TextBody
Huy chương 2

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể sẽ được cải thiện hơn

06/04/2016

Với việc xả bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện của các nước ở thượng nguồn, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể được cải thiện hơn.

Chiều 5/4, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) tổ chức họp thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt. Hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, năm 2015, ĐBSCL không có lũ nên lượng nước trữ trong hệ thống công trình thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị giảm.

Mực nước thấp nhất trong 90 năm qua, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ trung bình nhiều năm, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn). Đến nay đã có 11/13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Về trồng trọt, tổng diện tích cây trồng thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 210.000 ha. Hiện tại, lúa Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong, nhưng diện tích dự kiến gieo sạ lúa Hè Thu ở vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn (cách biển dưới 40 km) chưa thực hiện được mà phải chờ khi có nguồn nước ngọt ổn định và có mưa trong nội đồng để rửa mặn. 

Về nước sinh hoạt, khoảng 250.000 hộ (1,3 triệu người), nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất bị thiếu nước ngọt.

Về lâm nghiệp, nhiều khu vực đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Về thủy sản, do lượng bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm và phát sinh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, đối với dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Cộng hòa DCND Lào, Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ vận hành tăng lượng xả từ ngày 15/3 đến 10/4/2016 và thủy điện của Lào tăng lưu lượng xả nước từ ngày 23/3 đến hết tháng 5/2016 để chống hạn cho hạ du.

Với việc xả bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện của các nước ở thượng nguồn như trên, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có thể sẽ tăng lên từ ngày 3/4/2016, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể được cải thiện hơn.

Kịp thời đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn và hỗ trợ người dân

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại, hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, dự báo tình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra tại khu vực ĐBSCL và nhiều khu vực khác. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, dự báo, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và các địa phương khu vực ĐBSCL, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; đồng thời cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, cấp nước phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm nước; có các biện pháp hành chính, kinh tế nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đối với các tổ chức, cá nhân (tính toán nâng giá nước phù hợp để xã hội hóa sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt và chống thất thoát, lãng phí nước). Tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm cải thiện nguồn nước và bảo vệ môi trường.

Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ động phối hợp với các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, các bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia.

Theo Bích Lan - VOV.vn

Ý kiến góp ý: