TextBody
Huy chương 2

Tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại trước lũ quét, sạt lở đất

20/01/2021

Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chứ tại TP Hội An, đã thu hút hơn 150 đại biểu, khách mời, chuyên gia đến dự.

Thiệt hại không thể bù đắp

 Ông Lê Trí Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam   

Mở đầu cho chương trình Hội thảo, ông Lê Trí Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ xúc động của mình khi xem lại những hình ảnh phóng sự được trình chiếu tại hội trường về thiệt hại của 2 cơn bão kèm theo mưa lớn, gây sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung vừa qua. Trong các lần Quảng Nam bị thiên tai hành hạ, ông Thanh đều có mặt tại hiện trường để chỉ đạo cứu Dân, khắc phục hậu quả. Ông Thanh nói lời cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia, khách mời đã quan tâm đến nội dung buổi hội thảo, chia sẻ những lo lắng của lãnh đạo, người Dân trước thiên tai bão lũ, trước biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường.  

Toàn cảnh buổi Hội thảo   

Sau lời mở đầu khai mạc, Tiến sỹ Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu dẫn đề Hội thảo. Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình, Tiến sỹ Dũng nhấn mạnh vai trò của Hội thảo, sự quan tâm của người Dân, của các nhà khoa học, các chuyên gia, những thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây ra ở nhiều nơi trong cả nước những năm gần đây, đặc biệt là tại miền Trung, Tây Nguyên. 

 

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đến từ 16 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học của các Bộ, Ngành Trưng ương về dự

Năm 2017, mưa lớn ở miền Trung, đã gây ra 12 vụ sạt lở đất (trong đó huyện Bắc Trà My 6 vụ, huyện Nam Trà My 2 vụ tại xã Trà Vân; huyện Phước Sơn 2 vụ) làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng. 

PGS. TS. Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam 

Năm 2020 có 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận tại các địa bàn Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, làm 30 người chết, 17 người mất tích. Thiệt hại do mưa lũ ước tính hơn 11.000 tỷ đồng. 

GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam 

Hình ảnh chụp từ máy bay trực thăng tiếp tế cho vùng cao xã Phước Lộc (Phước Sơn) sau bão số 9 cho thấy, dấu vết sạt lở như những vết cào nham nhở vào màu xanh của rừng nguyên sinh. Đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn phải tiếp tục duy trì công cuộc tìm kiếm người mất tích, công tác tái thiết đặt ra bài toán khó về nguồn lực đầu tư, phương án bố trí mặt bằng tái định cư, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai.

Nhiều tham luận gây được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Tại Quảng Ngãi, chỉ tính riêng bão số 9 (bão Molave) năm 2020 đã gây thiệt hại ước tính hơn 4.850 tỷ đồng. Dù không xảy ra thiệt hại về người, song nhà ở người dân, hạ tầng, nông lâm nghiệp bị tác động nặng nề. Bão lũ cũng đặt ra cảnh báo “nóng” về hàng chục điểm có nguy cơ cao sạt lở tại địa bàn các huyện. Chính quyền địa phương thông tin, do mức độ thiệt hại quá lớn và trên diện rộng, số hộ gia đình bị tổn thương sau bão nhiều, thời gian phục hồi của tỉnh Quảng Ngãi sau thiên tai sẽ lâu, tốn nhiều kinh phí, trong bối cảnh ngân sách tỉnh rất khó khăn do hụt thu, mất cân đối gần 5.000 tỷ đồng, đồng thời phải tiếp tục ứng phó với những hiểm họa có thể xảy ra. 

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, 20 trận lũ quét, sạt lở đất diễn ra khắp cả nước gần đây, đã làm 131 người chết và mất tích, 89 người bị thương. Đợt lũ tháng 10.2020, miền Trung đã có 111 người chết và mất tích.
 
Những tham luận đầy trách nhiệm
 
Hội thảo có 19 báo cáo tham luận với nội dung tâm huyết, trách nhiệm của nhiều nhà khoa học chuyên ngành được in thành tập để các đại biểu tham khảo, nghiên cứu, phản biện: Mở đầu diễn đàn, Ths Nguyễn Văn Vỹ- Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống Thiên tai miền Trung - Tây Nguyên trình bày tham luận có tiêu đề: “Tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khu vực miền Trung”. Sau khi nêu những con số thiệt hại về người, tài sản do bão, lũ, sạt ở đất miền núi, sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra cho các tỉnh miền Trung năm 2020, Ths Vỹ cho rằng, nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, gây nên mưa, bão bất thường khó lường; nguyên nhân chủ quan là do con người vẫn chủ quan với diễn biến của thiên tai, rừng bị tàn phá nhưng việc khôi phục còn chậm, các công trình hạ tầng chưa tính hết hậu quả.  

Ths Nguyễn Văn Vỹ- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Thiên tai miền Trung - Tây Nguyên 

Kỹ sư Lê Văn Kim Sang- Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và CKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nêu ra một số nguyên nhân khách quan, chủ quan về thời tiết, địa hình, con người ở miền Trung, Tây Nguyên tương tự như tham luận của Ths Vỹ và đề xuất một số giải pháp phòng ngữa, giảm thiểu thiệt hại, được Hội thảo đánh giá cao. 

TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên 

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên - TS. Hoàng Ngọc Tuấn với tham luận: “Nghiên cứu xác định một số nguyên nhân chính gây sạt lở đất và đề xuất giải pháp phòng tránh”. Đây là tham luận hội tụ nhiều 7 tác giả của Viện này cùng với GS.Tiến sỹ Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Tham luận đã gây được sự chú ý của báo chí bởi chỉ ra được một số giải pháp khả thi như cần nghiên cứu bố trí lại dân cư, công trình hạ tầng, rà soát lại quy hoạch giữa các ngành: Giao thông, Xây dựng, Thủy lợi đối với khu vực miền núi; xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó khi có mua, bão, lũ bất thường ập đến…

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam 

PGS.Tiến sỹ Lã Văn Chú- Chuyên gia nghiên cứu lũ quét cho rằng, không thể có “dự báo” về lũ quét mà chỉ có thể là “cảnh báo” khi trình bày tham luận: “Phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực, áp dụng cho khu vực miền Trung”. PGS.Tiến sỹ Chú cho biết: “Hiện nay trên thực tế có nhiều trạm đo mưa do các tỉnh đầu tư bằng ngân sách nhà nước, nhưng chưa có sự liên kết, kết nối giữa các trạm đo mưa này với nhau để đưa ra được những cảnh báo kịp thời”. 

 

GS.TS, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam 

Tham luận của Kỹ sư Hoàng Anh Tuấn- Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), trong tham luận của mình: “Ứng dụng công nghệ ảnh vệ tinh , không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi, giám sát và phòng chống lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông” đã nêu vai trò của việc khai thác, sử dụng công nghệ ảnh về tinh thế nào để góp phần chỉ ra được nguyên nhân, ngăn ngừa mưa, lũ, sạt lở đất.   

PGS.TS. Lã Văn Chú - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, chuyên gia nghiên cứu lũ quét trình bày tham luận tại Hội thảo 

Tham luận của PGS.Tiến sỹ Phạm Hồng Quang- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đại diện cho nhóm tác giả trình bày tham luận: “Giải pháp hiệu quả cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét dự trên công nghệ IOT và WSN”. Tham luận nêu ra thực trạng sử dụng hệ thống giám sát báo động lũ quét được nhập từ Đài Loan đang thí điểm ở Bản Khoan, Sapa chưa đáp ứng được yêu cầu. PGS.Tiến ỹ Quang cho biết, vừa qua, được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng,  Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bảo vệ thành công đề tài “Hệ thống cảnh báo sớm CLi-ESEWS”. Thiết bị phục vụ cho đề tài này do Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đầu tư công nghệ Châu Long (có địa chỉ tại: Số nhà 10, ngõ Phan Chu Trinh, phố Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) sản xuất. Hy vọng rằng, DN này sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, lũ quét, sạt lở đất bằng sản phẩm “thương hiệu” Việt của mình.  

Ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai 

“Mở màn” cho phần tham luận mở, ông Nguyễn Đức Quang- Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã bày tỏ lòng cảm ơn của các nhà khoa học đã rất có trách nhiệm khi đưa ra các ý kiến trình bày ở phần đầu hội thảo. Ông Quang mong muốn rằng, luôn nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, các nhà khoa học trong phòng chống tiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ. 

PGS.Tiến sỹ Lưu Đức Hải- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam 

Tham gia phần diễn đàn mở còn có tham luận của Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, GS.TS, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, PGS.TS. Hoàng Hà- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt- Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng); GS.Tiến sỹ Lưu Đức Hải- nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Ông Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum (người ngồi bên trái) và ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi 

Các ý kiến tham luận ở phần này đều đánh giá cao vai trò, ý nghĩa, tính thời sự của Hội thảo này và mong rằng những ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học được các Bộ, Ngành tiếp thu và triển khai kịp thời.   

Thay cho lời kết 

Kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Đặng Việt Dũng “gói” lại bằng 5 nhóm vấn đề, trong đó nhấn mạnh nhóm vấn đề “kiến nghị”. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tập hợp ý kiến của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia thành bản báo cáo để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, đồng thời vận dụng các kết quả nghiên cứu, triển khai công tác phóng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, trong đó tập trung 5 nhiệm vụ:  

TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam 

1. Phối hợp với Bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư công trình hạ tầng (đường giao thông, công sở, nhà ở…) phù hợp, an toàn trước thiên tai;

2. Phối hợp với các tỉnh xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp, xây dựng bản tiêu chí phân loại ngy cơ, hỗ trợ các địa phương lập đề án rà soát các khu dan cư, điểm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh;

3. Hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng ruit ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất;

4. Hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật thực hiện lập bản đồ ngập lụt do mưa lũ, ngập lụt vùng hạ lưu hò chứa trong trường hợp xả lũ khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố về hồ đập, để làm cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và các khu kinh tế tập trung;

5. Phối hợp với các địa phương áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trong hội thảo và dự báo lũ quét, sạt lở đất để chủ động trong phòng chống và ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai;

Theo nguoixaydung.com.vn

Ý kiến góp ý: