Tọa đàm “Hạn hán, xâm nhập mặn và các giải pháp phòng chống”
09/04/2015Nhằm trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kiến thức hạn hán, xâm nhập mặn cũng như trợ giúp cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, ngày 8/4/2015, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội Thủy lợi Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về hạn hán, xâm nhập mặn và công tác phòng chống.
Buổi tọa đàm với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi; GS.TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Tham dự buổi tọa đàm có GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam; PGS.TS. Vũ Văn Thặng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng và PGS.TS. Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện các nhà khoa học và các chuyên gia tới từ Hội Thủy lợi Việt Nam, Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Hội tưới tiêu Việt Nam; đại diện Cục trồng trọt, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Đại học Quốc gia; một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi và một số cơ quan truyền thông, báo chí...
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: Hiện nay, vấn đề hạn hán đang xảy ra khốc liệt và nghiêm trọng đặc biệt ở các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan liên quan cũng như các nhà khoa học đã cùng phối hợp với Tổng Cục Thủy lợi để đưa ra các giải pháp phòng chống hạn hán hiệu quả và thiết thực, tuy nhiên theo dự báo, trong thời gian tới, vấn đề hạn hán còn tiếp tục xảy ra với tần suất nhiều hơn và khốc liệt hơn. Phó Tổng cục trưởng mong muốn tại buổi tọa đàm sẽ được lắng nghe những ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học giúp cho Tổng Cục Thủy lợi tham mưu cho Bộ NN&PTNT những giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới và mong muốn có sự trao đổi về nhận đinh tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện tại cũng như trong thời gian tới. Đồng thời tư vấn giúp cho Tổng Cục Thủy lợi một số giải pháp về khoa học công nghệ, tổ chức thực hiện, truyền thông để công tác quản lý hạn hán từng bước đi vào nề nếp đặc biệt là một số vân đề về giải pháp lâu dài. Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày báo cáo, các chuyên đề về các nội dung liên quan như báo cáo của Tổng cục Thủy lợi về Tình trạng và công tác chỉ đạo phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, chuyên đề của Viện Quy hoạch Thủy lợi về cân bằng nguồn nước và đề xuất các giải pháp phòng, chống hạn hán và xânm nhập mặn và chuyên đề của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về giám sát xâm nhập mặn hạ du hệ thống sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến nhận định cũng như đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trước mắt cũng như lâu dài. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng chống hạn khó hơn nhiều so với chống lũ, vì lũ thường kèm theo mưa bão, bão được dự báo hết sức chặt chẽ và chính xác với nhiều trung tâm dự báo ở trên thế giới và bão diễn ra trong thời gian rất ngắn, còn hạn hán là hiện tượng tự nhiên xảy ra từ từ và kéo dài, khi nhận biết ra thì tác hại đã quá lớn, nên việc cảnh báo, dự báo sớm và giám sát mặn là rất quan trọng. Mặc dù các giải pháp chống hạn càng ngày càng tiến bộ, phù hợp với năng lực chống hạn giúp các địa phương quản lý hạn tốt hơn tuy nhiên theo các đại biểu công tác điều hành vẫn còn chưa được chủ động cần phải đánh giá lại khả năng đáp ứng nguồn nước đối với sản xuất nông nghiệp và sản xuất nói chung bao gồm đánh giá lại nguồn nước đến của các lưu vực sông của các vùng gắn với tác động của biến đổi khí hậu; đánh giá lại nhu cầu tiêu thụ nước; đánh giá lại các chỉ tiêu thiết kế của các hệ thống thủy nông; đánh giá lại các tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước từ đó đưa ra các kịch bản sản xuất tương ứng với các điều kiện đáp ứng nhu cầu nước bao gồm đưa ra thứ tự ưu tiên phân bổ nước trong điều kiện thiếu nước, đặc biệt đối với các vùng khó khăn; xây dựng cơ cấu cây trồng tương ứng với mức độ cấp nước của từng vùng, bố trí lại mùa vụ theo đặc điểm nguồn nước của từng vùng; xây dựng khung thể chế chính sách để điều hành và quản lý hạn bao gồm chính sách điều hành sản xuất khi có hạn hán, chính sách hỗ trợ huy động các nguồn lực để quản lý hạn, xây dựng chiến lược truyền thông để quản lý hạn hán... Bên cạnh đó, về lâu dài, cần đề nghị Chính phủ xem xét đầu tư các dự án xây dựng đập ngăn mặn, trữ ngọt trên dòng chính sông Hồng để phục vụ sản xuất dân sinh có hiệu quả; đầu tư các công trình thủy lợi nhằm khép kín các hệ thống, tạo điều kiện vận hành ngăn mặn, chủ động vận hành lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước phục vụ dân sinh....
Ý kiến góp ý: