Tổng kết hoạt động của các nhà tài trợ hòa đồng ngân sách cho chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2012-2015 và Hội thảo về sự tham gia của khu vực tư nhân trong cấp nước nông thôn
03/12/2015Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Ngoại Giao và Thương mại Úc tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của các nhà tài trợ hòa đồng ngân sách cho chương trình MTQG Nước sạch &VSMTNT giai đoạn 2012-2015 và Hội thảo về sự tham gia của khu vực tư nhân trong cấp nước nông thôn.
Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có TS. Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ông Hugh Borrowman- Đại sứ Úc và Bà Charlotte Laurse- Đại sứ Đan Mạch tại Việt nam. Về dự Hội nghị gồm có lãnh đạo Tổng Cục Thủy lợi, Vụ Hợp tác Quốc tế, Văn phòng chương trình MTQG NS& VSMTNT, Văn phòng quan hệ đối tác NS&VSMTNT, các Bộ ngành ở trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở y tế, Trung tâm NS&VSMTNT các tỉnh trong cả nước; Viện Kinh tế & Quản lý thủy lợi, Trường Đại học công nghệ sydney -Úc, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và cơ quan thông tấn báo chí.
Để ghi nhận sự giúp đỡ của 4 nhà tài trợ chính là Ốt xtrây li a, Đan Mạch, Hà Lan và Vương Quốc Anh với tổng kinh phí khoảng 102 triệu USD theo phương thức viện trợ hòa đồng ngân sách cho Chương trình MTTQ Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thứ trưởng Hoàng Văn Thắng thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho các Đại sứ quán và trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho 3 chuyên gia cao cấp đã có nhiều cống hiến về cả sức lực và trí tuệ cho sự thành công của chương trình. Thứ trưởng cảm ơn các tổ chức, cá nhân trong cả nước có nhiều hoạt động thiết thực cung cấp nguồn nước sạch góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Thứ trưởng mong muốn các nhà tài trợ tiếp ủng hộ Chính phủ Việt Nam để thực hiện chương trình NS&VSMTNT.
Hội nghị dành phần lớn thời gian để chia sẽ kết quả đánh giá về sự tham gia của khu vực tư nhân trong cấp nước nông thôn do Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi phối hợp với Đại học công nghệ Sydney và Tổ chức Đông tây Hội ngộ thực hiện. PGS.TS. Đoàn Thế Lợi Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi thay mặt nhóm nghiên cứu đã phân tích làm rõ vai trò và tầm trọng của khu vực tư nhân trong hoạt động cấp nước nông thôn. Chương trình MTQG NS&VSTN tuy đã đạt được nhiều kết quả to lớn, nhưng để đạt được các mục tiêu Chiến lược Quốc gia đến 2020 theo cách tiếp cận "sử dụng nước an toàn" thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: i) nguồn vốn hạn hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, tu sửa công trình; ii) năng lực quản lý hạn chế dẫn đến công trình hư hỏng xuống cấp nhanh chóng; iii) khối lượng nước thất thoát lớn, chất lượng dịch vụ còn thấp; iv) các đơn vị quản lý công trình nước sạch tập trung nông thôn hoạt động kém hiệu quả, nguồn tài chính không bền vững (đặc biệt là khu vực miền núi). Trong khi cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, tư tưởng “dựa dẫm, trông chờ nhà nước, nhà tài trợ” còn nặng; khu vực tư nhân chưa được coi trọng, vai trò sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế nên hiệu quả và tính bền vững của dự án cấp nước nông thôn chưa cao.
Để minh chứng rõ động lực, xu hướng và tính bền vững của các công trình cấp nước nông thôn do khu vực tư nhân thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đi sâu điều tra đánh giá tại 3 tỉnh là Hà Nam, Thái Bình và Long An cho thấy: Hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước do khu vực tư nhân quản lý khá cao, tỷ lệ hộ được cấp nước thực tế so với thiết kế đạt khá cao ( Thái Bình là 95%, Hà Nam là 90,5 % và Long An là 83 %), cao hơn các công trình do nhà nước quản lý (thường chỉ đạt từ 50-75%) và tỷ lệ thất thóa nước thấp (dưới 25 %). Nguồn tài chính các đơn quản lý thuộc khu vực tư nhân ổn định và bền vững, thu nhập người lao động ổn định. Tỷ lệ lợi doanh thu trừ chi phí (chưa bao gồm khấu hao) chiếm khoảng 35,05% (các khu vực khác là 19,86%), năng suất lao động của khu vực tư nhân cao hơn so với khu vực khác gấp 1,41 lần. Người dùng nước hài lòng với chất lượng dịch vụ cấp nước do khu vực tư nhân cung cấp do chất lượng dịch vụ tốt và thái độ phục vụ chu đáo
Khu vực tư nhân vẫn còn một số khiếm khuyết cần tìm các giải pháp để khắc phục hạn chế như giá nước và chi phí đấu nối ở các công trình do khu vực tư nhân đầu tư thường cao hơn các khu vực khác. Quản lý chất lượng nước chưa thật chặt chẽ, nhất là các công trình nhỏ. Phối hợp các cơ quan quản lý chưa đồng bộ. Vì vậy chất lượng nước của khu vực nhà nước được người dân đánh giá cao hơn so với khu vực tư nhân. Và công tác tham vấn cộng đồng, các tổ chức xã hội trong quá trình ra quyết định đầu tư ở các dự án do tư nhân thực hiện chưa tốt và công tác kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ.
Trong quá trình trình đánh giá, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các bất cập về thể chính sách đang là rào cản chính hạn chế sự tham gia của khu vực tư nhân, như: Thể chế chính sách còn chồng chéo, khó áp dụng và còn nhiều bất cập. Chính sách hỗ trợ vẫn mang tính cào bằng, chưa đề cập đến các yếu tố thuận lợi khó khăn của từng loại hình công trình . Các quy định quản lý dự án (lập, thẩm tra, phê duyệt) giữa các Luật đầu tư, đầu tư công, PPP còn chồng chéo. Việc vận dụng không thống nhất, chưa chặt chẽ. Khung pháp lý ràng buộc quyền lợi trách nhiệm nhà đầu tư, nhà nước và người dùng nước chưa rõ ràng và minh bạch. Chính sách hỗ trợ người nghèo chưa được đề cập trong các dự án của khu vực tư nhân. Các cam kết của nhà nước thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời. Khu vực tư nhân rất rất khó tiếp cận các nguồn vốn (tín dụng, vốn đầu tư phát triển, vay ngân hàng thương mại) và khó tiếp cận thông tin dự án và cơ chế ưu đãi.
Để làm rõ động lực của khu vực tư nhân tham gia cấp nước nông thôn, nghiên cứu đã chỉ rõ: Nguồn lực trong khu vực tư nhân rất lớn, nếu có chính sách khuyến khích hợp lý, minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn lớn để đầu tư vào nước sạch nông thôn. Ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình mới kếu gọi khu vực tư nhân tham gia như tỉ lệ nguồn vốn khu vực tư nhân chiếm trung bình 97,53% so với nguồn vốn của nhà nước. Cấp nước nông thôn là lĩnh vực có khả năng thu hút khu vực tư nhân tham gia rất cao, nhất là các dự án có quy mô vừa và lớn, ở vùng dân cư tập trung. Các động lực chính để khu vực tư nhân tham gia là: Nhu cầu sử dụng nước còn rất lớn, hỗ trợ và ưu đãi cao, tạo việc làm cho gia đình, khả năng thu lợi ổn định ít rủi ro.
Để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia mạnh hơn nữa, PGS.TS. Đoàn Thế Lợi đã kiến nghị chính:
- Về mô hình: nên áp dụng mô hình BOO, O&M là phù hợp để thống nhất thực hiện
- Về thể chế chính sách, cần xây dựng thông tư hướng dẫn nghị định 15 về hợp tác công tư trong đó cụ thể hóa nội dung như bảo hiểm, tiêu chi xác định mức của nhà nước ứng với từng loại dự án. Và cần nghiên cứu xây dựng ban hành Định mức sản xuất nước sạch nông thôn
- Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tiếp cận được các nguồn vốn, sửa đổi các điều kiện vay vốn tín dụng, vốn đầu tư phát triển. Nên xây dựng cơ chế đặc thù về thế chấp và bảo lãnh để các nhà đầu tư có thể vay được vốn của ngân hàng thương mại. Vận động thành lập "Quỹ hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp nước nông thôn“. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi ODA,
- Củng cố hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về NSNT và giao thêm chức năng quản lý dự án PPP. Quy định cơ chế phối hợp, chia sẽ thông tin quản lý, giám sát chất lượng nước. Xây dựng quy chế tham vấn, tham gia của cộng đồng và tổ chức XH.
Kết luận hội thảo, thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tư vấn. Đây là những đề xuất quan trọng để Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện chính sách và áp dụng vào các dự án đang triển khai, trước mắt áp dụng ở dự án 21 tỉnh miền núi. Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia quốc tế tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ nông nghiệp xây dựng hoàn thiện khung thể chế bảo đảm minh bạch, hiệu quả.
Nguồn: IWEM
Ý kiến góp ý: