TextBody
Huy chương 2

Ứng dụng thành công vật liệu hỗn hợp để gia cố đê biển chịu được nước tràn qua do sóng, triều cường, bão và nước biển dâng

10/05/2016

Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu hỗn hợp để gia cố đê biển chịu được nước tràn qua do sóng, triều cường, bão và nước biển dâng”  thuộc Chương trình cấp Quốc gia, mã số ĐTĐL.2012-T/06 do TS. Nguyễn Thanh Bằng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.

Theo TS. Nguyễn Thanh Bằng cho biết công tác xây dựng, nâng cấp và tu bổ đê điều ở nước ta vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn do kỹ thuật chưa tốt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, kỹ thuật, điều kiện áp dụng...

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu thành công và sử dụng phổ biến vật liệu cát, đá và Bitum bảo vệ mái đê biển.

Vật liệu hỗn hợp Asphalt này có những tính năng ưu việt hơn đó là khả năng chống thấm tốt hơn, khả năng chống xâm thực trong môi trường nước biển tốt hơn nhiều, khả năng biến dạng và đàn hồi tốt, có thể thích ứng một cách mềm dẻo với những biến dạng, hạn chế được những lún sụt, xói lở cục bộ của đê biển, độ bền và tuổi thọ cao hơn nhiều so với vật liệu gia cố của chúng ta trước đây thường dùng là bê tông, bê tông cốt thép.

Vì vậy, theo TS, việc áp dụng vật liệu hỗn hợp này vào Việt Nam là cần thiết để có luận cứ khoa học so sánh cả về ý nghĩa khoa học và thực tiễn về sử dụng loại vật liệu mới này với vật liệu truyền thống đang sử dụng, tiến tới ứng dụng những thành tựu khoa học đó vào điều kiện cụ thể ở nước ta nhằm đảm bảo ổn định và bền vững lâu dài cho đê biển.

Đề tài hướng tới mục tiêu nghiên cứu đề xuất được công nghệ thiết kế, chế tạo, sản xuất, xây lắp và thử nghiệm mẫu lớp bảo vệ đê biển bằng vật liệu hỗn hợp tại hiện trường.

Nhóm thực đề tài đã tập trung triển khai một số nội dung chính như điều tra thu thập, khảo sát bổ sung, phân tích đánh giá hiện trạng đê biển Việt Nam; Nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu hỗn hợp gia cố đê biển; Nghiên cứu phương pháp tính toán các dạng kết cấu vật liệu hỗn hợp phù hợp với đê biển ở từng vùng khác nhau; Nghiên cứu quy trình công nghệ xây dựng đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp; Nghiên cứu thiết kế lớp bảo vệ mái đê cho đoạn đê thử nghiệm hiện trường; Thi công thử nghiệm lớp phủ bảo vệ trên một đoạn  đê biển (B=5-10m; H=3-5m; L=50m; Nghiên cứu quy trình quản lý và sửa chữa.

Một số kết quả chính của Đề tài có thể kể đến đó là (1) Đã nghiên cứu, phân tích đánh giá được thực trạng đê biển, ưu nhược điểm, điều kiện áp dụng của công nghệ đã áp dụng của các giải pháp công nghệ đã áp dụng để bảo vệ đê biển trên thế giới và của Việt Nam; (2) Đã xây dựng được 05 quy trình như quy trình công nghệ sản xuất vật liệu hỗn hợp gia cố lớp bảo vệ đê biển, quy trình công nghệ thiết kế các dạng lớp gia cố đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp, quy trình thi công lớp gia cố đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp, quy trình công nghệ kiểm tra chất lượng thi công vật liệu hỗn hợp, quy trình công nghệ quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa đê biển sử dụng vật liệu hỗn hợp và xây dựng được bộ bản vẽ thiết kế gia cố đoạn đê thử nghiệm bằng vật liệu hỗn hợp;

Đặc biệt đã ứng dụng thành công vật liệu hỗn hợp asphalt chèn trong đá hộc tại đê biển Cồn Tròn - Hải Hậu và được địa phương đánh giá cao.

Qua kết quả ứng dụng này cho thấy việc áp dụng để bảo vệ những đoạn đê xung yếu của Việt Nam mang tính khả thi, hiệu quả kỹ thuật cao, các quy trình xây dựng để áp dụng loại vật liệu này trong điều kiện nước ta là hợp lý, có thể ban hành thành tiêu chuẩn để ứng dụng rộng rãi, TS. Nguyễn Thanh Bằng cho hay.

Đề tài vừa được nghiệm thu chính thức cấp Nhà nước tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vào ngày 9/5/2016 và được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao với số điểm 88,64 điểm.

 

Ý kiến góp ý: