TextBody
Huy chương 2

Triển vọng của việc ứng dụng vật liệu Asphalt bảo vệ đê biển ở Việt Nam

11/07/2013

Trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng vật liệu hỗn hợp để gia cố đê biển chịu được nước tràn qua do sóng, triều cường, bão và nước biển dâng", những ngày hè cuối tháng 6-2013, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã có may mắn được đặt chân đến đất nước Hà Lan xinh đẹp, xứ sở của loài hoa tuylip nổi tiếng thế giới. Cảm giác đầu tiên đó là sự thanh bình, bầu không khí trong lành với những cánh đồng xanh bất tận, những cối xay gió và những cột điện gió cao vút, những con người nhiệt tình, thân thiện và tốt bụng.

Ngày làm việc đầu tiên, đoàn đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu và sự trao đổi kinh nghiệm nhiệt tình từ phía các nhà khoa học các chuyên gia của Viện Công nghệ Deltares (GS. Ipo Ritsema – Giám đốc Trung tâm địa kỹ thuật, TS. Bernadette Wichman) Công ty tư vấn KOAC – NPC (ông Arjan de Looff). Các báo cáo của bạn đã tập trung vào những vấn đề nhóm nghiên cứu quan tâm đó là phương pháp thiết kế thành phần vật liệu asphalt, phương pháp thiết kế, thi công, điều kiện áp dụng các dạng vật liệu asphalt để bảo vệ đê biển, khả năng ứng dụng tại Việt Nam và những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái.

Qua trao đổi, các chuyên gia Hà lan cho biết công nghệ sử dụng vật liệu asphalt để gia cố đê biển lần đầu tiên được ứng dụng vào năm 1953 (sau trận lũ lịch sử của Hà Lan), từ đó đến nay công nghệ liên tục được nghiên cứu phát triển và đã được ứng dụng để xây dựng trên 600 km đê biển ở Hà Lan. Những dạng vật liệu asphalt  được sử dụng phổ biến đó là asphalt chèn trong đá hộc (fully grouted rock), bê tông asphalt (asphalt concrete), asphalt nhiều đá (open stone asphalt). Theo kinh nghiệm của Hà Lan, tuổi thọ của asphalt chèn trong đá hộc, bê tông asphalt vào khoảng 50-75 năm, các công trình xây dựng từ năm 1953 vẫn đang hoạt động tốt, vật liệu asphalt nhiều đá có tuổi thọ trung bình vào khoảng 30 năm. Về vấn đề môi trường, các chuyên gia Hà lan khẳng định vật liệu asphalt không có ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và hiện nay Hà Lan vẫn đang sử dụng vật liệu này để gia cố các đoạn đê biển.

Được đi thăm các công trình đê biển của Hà Lan mới thấy hết được sự vĩ đại của hệ thống đê biển của Hà Lan, những công trình đồ sộ, kiên cố với tần suất thiết kế 1/10.000, 1/5.000 đang ưỡn ngực ra biển che chắn, bảo vệ cho những thành phố, làng mạc và những cánh đồng của đất nước với trên 30% diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển. Theo các chuyên gia Hà Lan, để có thể làm nên sự kiên cố và vĩ đại đó của hệ thống đê biển là sự đóng góp rất lớn của việc ứng dụng công nghệ vật liệu asphalt với độ bền và khả năng chịu lực rất tốt. Một trong những may mắn lớn nhất của nhóm nghiên cứu là được chứng kiến tận mắt quang cảnh xây dựng đê biển bằng vật liệu asphalt tại hiện trường thi công tại Zeeland, chuyến đi thực địa đã giải đáp được những băn khoăn của các nhà khoa học trong nhóm thực hiện đề tài về khả năng ứng dụng loại vật liệu này vào việc gia cố đê biển trong điều kiện Việt Nam, mở ra một hướng mới đầy triển vọng trong việc xây dựng và kiên cố hệ thống đê biển nước ta.

Tạm biệt đất nước Hà Lan xinh đẹp, đan xen trong cảm xúc lưu luyến là niềm tin vững chắc trong mỗi chúng tôi về triển vọng nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ vật liệu asphalt, để có thể góp phần vào việc xây dựng ở nước ta những công trình đê biển to lớn và vững trãi như nước bạn đã làm, bảo vệ an toàn cho các khu dân cư và kinh tế ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của đất nước trong tương lai.

TS. Nguyễn Thanh Bằng

Ý kiến góp ý: