Tọa đàm “Hiện trạng suy giảm nước về mùa khô và các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước hạ du sông Hồng”
04/03/2015Cuối tuần qua, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức tọa đàm "Hiện trạng suy giảm nước về mùa khô và các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước hạ du sông Hồng".
Tham dự buổi tọa đàm có Ông Vũ Mão - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên chủ nhiệm, Ủy ban đối ngoại Quốc Hội - Chủ tịch danh dự Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam, Ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; đại diện các Tổng Cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi, đại diện Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi; đại diện Viện Khí tượng Thủy văn, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện Sở Xây dựng và cấp thoát nước Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, đại diện Tổng Hội Xây dựng; đại diện các Hội: Hội Thủy lợi, Hội Bảo vệ Môi trường, đại diện Văn phòng thường trực và Công ty Tư vấn và phát triển hạ tầng của Hội của Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; đại diện Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh và một số cơ quan truyền thông, báo chí trong nước. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện Ban Kế hoạch Tổng hợp và đại diện một số đơn vị trực thuộc Viện.
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhấn mạnh: An ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng là 3 yếu tố quan trọng trong sự phát triển của đất nước, trong những năm gần đây hiện tượng suy giảm về nguồn nước, lưu lượng, mức nước của sông Hồng đang xảy ra hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Các chuyên gia, các nhà khoa học và các cấp có thẩm quyền đã và đang quan tâm đến vấn đề này và đã có rất nhiều ý kiến, giải pháp đã được ra nhằm khắc phục vấn đề trên, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn ở mức khiêm tốn. Vì đây là vấn đề lớn cả về nội dung và các giải pháp thực hiện nên đòi hỏi cần phải có nhiều nghiên cứu mới, bổ sung tiếp theo. Nhằm góp tiếng nói chung trong việc đưa ra các giải pháp khắc phục hiện tượng suy giảm dòng chảy, lưu lượng của sông Hồng và hạ du, Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm với mong muốn được nghe nhiều ý kiến đóng góp, ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học để bổ sung cho những kết quả và định hướng cho những vấn đề nghiên cứu tiếp theo.
Theo GS.TS. Hà Văn Khối, nguyên nhân dẫn đến suy giảm mực nước thời kỳ mùa kiệt vùng hạ du sông Hồng là do sự hạ thấp cao độ, mở rộng lòng sông và tăng tỷ lệ phân nước sang sông Đuống ở vùng mực nước thấp, do ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà. Chính vì vậy sự hạ thấp mực nước sông Hồng ở hạ du trở thành thường xuyên và bắt buộc các hồ chứa phải xả nước không mong muốn, thiệt hại cho ngành điện khi phải xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân. Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới và đảm bảo hài hòa lợi ích dùng nước cho các ngành dùng nước và đảm bảo môi trường sinh thái cho hạ du, ngoài các giải pháp quản lý cần thiết phải có các giải pháp điều tiết nước hạ du để nâng cao mực nước thời kỳ mùa kiệt.
Bàn về nguyên nhân gây cạn kiệt sông Hồng trong những năm gần đây, GS.TS. Trương Đình Dụ cho rằng do đáy sông Hồng bị hạ thấp làm cho mực nước bị hạ thấp, còn việc có lúc chưa cấp đủ lưu lượng nước từ các hồ thủy điện chỉ là nguyên nhân tạm thời dễ khắc phục. GS.TS. Trương Đình Dụ cũng đã đưa ra một số các giải pháp phi công trình như xả đủ nước để khôi phục mực nước; xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân theo 3 đợt và một số giải pháp công trình như xây dựng một số đập ngầm nâng đáy sông; xây dựng các trạm bơm trước cống lấy nước và nâng cấp các trạm bơm và xây dựng các công trình điều tiết ở sông Hồng và sông Đuống.
Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và đã cùng thống nhất, đánh giá sự hạ thấp mực nước và khả năng cấp nước phục vụ cho dân sinh, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bắng sông Hồng về mùa khô là rõ rệt, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh là nguy hiểm và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Đồng thời các đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm cũng đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn trong từng vấn đề cụ thể; xây dựng chương trình lớn, mang tính chất tổng thể hơn nhằm đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện tình hình sử dụng nguồn nước ở vùng hạ du sông Hồng có xét đến sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, qua đó có được cơ sở khoa học cần và đủ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược sử dụng nguồn nước trên hệ thống vùng đồng bằng sông Hồng một cách chi tiết hơn. Ngoài ra, theo các đại biểu, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, tình hình quản lý khai thác cũng như nhu cầu thực tế sản xuất cần có kiến nghị với Đảng và Nhà nước để hình thành những dự án mang tính chất đa mục tiêu để quản lý, khai thác nguồn nước sông Hồng một cách chủ động và hiệu quả; kiến nghị để có thể điều chỉnh, bổ sung những vấn đề đã đặt ra vào quy hoạch thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, thay mặt Ban Tổ chức, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tóm tắt lại những ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học tại buổi tọa đàm. GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn sau buổi tọa đàm, các cơ quan, các nhà khoa học sẽ tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề về thực trạng cũng như giải pháp nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng Bằng sông Hồng và hy vọng buổi tọa đàm này sẽ là bước khởi đầu cho sự cộng tác lâu dài giữa các cơ quan khoa học cũng như là các cơ quan liên quan.
Ý kiến góp ý: