TextBody
Huy chương 2

Tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục lũ lụt ở miền Trung

25/02/2011

Ngày 24 tháng 2 năm 2011 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng  Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản phối hợp với các tỉnh miền Trung tổ chức Hội thảo “Lũ lụt miền Trung-nguyên nhân và giải pháp”. 

Hằng năm, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tỉnh Hà Tĩnh là địa phương chịu nhiều thiên tai, riêng hai đợt lũ lịch sử năm 2002, 2007 trên lưu vực sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu làm 82 người chết, hàng trăm người bị thương và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Quảng Bình cũng là tỉnh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây có 36 đợt lũ, nhiều trận lũ xảy ra kèm theo bão lớn và triều cường đã làm 151 người chết, gần 370.000 ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng.

Trận lũ kép xảy ra vào tháng 10/2010 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá, làm 143 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, thiệt hại về vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, một trong những nguyên  nhân dẫn đến lũ lụt kéo dài đó là lượng mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài. Đáng lưu ý, quá trình đô thị hoá một số thị xã, thị tứ đã san lấp khu vực ven dòng chảy, cửa sông; ngoài ra rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị thu hẹp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, một số các tuyến  quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam có cao trình cao hơn so với trước tạo thành tuyến ngăn lũ. 

Đồng thời còn có các nguyên nhân chủ quan khác làm lũ lụt kéo dài như không quy hoạch cụ thể các hệ thống giao thông, các công trình phúc lợi phù hợp, nhất là xây dựng hệ thống thuỷ lợi, thuỷ điện cũng làm biến đổi điều kiện tự nhiên trong khu vực.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả lũ lụt như đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, khai thông, nạo vét sự bồi lắng cho các dòng sông.

Bên cạnh đó cần có quy hoạch mang tính bền vững và lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng với công tác phòng chống bão, lũ. Các công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện phải đảm bảo cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu.

Theo chinhphu

 

Ý kiến góp ý: