Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất giống lợn
06/05/2015Bài báo giới thiệu về tính năng kỹ thuật, quy mô, phạm vi ứng dụng và hiệu quả sử dụng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs phiên bản 1.0. Đây là sản phẩm khoa học do Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm và kiểm định Giống vật nuôi, Thức ăn chăn nuôi và Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tỉnh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) Nghiên cứu và xây dựng.
Ứng dụng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs 1.0 sẽ giúp các cơ sở chăn nuôi quản lý được số lượng, chất lượng đàn lợn giống, theo dõi kết quả sản xuất hàng ngày, lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi công tác thú y, thức ăn chăn nuôi,… từ đó góp nâng cao năng xuất, chất lượng sản lợn giống của đơn vị.
I. LỜI NÓI ĐẦU
Hiện nay cả nước có khoảng 140 cơ sở nuôi lợn giống cụ kỵ và giống ông bà, nuôi giữ 321 ngàn con lợn giống, trong đó đàn nái cụ kỵ giống ngoại có khoảng 8 ngàn con. Trong đó có 9 cơ sở nuôi giữ lợn giống gốc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý với khoảng 1.6 ngàn con nái giống cụ kỵ, 1.7 ngàn con nái giống ông bà, tương ứng chiếm 20% và 0,6% tổng đàn cụ kỵ và đàn ông bà trong cả nước. Về sản xuất lợn thịt, cả nước có khoảng 8.500 trang trại chăn nuôi cung cấp sản lượng thịt lợn chiếm 45% nhu cầu về thịt lợn (quy mô nông hộ cung cấp cho thị trường khoảng 55% nhu cầu thịt lợn). Thực tế, trong những năm gần đây một số lợn giống được bán trên thị trường có chất lượng kém gây thiệt hại cho người chăn nuôi nói riêng, chăn nuôi lợn nói chung.
Những năm gần đây việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế xã hội đã thu được kết quả tốt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả quản lý. Trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng cũng vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trong sản xuất lợn giống, theo thống kê hiện nay đã có một số sản phẩm phần mềm trong nước và nước ngoài được ứng dụng như phần mềm Vietpig (Viện Chăn nuôi), phần mềm Herdsman (Canada), Pigchamp (Mỹ), Easy care (Anh), Pigmania (Australia), Porcitec (Tây ban nha), Farmhand Porkmanager Version 2.0 (Canada), Swine Herd Management,… Việc áp dụng các phần mềm để quản lý sản xuất lợn giống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất lợn giống của các cơ sở. Mỗi phần mềm đều có những thế mạnh riêng. Đối với các phần mềm của nước ngoài còn một số bất cập như ngôn ngữ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất lợn giống của Việt Nam, chi phí mua phần mềm cao,…
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công tác quản lý sản xuất lợn giống hiện nay, Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm và Kiểm định Giống vật nuôi, Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tỉnh, cùng một số cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cùng hợp tác nghiên cứu xây dựng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs. Đây sẽ là một lựa chọn cho các cơ sở sản xuất lợn giống để quản lý sản xuất lợn giống của cơ sở. Phần mềm này được xây dựng dựa trên các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, ngôn ngữ tiếng Việt, giao diện web, dễ sử dụng. Phần mềm quản lý lợn giống MPigs được nghiên cứu dựa trên sự tham khảo một số phần mềm trong nước và nước ngoài, tuân theo một số Tiêu chuẩn Việt Nam và Quyết định số 2489/QĐ-BNN-CN ngày 16/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc. Hiện nay, Phần mềm này được Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi do Bộ quản lý áp dụng.
II. CÁC CHỨC NĂNG CỦA PHẦN MỀM QUẢN LÝ LỢN GIỐNG MPIGS
Để giúp lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của các cơ sở sản xuất lợn giống quản lý, chỉ đạo sản xuất, Phần mềm quản lý lợn giống MPigs phiên bản 2.0 có các chức năng sau:
1. Chức năng Cảnh báo sản xuất
Chức năng cảnh báo sản xuất cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình sản xuất của cơ sở cho lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật nắm bắt được hiện trạng và kết quả sản xuất lợn giống của cơ sở để có chỉ đạo kịp thời. Thông tin cảnh báo sản xuất bao gồm:
- Danh sách nái cần khám thai lần 1, cần khám thai lần 2, danh sách nái quá ngày khám thai lần 1, khám thai lần 2;
- Danh sách nái cần cai sữa và quá ngày cai sữa;
- Danh sách nái dự kiến đẻ;
- Danh sách nái chờ phối, nái quá ngày phối giống;
- Danh sách năng suất kém (Nái phối nhiều lần không đậu, nái đẻ ít con, đực phối không cho kết quả, nái nuôi con kém - tỷ lệ cai sữa thấp,…).
Tùy theo điều kiện, đặc điểm của mỗi cơ sở mà cơ sở có thể thiết lập các thông số cảnh báo cho phù hợp. Mỗi cơ sở có thể thiết lập số ngày phối giống sau cai sữa, số ngày cảnh báo trước phối giống, ngày cảnh báo khám thai lần 1, lần 2, ngày cảnh báo nái sắp đẻ, số lần nái phối không đậu, số lượng con đẻ ra còn sống trên một ổ,… Căn cứ vào các thông số này Phần mềm quản lý lợn giống MPigs cảnh báo tình trạng sản xuất lợn giống theo các màu sắc khác nhau (màu đỏ cảnh báo quá hạn, màu xanh cảnh báo đến hạn),…
Ngoài ra, Phần mềm còn cảnh báo về công tác tiêm phòng dịch bệnh của cơ sở như: cảnh báo danh sách đàn chưa được tiêm phòng theo ngày tuổi, theo chuồng nuôi, theo loại bệnh và theo loại vacxin sử dụng,…
2. Chức năng Cập nhật số liệu sản xuất hàng ngày
Chức năng cập nhật số liệu sản xuất cho phép cán bộ kỹ thuật có thể cập nhật, sửa chữa các số liệu sản xuất hàng ngày. Trong Phần mềm quản lý lợn giống MPigs, các số liệu cần cập nhật đã được nghiên cứu giúp người sử dụng thao tác cập nhật dữ liệu là ít nhất, các số liệu đều được kiểm tra sự có liên quan, giàng buộc nhau nhằm tránh việc nhập dữ liệu sai, dữ liệu dư thừa. Ví dụ số liệu ngày sinh của con con được lấy từ số liệu ngày đẻ của con mẹ (người sử dụng không được sửa chữa, thay đổi ngày sinh của các con con), số liệu về giống của con con được lấy từ giống của mẹ; Ngày khám thai lần 2 không thể trước ngày khám thai lần 1, ngày khám thai lần 1 không thể trước ngày phối giống, không thể cập nhật số liệu khám thai cho nái chưa phối, ngày cai sữa không thể trước ngày đẻ,… Các số liệu do người cập nhật vào phần mềm được Phần mềm kiểm tra tính hợp lệ, logic. Người sử dụng không thể thay đổi các thông tin cho một cá thể được sinh trong đàn như số hiệu bố/mẹ/ông/bà, nguồn gốc,… Ngoài ra, để tránh sai sót trong quá trình nhập dữ liệu, phần mềm tự động chuyển trạng thái sản xuất trong đàn. Ví dụ như không thể cập nhật số liệu khám thai lần 1 cho nái chưa được phối giống, cập nhật số liệu sinh sản khi chưa cập nhật số liệu khám thai lần 2 (có kết quả), cập nhật số liệu cai sữa khi chưa cập nhật số liệu sinh sản (đẻ).
Ngoài ra, để phục vụ cho một số mục đích khác nhau như đánh giá giá trị giống, một số số liệu được cập nhật được hệ thống tự động hiệu chỉnh theo Phương pháp hiệu chỉnh NSIF (National Swine Improvement Federation, United States, 2002) như hiệu chỉnh số con sơ sinh sống/ổ theo lứa đẻ, hiệu chỉnh khối lượng 21 ngày/lứa, hiệu chỉnh ngày tuổi đạt khối lượng 90 kg và hiệu chỉnh độ dày mỡ lưng ở 90 kg.
Hàng ngày, cán bộ kỹ thuật có thể cập nhật, sửa chữa các số liệu sản xuất bao gồm số liệu nhập đàn, số liệu phối giống, số liệu khám thai, số liệu sinh sản, số liệu cai sữa, số liệu sơ tuyển, kiểm tra năng suất, số liệu chọn hậu bị thay đàn, số liệu ghép nuôi con, số liệu bán giống, số liệu loại thải, số liệu tiêm phòng, số liệu sử dụng thuốc thú y và số liệu theo dõi sử dụng thức ăn,…
Để thuận tiện cho cán bộ kỹ thuật theo dõi, cập nhật, sửa chữa số liệu, Phần mềm được thiết kế thành nhiều module khác nhau, mỗi module quản lý, cập nhật số liệu ứng với một trạng thái, đàn của cơ sở:
- Toàn đàn (quản lý số liệu của toàn đàn);
- Đàn nái (theo dõi, quản lý số liệu đàn nái);
- Đàn đực (theo dõi, quản lý số liệu đàn đực);
- Đàn con theo mẹ (theo dõi, quản lý số liệu đàn con theo mẹ-chưa cai sữa);
- Đàn con sau cai sữa (theo dõi, quản lý số liệu đàn con theo mẹ-chưa cai sữa);
- Hậu bị sơ tuyển (theo dõi, quản lý số liệu chọn hậu bị, sơ tuyển);
- Kiểm tra năng suất (theo dõi, quản lý số liệu kiểm tra năng suất cá thể);
- Hậu bị thay đàn (theo dõi, quản lý số liệu chọn hậu bị thay đàn);
- Đàn nuôi thịt (theo dõi, quản lý số liệu đàn nuôi thịt);
- Phối giống (theo dõi, quản lý số liệu phối giống);
- Khám thai (theo dõi, quản lý số liệu khám thai lần 1, khám thai lần 2);
- Quản lý nái chửa (theo dõi, quản lý số liệu nái chửa, xảy thai);
- Nái sinh sản (nái nuôi con) (theo dõi, quản lý số liệu sinh sản);
- Cai sữa (theo dõi, quản lý số liệu cai sữa, ghép nuôi con);
- Xuất bán giống (theo dõi, quản lý số liệu xuất bán giống, in phiếu giống);
- Chết và loại thải (theo dõi, quản lý số liệu chết và loại thải trong đàn).
Một điểm mạnh của Phần mềm quản lý lợn giống MPigs là tính kế thừa và liên kết dữ liệu giữa các cơ sở chăn nuôi cùng sử dụng phần mềm với nhau. Khi một cơ sở chăn nuôi nhập một cá thể từ một cơ sở chăn nuôi khác (cùng sử dụng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs), các số liệu của cá thể này được tự động cập nhật cho cơ sở chăn nuôi mua cá thể đó. Điều này rất có ý nghĩa trọng nhất là đánh giá giá trị giống.
3. Chức năng Theo dõi hàng ngày
Chức năng theo dõi hàng ngày giúp lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật nắm bắt được một số thông tin về tình hình sản xuất hàng ngày của cơ sở từ đó bố trí lao động, nhân lực cho sản xuất phù hợp.
Chức năng theo dõi hàng ngày bao gồm các module sau:
- Danh sách nái dự kiến đẻ;
- Danh sách Khám thai lần 1;
- Danh sách Khám thai lần 2;
- Danh sách Nái dự kiến cai sữa
- Danh sách Nái chờ phối giống;
- Danh sách Bán giống;
- Danh sách Loại/Chết.
Từ các module trong chức năng theo dõi hàng ngày, cán bộ kỹ thuật có thể in danh sách cho cán bộ kỹ thuật thu thập và ghi dữ liệu để nhập vào phần mềm.
4. Chức năng Tổng hợp, báo cáo, thống kê
Chức năng tổng hợp báo cáo thống kê cho phép các cơ sở sản xuất tổng hợp, thống kê kết quả sản xuất theo nhiều yêu cầu, biểu bảng khác nhau phục vụ cho quản lý, theo dõi sản xuất và theo yêu cầu của Cục Chăn nuôi. Tổng số có khoảng 40 biểu mẫu thống kê khác nhau và được chia thành các nhóm: Các biểu mẫu thống kê kết quả sản xuất lợn nái, lợn đực, các biểu mẫu thống kê về công tác thú y, các biểu mẫu thống kê về sử dụng thức ăn,.. Các cơ sở có thể tổng hợp, báo cáo cho từng cá thể hoặc cho toàn đàn, tổng hợp theo từng cấp giống, từng giống và tổng hợp trong một khoảng thời gian nhất định. Trong một số biểu mẫu thống kê, một số tiêu chí được so sánh với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo Quyết định số 2489/QĐ-BNN-CN ngày 16/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc.
Dưới đây là một số biểu mẫu thống kê báo cáo:
(1) Xem chi tiết lý lịch của từng cá thể (nái, đực):
- Đối với cá thể là Đực: Thông tin lý lịch bao gồm Số tai/số hiệu, giống, nguồn gốc, thông tin huyết thống (bố/mẹ, ông bà nội ngoại), kết quả sinh trưởng, kiểm tra năng suất, kết quả kiểm tra tinh dịch, kết quả phối giống, sinh sản;
- Đối với cá thể là Nái: Thông tin lý lịch bao gồm Số tai/số hiệu, giống, nguồn gốc, thông tin huyết thống (bố/mẹ, ông bà nội ngoại), hiện trạng sử dụng, (hậu bị, đang chờ phối, chửa, nuôi con, lứa đẻ đối); tuổi đẻ lứa đầu, lứa đẻ, quá trình phối giống, kết quả sinh sản, kết quả sản xuất theo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hệ phả, theo dõi phòng trị bệnh, sử dụng thức ăn,…
(2) Bảng tổng hợp chu chuyển đàn;
(3) Tổng hợp cơ cấu đàn theo từng giống, từng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác nhau.
(4) Tổng hợp kết quả sản xuất giống theo các tháng cho từng cấp giống, từng giống;
(5) Danh sách đàn nái cuối kỳ, đàn nái tăng trong kỳ, đàn nái giảm trong kỳ;
(6) Danh sách đàn đực cuối kỳ, đàn đực tăng trong kỳ, đàn đực giảm trong kỳ;
(7) Tổng hợp kết quả sinh sản của lợn đực;
(8) Tổng hợp kết quả sinh sản của lợn nái;
(9) Kết quả kiểm tra năng xuất, sinh trưởng lợn đực;
(10) Báo cáo chết/loại thải hàng tháng;
(11) Báo cáo kết quả xuất bán giống;
(10) Báo cáo theo dõi khấu hao đàn nái, đàn đực,…
5. Chức năng Chu chuyển đàn (lập kế hoạch sản xuất)
Chức năng chu chuyển đàn cho phép cơ sở sản xuất lập kế hoạch sản xuất cho các chu kỳ tiếp theo (tháng, năm). Các cơ sở sử dụng chức năng này nhằm: (1) Xác định được kết quả sản xuất của cơ sở trong các tháng tiếp theo dựa trên số liệu sản xuất thực tế của cơ sở; (2) Xây dựng kế hoạch sản xuất theo những mục tiêu khác nhau như tổng số lợn giống có thể bán, tổng số lợn thịt,… từ đó có kế hoạch về kinh phí, chuồng trại, nhân lực,… nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra. Các cơ sở sản xuất có thể lập bảng chu chuyển cho ba đàn gồm: (1) Đàn nái hậu bị giống Landrac, Yorkshire, (2) Đàn đực hậu bị giống Landrace Duroc và (3) Đàn lợn thịt giống Landrac, Yorkshire.
Căn cứ vào hệ số chu chuyển thực tế của cơ sở đối với ba đàn ở trên cho các chỉ tiêu khác nhau (Tỷ lệ con sơ sinh sống/ổ, tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa, tỷ lệ nuôi sống giai đoạn 2 đến 3 tháng tuổi, tỷ lệ mang thai thành công, tỷ lệ phối giống có kết quả và tỷ lệ chọn nái hậu bị) và số lượng nái hậu bị được bổ sung thay đàn hàng tháng, Phần mềm quản lý lợn giống MPigs tự động tính toán kết quả sản xuất các tháng tiếp theo và cuối chu kỳ bao gồm: Tổng số nái hậu bị chờ phối, số nái chửa 1-30 ngày, nái chửa 30-60 ngày và nái chửa lớn hơn 90 ngày, tổng số nái nuôi con, tổng số lợn con theo mẹ, lợn con cai sữa, tổng số đực hậu bị 4 tháng tuổi, 5 tháng tuổi, 6 tháng tuổi,… tổng số đực hậu bị có thể bán giống, tổng số lợn bán thịt từ 3-4 tháng tuổi (tương đương 50kg), 4-6 tháng tuổi (tương đương 70-75kg), lợn thịt từ 6 tháng tuổi trở lên (tương đương 90-100kg),…
6. Chức năng kết xuất số liệu để đánh giá giá trị giống cho phần mềm PEST
Các số liệu được các cơ sở cập nhật hàng ngày phục vụ công tác sản xuất hàng ngày của cơ sở. Khi số liệu được quản lý và cập nhật qua nhiều năm, cơ sở có thể sử dụng số liệu này để xác định giá trị giống của cơ sở. Hiện nay, ở Việt Nam một số cơ sở nghiên cứu, sản xuất lợn giống sử dụng các phần mềm như Herdsman phiên bản kim cương (Canada), PIGBLUP (Australia), Pest (Đức) để xác định giá trị giống. Qua tìm hiểu cho thấy có nhiều chuyên gia di truyền sử dụng phần mềm PEST của Đức để xác định giá trị giống. Do vậy, chức năng này có nhiệm vụ kết xuất dữ liệu của cơ sở (sau khi đã được hiệu chỉnh theo phương pháp NSIF) ra tệp số liệu đầu cho của phần mềm PEST để đánh giá giá trị giống và nhận kết quả là giá trị giống của từng cá thể từ phần mềm PEST vào Phần mềm quản lý lợn giống MPigs. Việc xuất dữ liệu ra tệp đào vào của phần mềm PEST và nhận kết quả là giá trị giống từ phần mềm PEST được hoàn toàn tự động thông qua một mã cơ sở được tự động tạo trong tệp số liệu. Điều này sẽ tránh được tình trạng nhầm lẫn số liệu của cơ sở này với các cơ sở khác. Chức năng xuất dữ liệu đánh giá giá trị giống có các module sau:
- Module xuất dữ liệu để đánh giá.
- Dữ liệu yêu cầu đánh giá.
- Kết quả đánh giá giá trị giống.
- Giá trị giống của cơ sở.
Sau khi có giá trị giống của cơ sở, giá trị này sẽ được điền tự động trong phiếu giống khi bán giống ra thị trường.
7. Chức năng Công tác Thú y
Chức năng này cho phép cơ sở chăn nuôi quản lý và theo dõi tình hình tiêm phòng, xét nghiệm và điều trị bệnh. Chức năng thú y có ba module: Tiêm phòng, Xét nghiệm và Điều trị bệnh.
(1) Công tác tiêm phòng bệnh, các cơ sở có thể khai báo và cập nhật quy trình tiêm phòng vào hệ thống, hệ thống sẽ tự động lập danh sách đàn cần tiêm phòng cho từng giai đoạn lợn (lợn con theo mẹ, lợn con cai sữa, lợn nái, đực,... theo ngày tuổi) và theo từng loại vacxin sử dụng; danh sách đàn chưa tiêm, đã tiêm,...
(2) Xét nghiệm: Quản lý và nhập số liệu kết quả xét nghiệm;
(3) Điều trị: Quản lý và nhập số liệu điều trị bệnh.
8. Chức năng in và quản lý Phiếu giống
Khi cơ sở sản xuất bán giống ra thị trường, cơ sở có thể in trực tiếp từ phần mềm Phiếu giống (theo mẫu chung hoặc chỉnh sửa phù hợp với cơ sở). Phiếu giống này được tự động điền đầy đủ các thông tin như số tai/số hiệu, giống, cấp giống, số tai bố/mẹ, các thông tin khác như khách hàng, giá bán, khối lượng khi bán, chỉ số SPI, TSI và MLI,… Phiếu giống gồm hai phần, một khách hàng giữa và một cơ sở quản lý.
9. Một số chức năng khác
Để giúp cơ sở sản xuất thuận tiện trong sử dụng, Phần mềm quản lý lợn giống MPigs còn có một số chức năng như quản lý danh mục giống của cơ sở (các giống lợn cơ sở có), khai báo ghép đôi giao phối giữa các giống, quản lý phân quyền người sử dụng của cơ sở, quản lý danh sách khách hàng mua giống (họ tên, địa chỉ, đoạn thoại,….), quản lý danh sách các nguồn gốc mua giống,…
III. KẾT QUẢ VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ LỢN GIỐNG MPIGS 2.0
Sau giai đoạn vận hành thử nghiệm, đầu tháng 6 năm 2013 sau khi giới thiệu tại Hội thảo do Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Phú Quốc ngày 10-11/5 năm 2013 đến nay đã có 10 cơ sở sản xuất lợn giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng bao gồm:
(1) Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (trại Thụy Phương, trại Tam Điệp, trại Hòa Bình);
(2) Công Ty TNHH Lợn giống ngoại Thái Dương;
(3) Công ty cổ phần Chăn nuôi Miền Trung;
(4) Xí nghiệp Lợn giống Triệu Hải (thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi Miền Trung);
(5) Trung tâm Huấn luyện chăn nuôi Bình Thắng;
(6) Xí nghiệp Lợn giống ngoại Tam Đảo;
(7) Công ty chăn nuôi Mỹ Văn;
(8) Công ty Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao;
(9) Trung tâm Giống lợn chất lượng cao (Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội);
(10) Công ty Giống cây trồng vật nuôi Đông Triều.
Và một số Trung tâm giống, trại giống đăng ký sử dụng như Trung tâm giống vật nuôi Bình Định, Trại Chăn nuôi gia súc Lái Thiêu.
Ngoài một số cơ sở sản xuất lợn giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang sử dụng, phần mềm này có thể sử dụng cho các Trung tâm giống của 63 tỉnh thành, các cơ sản xuất giống của các địa phương. Do giải pháp kỹ thuật xây dựng hệ thống là công nghệ tiên tiến, Phần mềm quản lý lợn giống MPigs chạy trên nền Web, cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung nên việc triển khai mở rộng phạm vi sử dụng hệ thống thuận tiện, đơn giản với chi phí rất thấp, dễ dàng nâng cấp, mở rộng. Các cơ sở sản xuất lợn giống chỉ cần đăng kí tài khoản để sử dụng qua mạng và không phải cài đặt phần mềm vào máy tính.
IV. HIỆU QUẨ KT-XH KHI ỨNG DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ GIỐNG LỢN MPIG
Phần mềm quản lý lợn giống MPigs phiên bản 1.0 là công cụ giúp các cơ sở sản xuất lợn giống quản lý và theo dõi kết quả sản xuất của cơ sở hàng ngày; Đồng thời giúp các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát chất lượng lợn giống. Do vậy không thể lượng hóa hiệu được quả kinh tế của Phần mềm này bằng tiền. Nếu Phần mềm quản lý lợn giống MPigs được áp dụng trong phạm vi toàn quốc bao gồm các cơ sở sản xuất lợn giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, các Trung tâm giống các tỉnh, các cơ sở sản xuất lợn giống khác thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế sau:
1) Đối với cơ quan quản lý như Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh
Quản lý và theo dõi được số lượng, chất lượng lợn giống được sản xuất trong toàn quốc và của từng tỉnh; Kiểm soát được chất lượng giống bán ra thị trường của các cơ sở dựa vào phiếu giống kèm theo giống bán ra và được lưu trong cơ sở dữ liệu chung (nguồn gốc giống); Dự báo được nhu cầu sản xuất lợn giống, nhu cầu sản xuất lợn thịt,…; Giúp Cục Chăn nuôi định hướng nâng cao chất lượng đàn giống lợn và giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển ngành chăn nuôi lợn.
2) Đối với các Cơ sở sản xuất lợn giống
Là công cụ giúp cơ sở quản lý và theo dõi được kết quả sản xuất lợn giống hàng ngày, nắm bắt và theo dõi được tình hình sản xuất của đơn vị, nhờ có đầy đủ thông tin mà công tác chỉ đạo sản xuất được kịp thời, có kế hoạch sản xuất; Nâng cao chất lượng sản xuất lợn giống của cơ sở; Góp phần giảm thời gian, lao động, chi phí quản lý sản xuất,…
3) Đối với người chăn nuôi
Nhờ có Phần mềm quản lý lợn giống được sử dụng chung trong toàn quốc, người chăn nuôi có thể lựa chọn giống của các cơ sở sản xuất khác nhau, tìm hiểu thông tin và quy trình chăn nuôi về giống đã mua. Ngoài ra người chăn nuôi có thể kiểm tra chất lượng giống đã mua dựa vào phiếu giống kèm theo khi mua giống trên thị trường.
Đây chỉ là hiệu quả bước đầu khi ứng dụng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sự tham gia của các Trung tâm giống các tỉnh, các Cơ sở sản xuất lợn giống trong toàn quốc, từ đó hình thành cơ sở dữ liệu chung trong toàn quốc về lợn giống. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu rất có giá trị phục vụ các mục tiêu của ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng. Từ cơ sở dữ liệu này có thể sử dụng cho một số mục đích khác như dự báo nhu cầu và sản lượng thịt hàng năm, đánh giá tình hình phòng trừ dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi lợn và giúp nhà nước định hướng đầu tư trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
V. KẾT LUẬN
Phần mềm quản lý lợn giống MPigs phiên bản 1.0 là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) với Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm và Kiểm định giống vật nuôi, Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi), một số cán bộ khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi của Cục Chăn nuôi; Một số cán bộ quản lý, kỹ thuật các Cơ sở sản xuất lợn giống. Sản phẩm này được nghiên cứu dựa trên cơ sở tham khảo và kế thừa một số sản phẩm phần mềm tương tự trong nước như phần mềm VietPig của Viện Chăn nuôi, phần mềm PigMania, Hardsman, PEST,…;
Phần mềm quản lý lợn giống MPigs được xây dựng dựa trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giao diện web, cơ sở dữ liệu quản lý và lưu trữ tập trung nên thuận tiện khi triển khai, áp dụng đại trà cho các cơ sở sản xuất lợn giống trong toàn quốc với chi phí thấp, thời gian triển khai nhanh.
Tuy mới được đưa vào sử dụng chính thức từ giữa năm 2013 cho một số cơ sở chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs đã được một số cơ sở sản xuất lợn giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đón nhận và đánh giá tốt, khắc phục được một số nhược điểm của một số phần mềm trước đây và phần nào đáp ứng được yêu cầu quản lý sản xuất lợn giống của các cơ sở chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể sử dụng Phần mềm quản lý lợn giống MPigs để quản lý, theo dõi kết quả sản xuất lợn giống trong phạm vi toàn quốc, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 63 tỉnh có thể sử dụng để quản lý, theo dõi kết quả sản xuất lợn giống trên địa bàn tỉnh. Nếu Phần mềm quản lý lợn giống MPigs được triển khai trong phạm vi toàn quốc thì sẽ mang lại lợi ích to lớn, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lợn giống nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung./.
Các Trung tâm giống các tỉnh, Cơ sở sản xuất lợn giống có nhu cầu sử dụng, tìm hiểu thêm xin liên hệ:
- Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa chỉ 16 Thụy Khuê, Ba Đình Hà Nội, điện thoại: 04.37345443, Fax: 04.37345444, email cn@mard.gov.vn;
- Phạm Viết Liên, Giám đốc Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và Kiểm định giống vật nuôi, Thức ăn chăn nuôi, điện thoại 0912779962, email lienpv.cn@mard.gov.vn;
- Phạm Văn Quý, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi, điện thoại 0982015298, email: pvqha9@yahoo.com./.
Tác giả: ThS. Phạm Văn Quý, Phạm Viết Liên
BẢN TIN CHĂN NUÔI SỐ 4
Ý kiến góp ý: