Tìm giải pháp chống hạn bền vững cho vùng Tây Nguyên
17/01/2018Ngày 13/01, tại Thành phố Đà Lạt, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Quản lý bền vững nguồn nước Tây Nguyên ứng phó với hạn hán”.
Tham dự Hội thảo có gần 80 đại biểu đến từ Tổng cục Thủy lợi; Ủy ban nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Công ty QLKTCTTL các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), Ninh Thuận, Bình Thuận; UBND các huyện tỉnh Lâm Đông; các Viện (Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Quy hoạch Thủy lợi, Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), Trường Đại học Thủy lợi; các tổ chức trong nước và quốc tế (Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam; Trung tâm sẵn sàng ứng phó Thiên tai châu Á – ADPC). Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đồng chủ trì Hội thảo. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận của Viện Quy hoạch Thủy lợi về một số giải pháp ứng phó hạn hán và kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về khai thác, sử dụng nước ngầm ở Tây Nguyên và ADPC về công nghệ viễn thám phục vụ quản lý và khai thác nguồn nước trong hệ thống thủy lợi. Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo và cho rằng những thông tin, công cụ và giải pháp đưa ra tại Hội thảo rất bổ ích, sát với nhu cầu của địa phương. Ngoài đề xuất một số giải pháp để quản lý nguồn nước bền vững, các đại biểu đề nghị có định mức tưới cho các cây trồng cạn chủ lực của vùng, hướng dẫn địa phương ứng dụng công nghệ viễn phục vụ quản lý, khai thác nguồn nước trong hệ thống thủy lợi. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh phát biểu tại Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định Tây Nguyên là vùng trọng điểm phát triển kinh kế - xã hội với nhiều cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao (cà phê, hồ tiêu, điều,...), công tác thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế - xã hội khác, làm cho các thành tựu đạt được chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài yếu tố khách quan do nguồn nước mùa khô hạn chế và biến đổi khí hậu, chủ yếu là do yếu tố chủ quan liên quan đến quản lý, khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm thiếu bền vững. Để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước vùng Tây Nguyên, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các giải pháp cần tập trung vào công tác dự báo, cảnh báo sớm (trước 3 ÷ 6 tháng) thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng các kịch bản nền để chỉ đạo và kế hoạch sử dụng nước tổng hợp phục vụ sản xuất vùng Tây Nguyên. Tổng cục trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tham gia, các Viện liên quan tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn nữa các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng kế hoạch, chính sách quản lý bền vững nguồn nước Tây Nguyên ứng phó với hạn hán, phục vụ sản xuất. Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng gửi lời cám ơn tới UBND tỉnh Lâm Đồng, các tổ chức quốc tế (IDH, ADPC) và Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Tổng cục trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Hội thảo và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới. Các đại biểu tham dự Hội thảo Theo tongcucthuyloi.gov.vn
Ý kiến góp ý: