Ứng dụng công nghệ giám sát và dự báo hạn hán trong công tác quản lý, ứng phó với khô hạn ở Việt Nam
18/06/2019Ngày 10/4/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Phòng tránh thiên tai Châu Á, USAID và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ giám sát và dự báo hạn hán trong công tác quản lý, ứng phó với khô hạn ở Việt Nam” dưới sự đồng ý của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tham dự Hội thảo có Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các Vụ, Viện, các nhà nghiên cứu cùng các đại diện của địa phương Ninh Thuận, Đắk Lắk.
Hội thảo do Ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ông Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Ông Farrukh Chishtie - Đại diện Trung tâm Phòng chống thiên tai Châu Á - ADPC chủ trì.
Ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Hội thảo
Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu bộ công cụ giám sát hạn hán, quản lý tài nguyên nước hiệu quả đã được hợp tác xây dựng giữa ADPC và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam để áp dụng tới từng địa phương và khu vực; Chia sẻ thông tin để hoàn chỉnh bộ công cụ giám sát và dự báo hạn hán theo hướng tiếp cận mới; Tìm hiểu nhu cầu thực tế từ người dân, địa phương và quốc gia trong việc áp dụng công nghệ mới để giám sát hạn hán, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Đồng chủ trì Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã chia sẻ thông tin về công tác nâng cao năng lực chuyên ngành cho các cán bộ nghiên cứu của Viện đang thực hiện.
Với phương pháp tiếp cận mới trong quản lý hạn hán, theo khung Sendai, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp quản lý rủi ro hạn hán bằng việc xây dựng kịch bản chủ động ứng phó và giảm nhẹ thiên tai.
Với mỗi phân loại hạn hán (hạn khí tượng, hạn nông nghiệp, hạn thủy văn), nhóm nghiên cứu đã đưa ra các chỉ số phù hợp để có được cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu phát triển công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc quản lý thiên tai phục vụ nông nghiệp, dân sinh và kinh tế xã hội.
Đức Trinh, Hạnh Chi
Ý kiến góp ý: