Trả giá quá đắt cho thủy điện
10/10/2013Mùa khô thì ngăn dòng nên người dân "chịu khát", mùa lũ thì tháo cống để làng mạc chìm trong bể nước, hệ quả của "phong trào" làm thủy điện là hoa màu bị cuốn trôi, làng mạc ngập ngập trong lũ, thậm chí nhiều người dân đã trả giá bằng mạng sống... Trong khi đó, vẫn đang có nhiều tranh cãi về quy trình xả lũ cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư đối với những hậu quả do thủy điện gây ra.
Cơn bão số 10 vừa qua như là thước đo khá chuẩn xác về mức độ “chịu nhiệt” của các đập thủy điện. Nhiều địa phương phải hứng chịu những túi nước khổng lồ xối xuống từ lưng chừng trời. Tuy nhiên, mưa lũ trong bão số 10 thực ra chỉ là “giọt nước tràn ly” so với những nỗi ám ảnh mà người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện phải chịu đựng…
Hạ lưu chịu trận
Ngày 4/10, vì lượng mưa lớn ở Gia Lai nước dồn về nhanh nên các hồ thủy điện tiến hành xả lũ đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Thủy điện Sê San 4 xả qua tràn tốc độ 1.634m3/s, tốc độ xả qua tổ máy là 700m3/s, Sê San 4A xả qua tràn là 1.937m3/s, xả qua tổ máy 585m3/s; An Khê - KaNat xả qua tràn 350m3/s, xả qua tổ máy là 48m3/s. Hồ Ayun Hạ mở 3 cửa, lưu lượng xả từ 400-420m3/s. Mực nước trên các sông vùng phía tây và phần giữa tỉnh Gia Lai giảm, vùng phía đông và đông nam tỉnh có xu thế tăng.
Ở huyện Krông Pa, do xả lũ nên nước đã nhấn chìm hơn 10ha hoa màu của các hộ dân ven sông Ba, đoạn phía trên đập tràn Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai nước sông cũng đã vượt đập tràn thủy điện Hoàng Anh Gia Lai ở mức cho phép là 1,8m. Trên địa bàn huyện Ia Pa, một số diện tích vùng trũng của 4 thôn (Plei Du, Mơ Năng 2, Bôn Jư Ma Hoét và Bôn Jư Ma Uốk) đã bị cô lập.
Đặc biệt, tại Nghệ An, việc xả lũ tại hồ Vực Mấu gây thiệt hại nặng nề cho 2 vạn hộ dân tại thị xã Hoàng Mai. Theo đó, ngày 1/10 khi đang có mưa lớn thì đơn vị vận hành hồ Vực Mấu đã xả lũ tại 5 cửa nên nước ngập trắng đồng.
Cơ quan chức năng cho hay, trước khi tiến hành xả lũ, ngày 30/9/2013 Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Vực Mấu, Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu đã có thông báo gửi UBND thị xã Hoàng Mai và một số địa phương phụ cận để có biện pháp đối phó. Thế nhưng, nhiều người dân cho biết họ không hề biết thông báo xả lũ nên đã bị động khi nước tràn vào nhà.
Hậu quả nặng nề không chỉ về kinh tế mà có cả thiệt hại về tính mạng khi nước dâng cao. Theo ông Lê Sĩ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, đợt lũ vừa qua đã làm cho 2 người chết, 1 người mất tích, thiệt hại hơn 800 tỉ đồng, trong đó có rất nhiều hộ dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng do bị trôi cả đầm tôm, hươu, trâu bò.
“Của thiên… trả địa”
Chỉ đến khi nước ngập trắng đồng, người dân tay xách nách mang tài sản chạy ra khỏi nhà thì những bất cập trong thiết kế và quy trình xả lũ mới được hé lộ.
Như thông tin đã đưa, trước “hành động” thủy điện Đăk Mi 4 và nhiều hồ chứa khác đồng loạt xả lũ, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nói rằng các thủy điện ở Quảng Nam không có dung tích đón lũ.
Theo đó, chủ hồ chứa phải có trách nhiệm theo dõi diễn biến thời tiết để điều hành xả nước, phát điện và xả lũ, sao cho mỗi hồ chứa luôn có sẵn dung tích đón lũ. Với trận lũ lớn vừa rồi, ông Quang thừa nhận các thủy điện không đảm bảo dung tích đón lũ nên nước về hồ bao nhiêu lại phải xả đi hết.
Với Thủy điện Đăk Mi 4 thì lúc 8h ngày 2/10 xả về sông Vu Gia lưu lượng 200 m3/giây, nhưng chỉ 1 giờ sau lại đăng ký xả 1.800m3/giây. Đến 12h ngày 2/10 xả đến 2.744m3/giây, nhưng sau khi cơ quan chức năng can thiệp thì đến ngày 3/10 Thủy điện này mới giảm còn 814m3/giây và ngày 4/10 xả 898,8m3/giây.
Bởi do không đáp ứng dung tích đón lũ nên nhiều hồ thủy điện đã “xối xả” mở cống cho nước chảy để điều tiết lũ, dẫn đến hạ lưu bị ngập. Các số liệu thống kê cho thấy, để đảm bảo an toàn hồ chứa nên nhiều thủy điện chỉ lo xả nước.
Cụ thể, Thủy điện Đăk Mi 4 thông báo xả đến 1.800 m3/giây (chưa kể 97m3/giây xả phát điện qua sông Thu Bồn) vào sáng 2/10, thời điểm lưu lượng nước về hồ 2.000 m3/giây. Lúc 16h ngày 3/10, lưu lượng nước về hồ hơn 520 m3/giây, xả hơn 480m3/giây. Lúc 15h cùng ngày, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương 104,5 m3/giây, nhưng xả 105m3/giây.
Tại Thủy điện Sông Tranh 2, lượng nước đổ về hồ luôn gấp hơn 3,6 lần so với lượng nước thoát qua các tổ máy, có thời điểm lên đến 2.200 m3/giây, và họ mở sẵn 6 cửa xả tràn.
Nhiều người dân bức xúc, khi mới lập dự án thì thủy điện nào cũng khoe khoang chức năng điều tiết, rằng là chống hạn mùa nắng, chống lụt mùa mưa, nhưng thực tế vận hành thì ngược lại. Các hồ chứa sẵn sàng lấy “của thiên trả địa”, khiến người dân trở tay không kịp.
Theo phapluatvn.vn
Ý kiến góp ý: