Từ trận “đại hồng thủy” hoành hành tại Thái Lan: Nghĩ về lũ lụt ở Hà Nội
14/11/2011Thái Lan, đất nước láng giềng gần gũi của Việt Nam đang phải đối mặt với đợt lũ lịch sử. Một biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế và xã hội ở Thái Lan khiến chúng ta phải nghĩ đến việc xây dựng chương trình phòng chống thiên tai tại Thủ độ Hà Nội, bởi Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan về khí hậu, địa hình và điều kiện tự nhiên.
Thủ đô Hà Nội với địa bàn rộng, địa hình đa dạng, phức tạp, hệ thống sông ngòi hồ đập nhiều. Thành phố có 5 con sông chính chảy qua gồm sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu và sông Cà Lồ. Ngoài ra còn hệ thống các sông nội địa như sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà. Cùng với các con sông là hệ thống công trình phòng lũ bao gồm 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 470km. Các tuyến đê chống lũ của thành phố đã được thiết kế bảo đảm chống lũ 500 năm (tần suất 0,2%).
Thực tế, liên hệ với Thái Lan trong trận "đại hồng thủy" vừa qua, để tiêu thoát nước cho trung tâm thủ đô Bangkok, Chính phủ Thái Lan quyết định mở các điểm xả lũ nhằm tiêu thoát lũ nhanh ra biển, chấp nhận hy sinh một số khu vực. Khi đó đã vấp phải sự phản đối khá quyết liệt của người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng, chống lại sự điều hành của Chính phủ. Trực tiếp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã phải xuống giải thích và thương lượng với người dân. Trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng" thì những việc như vậy cũng gây nhiều khó khăn cho quá trình đối phó với thiên tai.
Đối với Hà Nội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2011/NĐ-CP bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng. Tuy nhiên, vẫn duy trì đưa vào sông Đáy lưu lượng 2.500m3/s để bảo vệ an toàn cho Thủ đô trong trường hợp xuất hiện lũ lịch sử hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều nội thành Hà Nội.
Từ việc ngập lụt ở Thái Lan, chúng ta thấy trong trường hợp lũ lụt vượt mức lịch sử, quá khả năng chống đỡ của các công trình phòng chống lũ, các tuyến phòng lũ đều bị xuyên thủng. Việc tạo ra các lớp đê bao bảo vệ cho khu vực trung tâm, vùng lõi của Thủ đô bao gồm bốn quận khu vực nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) trước đây đã có tuyến đê bao Trần Khát Chân - La Thành-Bưởi-Hoàng Hoa Thám và xa hơn là tuyến đê tả Đáy. Tuy nhiên chúng ta cũng nên xem xét tạo ra những lớp đê bảo vệ cho vùng lõi của Thủ đô, nơi có các cơ quan đầu não, trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước để bảo đảm độ an toàn cao khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệc là khi xảy ra úng ngập cần khoanh vùng bơm tiêu, ưu tiên tiêu cho khu vực nội thành, khu dân cư, khu công nghiệp để không bị lúng túng trong xử lý khi xảy ra ngập úng nặng. Để tăng cường năng lực tiêu thoát nước cho thành phố cũng cần sớm hoàn thành giai đoạn 2 Dự án thoát nước Hà Nội; xây dựng cụm công trình đầu mối cống Liên Mạc; nâng cấp, cải tạo, nạo vét trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường Vành đai 4; xây dựng trạm bơm tiêu: Yên Nghĩa, Yên Thái, Đông Mỹ… theo Quy hoạch sông Nhuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 01/7/2009.
Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều Hà Nội.
Theo Báo Hà nội mới
Ý kiến góp ý: