Tính toán sóng và vận chuyển bùn cát tại vùng biển ven bở Hải Hậu - Nam Định
09/07/2013Khu vực bờ biển Hải Hậu - Nam Định với chiều dài khoảng 30km đã và đang bị xói lở nghiêm trọng. Trong nghiên cứu này, bộ chương trình MIKE được sử dụng để mô phỏng sóng và vận chuyển bùn cát dọc bờ do sóng. Ba mô đun liên hợp trong bộ chương trình này gồm: mô đun tính sóng, dòng chảy và vận chuyển bùn cát cùng với lưới phi cấu trúc được áp dụng trong nghiên cứu này. Đầu vào cho chương trình là các tham số sóng dựa trên số liệu thống kê sóng ngoài khơi trong 20 năm. Chương trình được hiệu chỉnh thông qua số liệu đo sóng tại 4 trạm đo được thực hiện bởi dự án hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển. Kết quả mô phỏng sóng, vận chuyển bùn cát phù hợp với số liệu đo đạc, kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đây và có ý nghĩa tham khảo cho các nhà quản lý bảo vệ bãi biển Hải Hậu.
1. GIỚI THIỆU
Khu vực nghiên cứu là vùng nước biển ven bờ Hải Hậu - Nam Định. Tuy nhiên, miền tính toán mô hình được mở rộng lên phía bắc, xuống phía nam (bao quát hết cả đường bờ của Nam Định) và biển ngoài khơi nhằm giảm ảnh hưởng sai số từ các biên.
Bờ biển Hải Hậu từ cửa sông Sò đến cửa Ninh Cơ dài 27,42km đi qua 7 xã: Hải Lộc, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hoà và Hải Thịnh. Đây là đoạn bờ sạt lở dài nhất, nghiêm trọng nhất ven bờ châu thổ sông Hồng. Bờ biển Hải Hậu bị xói lở trên đoạn dài khoảng 17km, tốc độ trung bình 14,5m/năm; lớn nhất 20,5m/năm. Đến nay, có thể xác định được Hải Hậu có 10,4 km bờ rất nguy hiểm, do tính xung yếu của đê kè và mật độ dân cư tập trung cao [3], [10]. Việc tìm ra giải pháp bảo vệ bãi biển hải hậu đến nay hiện vẫn là bài toán mở và được sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như nhà quản lý. Tác động của sóng là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi bãi biển Hải Hậu.
Mục đích của nghiên cứu này là tính toán chế độ sóng và lượng vận chuyển trầm tích dọc bờ do sóng nhằm đánh giá ảnh hưởng của sóng đến bãi biển Hải Hậu.
Tỉnh Nam Định có đường bờ biển dài chạy theo hướng Tây Nam và Đông Bắc (lệch khoảng 45o so với hướng Bắc) và một số cửa sông như cửa Đáy, Ninh Cơ, Ba Lạt. tại vùng biển Nam Định tồn tại hai mùa gió rõ ràng, gió mùa đông bắt đầu vào khoảng tháng 10 hàng năm và kết thúc vào khoảng tháng 3 năm sau, gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 9. Ngoài ra, giai đoạn chuyển tiếp giữa hai mùa gió chính là tháng 4 và tháng 10. Xung quanh khu vực Hải Hậu có 4 trạm đo gió (Hình 1), số liệu thu được cho thấy trường gió trong vịnh Bắc Bộ bị ảnh hưởng bởi địa hình rất rõ
Cũng như chế độ gió, chế độ sóng nước sâu ở vịnh Bắc Bộ cũng có tính chất mùa rõ ràng. Các tác giả Pruszak (2002) và Vinh (1996) đã chỉ ra: trong mùa đông, hướng sóng thịnh hành là hướng Đông Bắc và trong mùa hè hướng sóng thịnh hành là Đông và Đông Nam. Tại khu vực nghiên cứu, tốc độ gió trong mùa đông mạnh hơn trong mùa hè, do đó độ cao sóng trung bình trong mùa đông cũng cao hơn trong mùa hè. Độ cao trung bình của sóng nước sâu vào khoảng 1,8-2,0m đối với mùa đông và 1,2-1,4m đối với mùa hè. Tuy nhiên, sự khác biệt theo mùa rõ rệt nhất là tần suất xuất hiện độ cao sóng ý nghĩa (Hs). Độ cao sóng ý nghĩa với tần suất 10% đạt giá trị 3m vào mùa đông và 2m vào mùa hè [15, 16]. Ở phía Bắc của Việt Nam, bão chủ yếu xảy ra vào tháng 7 và tháng 8. Độ cao sóng trong bão tại vùng nước sâu có thể đạt giá trị 8-10m [16], [17].
Đối với Việt Nam nói chung và Hải Hậu nói riêng, chuỗi số liệu đo sóng trong thời gian dài và liên tục thường là rất hiếm. Trong khuôn khổ của chương trình viện trợ quốc tế từ chính phủ Thụy Điển (SIDA), 4 đợt đo sóng, dòng chảy (mỗi đợt 10 ngày đo liên tục) tại vùng biển Hải Hậu đã được thực hiện vào năm 2005 và 2006. Tuy nhiên, các đợt đo này chỉ thực hiện trong điều kiện thời tiết bình thường. Số liệu đo sóng tại trạm có độ sâu 20m (trạm S1) cho thấy rằng, độ cao sóng đo được trong mùa đông cao hơn trong mùa hè. Độ cao sóng Hs có tần suất 10% trong mùa đông là 1m và tương ứng trong mùa hè là 0,6m [7].
Do đường bờ biển Hải Hậu chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam nên hướng sóng thịnh hành trong cả hai mùa gió có góc xiên lớn so với đường bờ. Điều này làm dòng chảy dọc bờ do sóng gia tăng về độ lớn và đóng vai trò chủ đạo gây nên vận chuyển trầm tích và thay đổi hình thái [11].
Các đoạn đường bờ bị xói mòn trong vùng biển Nam Định đều là bờ cát, [1] cho thấy chỉ các sóng có độ cao lớn hơn 0,75 m mới có khả năng gây vận chuyển cát đáng kể. Dự án SIDA cho thấy ở khu vực Hải Hậu, trầm tích có 0,14 < D50 < 0,18mm [8].
Địa hình khu vực bãi biển hải hậu có độ dốc thoải, tạo ra đới rộng làm giảm năng lượng sóng, các đường đẳng sâu chạy dọc theo đường bờ [11]. Tuy nhiên, khu vực cửa Ba Lạt có độ dốc lớn, địa hình phức tạp và tạo nên sự mất trầm tích do dòng bùn cát hướng ra phía biển sâu [16]. Độ dốc trung bình tính từ bờ đến độ sâu khoảng 7-8m vào khoảng 1–1,6%. Xung quanh cửa Ba Lạt, gần các bãi bồi có độ dốc khoảng 4% [16].
Kết quả nghiên cứu từ [14] cho thấy lượng trầm tích của sông Hồng đổ ra cửa Ba Lạt chiếm tới 21%, chủ yếu lắng đọng xung quanh cửa Ba Lạt và một phần bị mất do di chuyển ra vùng nước sâu. Như vậy, lương trầm tích từ cửa Ba Lạt cung cấp không đáng kể cho khu vực bãi biển Hải Hậu.
Dữ liệu đo và mô hình số [2] cho thấy hoàn lưu do gió quay ngược chiều kim đồng hồ, trung tâm của nó nằm ở giữa vịnh Bắc Bộ trong cả mùa đông và mùa hè. Do đó, trong vùng ven bờ biển Hải Hậu, dòng dư luôn hướng về phía nam. Chế độ dòng chảy dựa trên các đợt đo cho thấy dòng dư luôn hướng xuống phía Nam trong cả mùa đông và mùa hè, ngoại trừ trạm S2 (Hình 2). Dòng chảy trung bình trong các đợt đo khoảng 30cm/s và dòng chảy lớn nhất đạt khoảng 50–80cm/s [7].
Hình 1. Hoa gió tại các trạm xung quanh khu vực Hải Hậu (dựa trên chuỗi số liệu từ năm 1976-1995) và Hình 2. Chế độ dòng chảy dựa trên các đợt đo tại 4 trạm (2005 và 2006)
Trong nghiên cứu này, sử dụng mô đun liên hợp Mike21 Coupled Model FM của bộ chương trình Mike để tính toán sự phân bố trường sóng và vận chuyển trầm tích dọc bờ do sóng tại khu vực Hải Hậu-Nam Định.
Giới thiệu mô đun liên hợp giữa các mô đun sóng, dòng chảy và vận chuyển trầm tích:
Mô đun liên hợp (Mike21 Coupled Model FM) là hệ thống liên kết động, có thể liên kết các mô đun tính toán như: mô đun dòng chảy (Mike21HD FM), mô đun vận chuyển chất tan (Mike21AD FM), mô đun sinh thái (Mike21 Ecolab FM), mô đun vận chuyển trầm tích kết dính (Mike21 Mud FM), mô đun vận trầm tích không kết dính (Mike21ST FM), mô đun phổ sóng (Mike21 SW FM), mô đun quỹ đạo hạt (Mike21 Particle Tracking Module FM) [4]. Trong số các mô đun đó thì hai mô đun quan trọng là mô đun Mike21 HD FM và Mike21 SW FM.
Việc liên kết động các mô đun cho phép tính toán sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các quá trình như tương tác sóng và dòng chảy, ảnh hưởng của các quá trình đến địa hình, đường bờ và ngược lại. Trong nghiên cứu này, mô đun dòng chảy, mô đun tính sóng, mô đun tính vận chuyển trầm tích không kết dính (cát) được sử dụng và mối quan hệ giữa các mô đun được thể hiện trong hình sau:
Hình 3. Mối liên hệ giữa các mô đun
2. TÍNH TOÁN SÓNG VÀ VẬN CHUYỂN TRẦM TÍCH
Sóng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến vận chuyển trầm tích. Do vậy, cần phải thiết lập bài toán hợp lý với điều kiện địa hình thực tế. Trong bài toán này, do bãi biển Hải Hậu có dộ dốc thoải nên chỉ xét đến sự lan truyền sóng dưới sự ảnh hưởng của các hiệu ứng: nước nông, khúc xạ, nhiễu xạ, ma sát đáy, sóng vỡ. Quá trình vận chuyển trầm tích chỉ xét riêng đối với tác động do sóng.
Số liệu địa hình khu vực nghiên cứu nhận được từ dự án SIDA, trong đó đã cập nhật dữ liệu đo đạc trong các đề tài dự án liên quan đến khu vực nghiên cứu.
Phân tích đặc điểm địa hình khu vực cho thấy, đối với khu vực Văn Lý-Hải Hậu, trường sóng bị ảnh hưởng mạnh bởi địa hình của 2 cửa sông lớn, cửa Ba Lạt ở phía Bắc và cửa Đáy ở phía Nam. Các sóng đến từ phía Đông-Bắc và phía Bắc sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi địa hình cửa Ba Lạt, các sóng đến từ phía Đông–Nam và phía Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi địa hình cửa Đáy. Do vậy, miền tính toán cần được mở rộng qua các cửa sông này. Hơn nữa, việc mở rộng các biên còn giảm được sai số tại biên ảnh hưởng vào miền quan tâm. Biên phía ngoài khơi được mở rộng ra đến vùng nước sâu 40m, hình 4.
Hình 4. Địa hình miền tính (nhìn từ phía đường bờ)
Lưới tính toán được chia phụ thuộc vào sự biến đổi của địa hình, kích thước lưới nhỏ nhất tại khu vực Văn Lý-Hải Hậu là 32m.
Hình 5. Lưới lính toán và giới hạn miền tính
Điều kiện biên: Tại các biên phía Bắc và phía Nam, áp dụng điều kiện biên đối xứng đối với mô đun tính sóng và điều kiện biên cân bằng nồng độ đối với các biên của mô đun vận chuyển cát. Tại biên ngoài khơi cho các tham số sóng dựa trên số liệu sóng nước sâu được tính toán từ số liệu gió (bảng 1). Đối với mô đun dòng chảy, các biên gán với mực nước trung bình là 1,84m). Nguồn gây ra trường dòng chảy trong miền chỉ còn lại là nguồn nội tại do trường ứng xuất bức xạ sóng. Các tham số trầm tích được chọn gồm có độ chọn lọc của cát σ = 1,4 và đường kính hạt D50 = 0,15mm.
Xây dựng các phương án tính toán và xử lý số liệu biên sóng:
Hình 6. Phân bố hướng sóng đến tại biên ngoài khơi |
Một trong những khó khăn lớn đối với các mô hình sóng ven bờ là việc tính chính xác các đặc trưng sóng ngoài khơi làm đầu vào cho các mô hình. Trong bài toán này, dữ liệu gió tại trạm Bạch Long Vỹ BLV được lựa chọn để tính các tham số sóng nước sâu [12], [17]. Tuy nhiên, bằng cách so sánh dữ liệu sóng thực đo với kết quả tính từ gió tại trạm Cồn Cỏ (CC), các tác giả trong [6] cho thấy rằng gió tại trạm CC có ảnh hưởng đáng kể đến trường sóng ven biển Hải Hậu. Để có được trường gió đại diện cho khu vực nghiên cứu thì sự kết hợp gió tại BLV và CC được sử dụng. Phương pháp kết hợp dữ liệu gió được đề xuất bởi Haglund và Svensson (2002) đã được áp dụng.
Trong nghiên cứu này, chuỗi số liệu sóng 20 năm (1976-1996) được tính theo phương pháp Sverdrup-Munk-Bretschneider (SMB) dựa trên dữ liệu gió được kết hợp giữa gió tại BLV và CC. Kêt quả phân tích cho thấy sự bất đối xứng về trường sóng, được thể hiện trong hình sau:
Dữ liệu gió tại BLV chủ yếu được sử dụng để ước tính sóng nước sâu, trừ khi gió đến từ các góc giữa SE và SW. Trong những trường hợp gió đến từ các góc giữa SE và SW, sóng vùng nước sâu ở Hải Hậu có hướng truyền từ phía Nam và do đó, chúng bị chi phối bởi trường gió đo được tại trạm CC. Đối với các hướng này, tốc độ gió dùng để tính sóng được lấy bằng giá trị trung bình giữa trạm CC và BLV; còn hướng thì lấy bằng hướng gió tại CC.
Không thể mô phỏng cho tất cả các trường hợp gió thực tế trong một thời gian dài (nhiều năm) do thời gian tính không cho phép. Vì vậy, trong nghiên cứu này, chỉ tính cho các trường hợp đại diện cho một dải tham số sóng (độ cao, chu kỳ, hướng) sau đó sẽ tích phân lại dựa trên tần suất xuất hiện sự kiện đó cho cả chuỗi thời gian 20 năm để đưa ra cán cân cân bằng trầm tích dọc bờ.
Trong tính toán này, chỉ xét với độ cao sóng ngoài khơi lớn hơn 0,75m và truyền từ ngoài khơi vào bờ (hướng sóng nằm trong giới hạn từ 450 đến 135o). Vì vậy, các phương án tính sóng (tương ứng là các phương án tính vận chuyển trầm tích) được xét theo các tham số sóng đầu vào tại biên ngoài khơi như sau:
Bảng 1. Các phương án tính toán
PA | Số lần xuất hiện | Độ cao sóng (m) | Chu kỳ sóng (giây) | Hướng sóng (độ) | PA | Số lần xuất hiện | Độ cao sóng (m) | Chu kỳ sóng (giây) | Hướng sóng (độ) |
1 | 349 | 1,48 | 5,7 | 45 | 11 | 4 | 1,74 | 5,7 | 90 |
2 | 275 | 1,82 | 5,7 | 45 | 12 | 2 | 2,26 | 5,7 | 90 |
3 | 113 | 2,28 | 5,7 | 45 | 13 | 1 | 8,82 | 12,3 | 90 |
4 | 6 | 3,33 | 5,7 | 45 | 14 | 15 | 1,15 | 3,1 | 113 |
5 | 2 | 7,18 | 11,4 | 45 | 15 | 6 | 1,45 | 5,6 | 113 |
6 | 28 | 1,18 | 3,1 | 68 | 16 | 1 | 1,65 | 5,6 | 113 |
7 | 8 | 1,48 | 5,6 | 68 | 17 | 1 | 2,94 | 5,6 | 113 |
8 | 8 | 1,81 | 5,6 | 68 | 18 | 22 | 1,11 | 3,2 | 135 |
9 | 29 | 1,17 | 3 | 90 | 19 | 1 | 1,46 | 5,7 | 135 |
10 | 5 | 1,47 | 5,7 | 90 | 20 | 2 | 1,85 | 5,7 | 135 |
Hiệu chỉnh và kiểm tra mô hình:
Việc hiệu chỉnh và kiểm tra mô hình sóng được thực hiện với 2 chuỗi số liệu dài (10 ngày tại các điểm đo S1 đến S4, xem hình 7 và 10). Các kết quả tuy ở mức độ ban đầu nhưng đã cho thấy sự phù hợp về chu kỳ và độ cao sóng (hình 7a đến 10b). Sự phân bố trường sóng khá phù hợp với điều kiện địa hình, thể hiện được ảnh hưởng của quá trình khúc xạ, nhiễu xạ, và ma sát đáy và ảnh hưởng của các cửa sông. Qua đó, lựa chọn được bộ tham số hiệu chỉnh phục vụ để tính toán các kịch bản.
Việc kiểm tra mô hình sóng được thực hiện với chuỗi số liệu đo trong 2 đợt của năm 2006 tại các điểm trên. Để kiểm định sai số của mô hình thì chỉ số Nash (Nash and Sutcliffe - 1970) được sử dụng:
Trong đó: Qi là giá trị của tham số thực đo thực đo tại thời điểm i, Qtb là giá trị trung bình của tham số thực đo, Qci là giá trị của tham số tính toán tại thời điểm i, N là tổng số của các số liệu tính toán. Nếu trị số R2 ³ 0,75 thì kết quả tính toán đạt chất lượng tốt, có thể dùng để dự báo.
Trong bài toán được xét, chỉ số Nash đạt giá trị nhỏ nhất tại trạm S2 (=0,84) đối với độ cao sóng và (=0,81) đối với chu kỳ sóng tại trạm S1. Tuy nhiên, đối với mô hình vận chuyển trầm tích không thể có số liệu cho việc hiệu chỉnh mô hình nên các tham số hiệu chỉnh mô hình được chọn theo các giá trị đề xuất của DHI.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Một số kết quả phân bố trường sóng và suất vận chuyển trầm tích:
Trong phần này, nhóm tác giả trình bày một số kết quả tính toán với các hướng sóng thịnh hành. Như đã đề cập ở trên, khu vực Văn Lý - Hải Hậu bị ảnh hưởng mạnh bởi sự xói mòn do vậy sự phân bố độ cao sóng theo mặt cắt mang được thể hiện tại các vị trí thuộc xã Văn Lý (xem hình 19).
Phân bố độ cao sóng trong trường hợp các sóng đến tại biên ngoài khơi có hướng sóng đại diện là 450 được trình bày trên hình sau:
Kết quả tính toán cho thấy, khi sóng truyền từ ngoài khơi vào ven bờ thì sóng bị đổ nhiều lần. Điều này là do bãi biển khu vực nghiên cứu rất thoải và do vậy đới sóng đổ dọc bờ rộng và phụ thuộc vào độ cao sóng đến tại biên ngoài khơi.
Kết quả phân bố trường sóng 2 chiều cho thấy sự ảnh hưởng của địa hình cửa Ba Lạt có vai trò giống như công trình kè đối với các sóng đến từ phía Bắc, Đông Bắc, gây ra sự khúc xạ, nhiễu xạ sóng về phía Văn Lý (các hình 14 và 15). Điều đó cũng gây ra hiện tượng ứng suất bức xạ dọc bờ tăng dần từ khu vực cửa Hà Lạn (sông Sò) xuống phía Nam khiến dòng vận chuyển dọc bờ tăng dần theo (xem hình 18). Khu vực từ cửa Hà Lạn đến bãi bồi cửa Ba Lạt, dòng vận chuyển dọc bờ nhỏ. Trong khi, từ khu vực cửa Lạch Giang đến gần cửa Hà Lạn, dòng vận chuyển dọc bờ lớn. Như vậy có thể thấy tồn tại sự mất cân bằng trầm tích dọc bờ đối với khu vực từ cửa Lạch Giang đến cửa Hà Lan.
Đối với các hướng sóng được xét, cửa Lạch Giang và cửa Ninh Cơ ảnh hưởng không nhiều đến khu vực nghiên cứu.
Kết quả tính toán với số liệu sóng đầu vào tại biên ngoài khơi là: Độ cao sóng 1,85(m), chu kỳ sóng 5,7(s), hướng sóng 135o cho thấy trong khu vực Hải Hậu dòng vận chuyển có hướng vuông góc với bờ chiếm ưu thế (xem hình 19).
Các kết quả tính toán cho thấy, ở khu vực Hải Hậu nói chung và Văn Lý nói riêng, dòng vận chuyển thực có xu hướng xuống phía Nam chiếm ưu thế
Xác định cán cân trầm tích dọc bờ khu vực Hải Hậu:
Ứng với mỗi một phương án tính sóng là một kết quả tính toán vận chuyển trầm tích. Trong giới hạn của bài toán được xét, mô đun liên hợp cho kết quả là trường suất vận chuyển trầm trích ứng với mỗi một phương án tính sóng. Từ đó, lấy tổng trên toàn bộ độ dài mặt cắt và tổng theo thời gian 20 năm sẽ được lượng vận chuyển qua mỗi mặt cắt trong thời gian đó (hình 22).
Như vậy, tổng hợp các phương án tính trên, cho ra lượng vận chuyển dọc bờ qua mỗi mặt cắt vuông góc với bờ.
Q = a1*Q1 +a2*Q2 +…
Trong đó; a1, a2, a3 .. a20 là tần suất xuất hiện trong khoảng thời gian 20 năm được xét (xem bảng 1). Q1, Q2, . . . Q20 là lượng vận chyển dọc bờ tương ứng với 20 phương án, hình 22.
Kết quả tính toán cho thấy tại các mặt cắt C1, C2, C3 lượng vận chuyển xuống phía Nam luôn lớn hơn lượng vận chuyển lên phía Bắc.
KẾT LUẬN
Trong bước đầu nghiên cứu này, các kết quả đã chỉ ra sự bồi xói của vực nghiên cứu do sóng là rất đáng tin cậy, cho thấy sự phù hợp giữa kết quả tính toán với thực tế tại Văn Lý-Hải Hậu. có thể rút ra một số kết luận sau:
- Quá trình xói lở bờ biển Hải Hậu Nam Định là do sự mất cân bằng bùn cát. Do tác động của sóng, lượng bùn cát dịch chuyển xuống phía Nam nhiều hơn so với lượng dịch chuyển lên phía Bắc. Xét về lâu dài, đây có thể là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ biển Hải Hậu.
- Vì đới sóng đổ ở khu vực nghiên cứu rất rộng, không nên xây các kè mỏ hàn để bảo vệ bờ biển. Nếu xây dựng hệ thống đê ngầm để giảm ảnh hưởng của sóng thì phải xây ở vùng nước sâu, điều này cũng không khả thi do tốn kém. Biện pháp trồng rừng ngập mặn sẽ có tính ưu việt hơn.
- Kết quả xử lý biên ngoài khơi cho thấy tồn tại sự bất đối xứng xứng về trường sóng truyền từ hai phía Đông Bắc và Đông Nam. Điều này gây nên dòng vận chuyển xuống phía Nam chiếm ưu thế.
- Mô đun liên kết Mike21 Coupled Model FM cho kết quả khá phù hợp với thực tế tại Hải Hậu - Nam Định. Hơn nữa, kết quả tính vận chuyển trầm tích cũng được so sánh với kết quả đã được nghiên cứu trước đây của tác giả [7], cho thấy sự hợp lý của kết quả tính toán trong nghiên cứu này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Vũ Thanh Ca và Nguyễn Quốc Trinh. Nghiên cứu về nguyên nhân xói lở bờ biển Nam Định. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường.
[2]. Phạm Văn Ninh, Đỗ Ngọc Quỳnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Văn Mạnh, Nguyễn Thị Việt Liên. Một số kết quả nghiên cứu về thuỷ thạch động lực và biến đổi đường bờ vùng biển Nam Định. Báo cáo tại Hội thảo về phòng chống thiên tai và bảo vệ bờ biển. Nam Định tháng 5/2006.
[3]. Phạm Quang Sơn. Diễn biến các cửa sông và vùng ven biển tỉnh Nam Định. Báo cáo tại Hội thảo về phòng chống thiên tai và bảo vệ bờ biển. Nam Định, tháng 5 năm 2006.
[4]. Danish Hydraulics Institute (DHI). “MIKE21. User’s Mannual”. 2007
[5]. Guohong, F.; Yue-Kuen, K.; Kejun, Y., and Yaohua, Z., 1999. Numerical simulation of principal tidal constituents in the South China Sea, Gulf of Tonkin and Gulf of Thailand. Continental Shelf Research Journal, 19(7), 845–869.
[6]. Haglund, M. and Svensson, P., 2002. Coastal Erosion at Hai Hau Beach in Red River Delta, Vietnam. Lund, Sweden: Lund University, Master’s thesis, 80p.
[7]. Hoan, L.X.; Hanson, H.; Larson, M.; Donnelly, C., and Nam, P.T., 2009. Modeling shoreline evolution at Hai Hau Beach, Vietnam. Journal of Coastal Research, 25(0), 000–000. West Palm Beach (Florida), ISSN 0749-0208.
Tác giả: ThS. Vũ Công Hữu, TS. Lê Xuân Hoàn, TS. Nguyễn Minh Sơn
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Ý kiến góp ý: