TextBody
Huy chương 2

Trực tuyến: Miền Trung – Tây Nguyên tích cực chủ động phòng chống thiên tai

09/10/2011

Ngày 9/10/2011, tại thành phố Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng) tổ chức tọa đàm chủ đề "Miền Trung-Tây Nguyên tích cực chủ động phòng chống thiên tai"

Cuộc tọa đàm được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và phát sóng trực tiếp trên kênh Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, trên kênh VTC1.

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của ông Văn Phú Chính, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Cục phó Cục Quản lý đê điều Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh QK5, Trưởng ban Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn Quân khu 5; Đại tá Ngô Sỹ Quyết, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372…

Quan tâm tới hạ du khi vận hành hồ chứa

Một ví dụ được đưa ra “mổ xẻ” tại cuộc tọa đàm là hồ Phú Ninh, nằm trên TP Tam Kỳ, Quảng Nam khoảng 8km với sức chứa trên 344 triệu m3 nước. Đơn vị quản lý hồ chứa, Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam chú trọng 2 biện pháp: kiểm tra vùng hạ du trước khi xả để tính toán lượng xả phù hợp và tính toán lượng mưa.

Theo ông Văn Phú Chính, những năm gần đây, khi xây dựng mới và nâng cấp các hồ, tiêu chuẩn thiết kế và quản lý xây dựng các hồ chứa được quan tâm đặc biệt. Ông lấy ví dụ, tần suất thiết kế lũ (khả năng chống chọi chống được trận lũ có độ lớn bao nhiêu năm mới lặp lại 1 lần - BT) của các hồ chứa gần khu dân cư đã được nâng lên.

Bên cạnh các tràn xả lũ bình thường, các hồ chứa còn xây dựng các tràn sự cố. Ví dụ, hồ Phú Ninh (Quảng Nam) sau lũ năm 1999 được đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm một tràn xả lũ tăng khả năng thoát nước, đồng thời có thêm một tràn sự cố nữa như đã nói.

Với tất cả các công trình hồ chứa có tràn và vận hành điều tiết lũ, trước khi đưa vào hoạt động đều có quy  trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Với các hồ thủy điện, Chính phủ quy định cụ thể hơn, khi trình bản vẽ thiết kế, phải đồng thời trình quy trình vận hành hồ chứa, tức là quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt ngay trong thời kỳ thiết kế.

Ông Văn Phú Chính cho biết, có thể nói tại Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, tất cả các hồ chứa có tràn xả lũ và có cửa điều tiết lũ đều có quy trình vận hành. Bên cạnh đó, các hồ chứa lớn, nằm trên lưu vực các sông lớn, còn phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Ví dụ, Chính phủ và các tỉnh miền Trung đã phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba và sông Serepok.

Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, trên địa bàn 11 tỉnh thành có tới trên 250 hồ, đập, đơn vị quản lý đều có các phương án duy tu, bảo dưỡng hàng năm. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan với những sự cố không lường được như nước ngầm rò rỉ lâu ngày, nguy cơ vỡ đập là có thể. Lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã phối hợp với các tỉnh thành, chuẩn bị các phương án. Ông cho biết, qua kiểm tra, các đơn vị đượcgiao nhiệm vụ đều tới hiện trường, phối hợp với ban quản lý hồ đập nghiên cứu trước, chuẩn bị phương án cụ thể khi có sự cố. Với tình huống vỡ đập, chúng tôi cũng có phương án sơ tán dân cụ thể, kể cả trong tình huống xấu nhất.

Tuy nhiên, các khách mời của chương trình cũng cho rằng, cần phải có sự bài bản hơn trong công tác phối hợp, đảm bảo an tòan trước các sự cố. Việc Công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam cử cán bộ xuống xem xét hạ du bị ngập như thế nào mỗi lần xả lũ là cần thiết, song cần có cách làm hiệu quả hơn.

Ông Văn Phú Chính cho biết, trong quy trình vận hành liên hồ chứa, bên cạnh yêu cầu đảm bảo an toàn công trình, Chính phủ cũng đồng thời đặt vấn đề phải có phương án đảm bảo an tòan cho vùng hạ du. Trong thực tế, việc xây dựng phương án này phụ thuộc vào vấn đề đo đạc, tính toán, mô phỏng thủy lực rất phức tạp, do đó, hiện phần lớn đơn vị quản lý các hồ chỉ mới dừng lại ở mức phối hợp với địa phương để khi nào xả lũ thì có thông báo.

Vừa qua, có một điển hình tốt là tại Thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk), họ đã đặt tại các điểm dân cư các thiết bị tự động, khi nào xả lũ, cán bộ thông báo bằng điện thoại di động, hệ thống truyền thanh sẽ tự động kích hoạt thông báo. Trong tương lai, chúng ta sẽ có những phương án bài bản hơn.

4 tại chỗ- nước gần cứu lửa gần

Phòng chống thiên tai bão lụt với phương châm 4 tại chỗ là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và đảm bảo hậu cần tại chỗ.

Trong các yếu tố đó, theo Đại tá Ngô Sỹ Quyết, huy động lực lượng tại chỗ là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt, bởi với bão lũ thiên tai tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, diễn biến mau lẹ, phức tạp và có sức tàn phá lớn, diện rộng, có thể cô lập 1 vùng, 1 khu vực trong thời gian rất ngắn.

Do vậy, trong lúc mưa bão, lũ, việc tổ chức phòng chống ứng cứu là rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm, sự chậm trễ, không kịp thời có thể dẫn đến hậu quả lớn. Công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, ứng cứu tại chỗ theo đó rất quan trọng. Lực lượng này phải tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện, diễn tập theo tình huống, phương án phù hợp từng địa phương, khu vực, thì khi xảy ra tình huống có thể đáp ứng ngay, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản nhân dân, nhà nước.

Đại tá Nguyễn Văn Thọ nói “chúng tôi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cưu nạn trong điều kiện phức tạp và khẩn trương. Bão lụt có thể diễn ra trong diện rộng cho nên cơ động lực lượng gặp nhiều khó khăn, thông tin liên lạc có thể gián đoạn. Trong khi đó, có thể cùng 1 lúc nhiều nơi nhiều người yêu cầu trợ giúp, tuy nhiên lại không thể giải quyết hết”. Vậy nên, Đại tá Nguyễn Văn Thọ cho rằng, lực lượng 4 tại chỗ sẽ giải quyết kịp thời và hiệu quả nhất.

Đại tá Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm, đối với không quân, khi bão vào đâu, sẽ huy động lực lượng sẵn có tại khu vực ấy. Sau đó, tổ chức ban chỉ huy tiền phương ngay tại khu vực miền Bắc, Trung hoặc Nam. Trong quá trình đó, máy bay trực ở đó, khi cần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đưa lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thị sát, chỉ huy, hoặc làm các nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.

Là người nhiều năm chỉ huy lực lượng tỉnh Quảng Nam và sau này là Quân khu 5 tham gia ứng phó với thiên tai bão lũ, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cho rằng, phương châm 4 tại chỗ qua thực tế kinh nghiệm là rất hiệu quả. Ông cha ta có câu nước xa không cứu được lửa gần. Dù lực lượng quân binh chủng của quân khu có hiện đại bao nhiêu cũng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đường sá, thời gian cơ động. Vì vậy, phải thực hiện 4 tại chỗ. Ví dụ như , ở xóm Trường, Phú Yên khi lũ quét về, nhân dân dùng phương tiện thô sơ nhưng cũng cứu được nhiều người.

Về đề xuất để phương châm 4 tại chỗ càng phát huy hiệu quả trong thời gian tới, ông Văn Phú Chính cho biết, những năm qua, do người chết do mưa lũ đi lại bất cẩn nhiều, có 1 địa phương đề xuất là 5 tại chỗ là tự quản tại chỗ.

Theo ông, cũng cần thiết nhưng thực tế nội dung này đã bao hàm trong 4 tại chỗ.

“Mệnh lệnh từ trái tim”

Theo các vị khách mời, lực lượng vũ trang, cụ thể là Quân khu 5, Vùng 3 Hải quân, Sư đoàn Không quân 372 đều đã tăng cường trang bị nhân lực, vật lực cho công tác này.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, trong mùa mưa bão năm nay, Sư đoàn 372 tiếp nhận quản lý sân bay Phú Cát và được trang bị thêm 2 trực thăng cứu hộ cứu nạn. “Khi có mưa bão, luôn có máy bay trực sẵn tại sân bay Phú Cát”, ông nói.

Đối với Vùng 3 Hải quân, theo ông Ngô Sỹ Quyết, trước mùa mưa bão, đơn vị đã rà soát lại các phương án phòng chống, bổ sung các biện pháp mới, tăng cường tàu thuyền chịu được sóng gió. “Đây là lực lượng sau cùng làm nhiệm vụ kiểm tra, thông báo các phương tiện về bến trú tránh đồng thời ứng cứu ngư dân vì lý do nào đó, không thể ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão”, ông cho biết.

Biện pháp nâng cấp, tăng cường trang thiết bị cũng được ông Nguyễn Quy Nhơn đồng tình. Ông cho biết thêm, việc bố trí phương tiện phù hợp với điều kiện từng khu vực cũng hết sức quan trọng. Ông nêu ví dụ về trận lụt năm 1999, 1 thuyền nhôm máy đẩy với 3 chiến sỹ (gồm 1 chiến sĩ lái thuyền) có thể cứu vớt 200 người trong một đêm.

Bên cạnh trang thiết bị, yếu tố con người hết sức quan trọng. Theo ông Ngô Sỹ Quyết, lực lượng quân đội có đội ngũ cán bộ, chiến sỹ được đào tạo bài bản, phẩm chất, tinh thần xả thân, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh. Đây luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống cứu nạn. Họ thực hiện nhiệm vụ không chỉ là mệnh lệnh từ cấp trên mà còn là “mệnh lệnh trái tim”.

Cứu người là trên hết

Vấn đề chi phí đối với cứu hộ cứu nạn cũng được nhiều người quan tâm. Thông thường, công tác cứu nạn được Nhà nước hỗ trợ chi phí, cứu hộ thì thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, các vị khách mời của chương trình cho biết,  khi thiên tai, cứu người là trên hết.

Ông Văn Phú Chính nói, Nhà nước có quy định cụ thể về tài chính đối với các phương tiện tham gia cứu hộ cứu nạn. Theo ông, thực tế thì gần như cứu nạn là chính. Khi thiên tai, tinh thần là Nhà nước hỗ trợ toàn bộ.

Ngay cả việc chở hàng cho đồng bào gặp nạn cũng được hỗ trợ. Có bạn đọc hỏi, nếu doanh nghiệp muốn chở hàng cứu trợ bằng trực thăng thì có phải trả phí, ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định là “miễn phí”.

“Cứu trợ đồng bào cũng là nhiệm vụ của lực lượng quân đội. Chúng tôi sẵn sàng chở hàng đến cho bà con”, ông Nguyễn Văn Thọ nói. Tuy nhiên, cứu trợ bằng phương tiện này cũng cần tính toán các điều kiện như nơi tiếp nhận thế nào, có cần gấp hay không, đã nhận được cứu trợ của các đơn vị khác hay chưa… 

Quan tâm phòng chống cả gió mùa đông bắc

Ông Văn Phú Chính cho biết, Chính phủ có nhiều chính sách quan tâm hơn tới công tác phòng chống thiên tai đối với khu vực miền Trung. Sau lũ lớn tại miền Trung năm 1999, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình như chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, nâng cấp đề biển, xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền, đề án phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng, nâng cao tiêu chuẩn các công trình phòng chống như tiêu chuẩn TCXDVN 285:2002 về thiết kế hồ chứa...

Về bão, đã có sự thay đổi cơ bản về quy chế báo bão, áp thấp nhiệt đới. Trước đây, chúng ta chỉ báo khi bão vào gần bờ nhưng hiện nay, đã cảnh báo từ xa, cảnh báo sớm, ngay khi bão xuất hiện từ Philippines.

“Về thông tin báo bão, thời lượng đã dài hơn, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu hơn, đối tượng cụ thể hơn và quan tâm trước hết tới đối tượng xa, tức là tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, quản lý tàu thuyền chặt chẽ, tốt hơn”, ông Chính nhấn mạnh. “Cho nên, mấy năm qua, dù có nhiều cơn bão đổ bộ vào Việt Nam, nhưng thiệt hại về tàu thuyền và con người trên tàu rất ít”.

Có bạn đọc đặt vấn đề, khi công tác dự báo được đổi mới, sự chuẩn bị ứng phó các cơn bão rất tốt,  tuy nhiên, có trường hợp, thiệt hại do gió mùa đông bắc còn lớn hơn cả bão. Phải chăng ảnh hưởng của gió mùa đông bắc không được xem trọng như bão?

Ông Văn Phú Chính thừa nhận thực tế, có trường hợp gió mùa đông bắc mạnh tới cấp 9, gây nhiều hư hại cho tàu thuyền. Theo ông, vừa qua, đã có sự quan tâm hơn trong công tác phòng chống hiện tượng thời tiết này. Sắp tới đây, khi soạn thảo Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, về phạm vi điều chỉnh, có đề cập tới gió mùa. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều chỉ đạo, công điện ứng phó kịp thời trước gió mùa.

Phối hợp và tổ chức bộ máy là mấu chốt

Đề xuất biện pháp mấu chốt để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, các đại biểu đều đề cập tới sự phối hợp giữa các lực lượng và tổ chức bộ máy.

“Việc phối hợp hết sức quan trọng”, Đại tá Nguyễn Văn Thọ khẳng định, “bên cạnh đó, cần luyện tập thường xuyên, thuần thục các phương án phòng chống”.

Theo Đại tá Ngô Sỹ Quyết, cần tổ chức thông tin tốt hơn, bố trí lực lượng nhanh chóng hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn đề cập tới vấn đề tổ chức bộ máy, vấn đề nhân lực. “Theo tôi, ở cấp Quân khu, cần thành lập phòng cứu hộ cứu nạn”, ông Nguyễn Quy Nhơn nói. Hiện mới có ban cứu hộ cứu nạn thuộc Phòng tác chiến. Ở cấp tỉnh, cần bố trí cán bộ chuyên trách này bởi công tác phòng chống cứu nạn rất rộng gồm lập phương án, huấn luyện, kiểm tra…

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, cần thành lập Trung tâm cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản về con người, trang thiết bị.

Ông Văn Phú Chính nhất trí, công tác tổ chức bộ máy rất cần thiết. “Chúng ta cần chuyên nghiệp hóa bộ phận tham mưu phòng chống lụt bão. Hiện nay, cán bộ của bộ phận này chủ yếu là kiêm nhiệm”, ông Chính nói.

Ông Văn Phú Chính cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan đang soạn thảo dự Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, trong đó, có đề cập đến vấn đề này.

 Theo www.chinhphu.vn

Ý kiến góp ý: