TextBody
Huy chương 2

Triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông

26/04/2023

Sáng ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Triển khai chiến lược phát triện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với chủ đề “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và  Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng đồng chủ trì Hội nghị

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình sản phẩm quốc gia. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Nhờ đó, ở khắp mọi miền đất nước, không ít những nhà khoa học đang âm thầm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, theo đuổi niềm đam mê khoa học… Không ít các học viện, viện, nhà trường không ngừng cố gắng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Một gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ bên lề Hội nghị

Đánh giá về những đóng góp của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng đó là những đóng góp rất to lớn, góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Bên cạnh đó, ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ...

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới... Các hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp thiết thực vào thành công của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chuỗi giá trị chủ lực quốc gia. Khoa học công nghệ đã góp phần cải tạo cơ cấu giống, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa nông nghiệp, cải thiện năng suất lao động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số… góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đưa công nghệ sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật trong tương lai.

Hội nghị đón nhận ý kiến của rất nhiều các đại biểu, các nhà khoa học tập trung vào các nội dung: tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, có quỹ cho nghiên cứu khoa học, vấn đề cơ chế khoán và tự chủ tài chính trong nghiên cứu khoa học; liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với nhau để tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực con người, tạo lập cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch lại nguồn nhân lực, chống chảy máu chất xám …

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở tạo năng suất, sản lượng mà quan trọng hơn là tạo giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ tích hợp đa giá trị trong ngành với mục tiêu giảm chi phí. Chẳng hạn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả tạo nên thương hiệu và giá trị gia tăng... Nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trong hoạt động đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học cùng ngồi lại với nhau, cùng nhau đề xuất các đề tài nghiên cứu cung cấp các giải pháp cho ngành nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ nỗ lực hết sức đồng hành cùng các nhà khoa học trong công cuộc đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị

Theo khuyennongvn.gov.vn

 

Ý kiến góp ý: