xả nước của thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài trong tháng 1 sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và mặn lên cao nhất từ ngày 8 đến 16-2-2021 (nhằm 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Tân Sửu 2021). Trong thời gian này, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km, 75-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn…

Ứng phó

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, các địa phương ở ĐBSCL cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn như vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Cơ quan chức năng cũng lưu ý, việc lấy và tích nước đủ muộn nhất trước ngày 7-2-2021 sẽ góp phần có hiệu quả để hạn chế thiệt hại khi mặn cao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng trong tháng 2 này.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP Cần Thơ, năm 2021, Sở tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước đến mọi tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, tập huấn, triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước và duy trì, đẩy mạnh hoạt động ngăn chặn khai thác nước ngầm bừa bãi, phong trào bảo vệ tài nguyên, môi trường nhằm tạo chuyển biến trong ý thức, thói quen bảo vệ môi trường của cộng đồng; đồng thời tăng cường công tác quản lý chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt…

Sở TN&MT TP Cần Thơ còn hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với BĐKH; thực hiện các nhiệm vụ theo thỏa thuận toàn cầu của các thị trưởng về khí hậu và năng lượng; hoàn thành báo cáo đánh giá khí hậu TP Cần Thơ; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH trong chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2018-2020; tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trên địa bàn TP Cần Thơ; quản lý và khai thác tốt các trạm quan trắc nước mặt, nhằm kịp thời thông tin, cảnh báo mặn xâm nhập trên địa bàn…

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Song song với việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Sở TN&MT cũng tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ và dự án lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Cần Thơ…”.

Theo baocantho.com.vn

Ý kiến góp ý: