Ứng phó hạn hán: Ninh Thuận cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn
07/04/2015"Hạn hán có thể lặp lại với tần suất dày hơn, nặng nề hơn, do vậy cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Ninh Thuận cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với các loại cây trồng.
Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình hạn hán tại Ninh Thuận, sáng 6/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tiếp tục đi kiểm tra tình hình hạn hán tại một số địa phương phía nam tỉnh Ninh Thuận và có những chỉ đạo cụ thể đối phó với hạn hán.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra thực tế tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, đây là địa phương giáp biển, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Từ Thiện báo cáo: Toàn thôn có 297 hộ, do không có mưa nên toàn bộ giếng đào và giếng khoan đã bị nhiễm mặn nặng không thể sinh hoạt được, cả năm nay mọi gia đình trong thôn đều phải mua nước bình về ăn uống, còn tắm giặt phải dùng nước nhiễm mặn.
Thôn Vụ Bổn, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, những cánh đồng khô cháy không một bóng người, dưới cái nắng cháy da cháy thịt từng đàn cừu đang cố tìm nguồn thức ăn từ những gốc rạ sót lại. Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: Toàn xã có 1.600ha đất lúa và 6.000ha đất màu, do không có nước nên đã phải bỏ sản xuất trong 2 vụ vừa qua, xã cũng đã phải tiến hành cấp gạo cứu đói cho các gia đình chính sách và hộ nghèo.
Bộ trưởng tiếp tục đi kiểm tra hồ chứa nước Bàu Ngứ và hồ Sông Biêu. Các hồ cạn trơ đáy, chỉ còn chút ít phục vụ cho chăn nuôi. Theo báo cáo về tình hình và công tác chống hạn của UBND tỉnh Ninh Thuận: Do không có mưa, hồ đập hết nước nên vụ ĐX toàn tỉnh chỉ gieo trồng được 20.135ha, giảm 6.100ha so với vụ trước. Đến thời điểm hiện tại đã có trên 40ha lúa, 3ha cây ăn quả bị thiệt hại 100%, trên 110ha hoa màu và cây ăn quả bị giảm năng suất 50%, 297 con gia súc bị chết do thiếu thức ăn và nước uống.
Đặc biệt hàng ngàn hộ dân tại hầu hết các huyện trong tỉnh đang bị thiếu nước uống, hàng chục ngàn hộ cần phải hỗ trợ gạo, đến nay tỉnh đã tổ chức hỗ trợ được 511,515 tấn gạo cho 8.346 hộ với 34.873 nhân khẩu. Tình trạng gia súc thiếu nước uống cũng diễn ra tại một số địa phương của huyện Thuận Bắc, Ninh Hải và Ninh Sơn. Do thiếu nước nghiêm trọng, kế hoạch vụ hè thu tỉnh Ninh Thuận chỉ gieo trồng với diện tích 15.257ha, giảm trên 10.000ha so với vụ hè thu trước.
Tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT đầu tư các hồ chứa nước để có khả năng tích nước chống hạn lâu dài, bền vững như: hồ Tân Giang 2, Đập hạ lưu sông Dinh có khả năng ngăn mặn, hồ chứa nước Sông Than, hồ Kiềm Kiền và sửa chữa hồ Sông Biêu.
Ngoài ra Ninh Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT đầu tư hệ thống kênh liên hồ chứa và hoàn chỉnh hệ thống kênh mương các hồ thủy lợi đã xây dựng như ưu tiên đầu tư xây dựng hồ Sông Cái và hệ thống thủy lợi đập Tân Mỹ…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao công tác chống hạn của tỉnh Ninh Thuận, có biện pháp hướng dẫn nhân dân ứng phó. Cụ thể đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong vụ ĐX vừa qua và cấp nước cho người dân đối với những vùng thiếu nước sinh hoạt…
Theo Bộ trưởng, đây là đợt hạn hán nặng nhất của Ninh Thuận trong 20 năm qua, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là hiện tượng El Nino sẽ kéo dài hết năm 2015. Do vậy Ninh Thuận phải nghĩ tới phương án ứng phó trước mắt và lâu dài. Về biện pháp trước mắt, Chính phủ đã hỗ trợ cho Ninh Thuận 40 tỷ để đối phó với hạn hán, Bộ trưởng đề nghị tỉnh ứng trước từ nguồn ngân sách triển khai các biện pháp cấp bách như: Đấu nối hệ thống cấp nước, hỗ trợ đào giếng và cấp nước cho nhân dân đảm bảo nước sinh hoạt.
Chủ trương của Chính phủ là không để người dân nào đói, do vậy Ninh Thuận phải nhanh chóng phát gạo cho những gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng thời thống kê lại người dân vùng không sản xuất được để báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ gạo.
Đối với sản xuất, hiện nay vụ ĐX cơ bản đã xong, còn vụ hè thu Ninh Thuận phải quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm mạnh diện tích lúa và các loại cây dùng nhiều nước để chuyển sang các cây dùng ít nước đặc biệt là trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, sử dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm. Ninh Thuận phải bảo vệ bằng được đàn gia súc và ưu tiên nước tưới cho các vườn cây ăn quả lâu năm.
Đối với các biện pháp lâu dài ứng phó với hạn hán, đó là vấn đề thủy lợi. Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã đồng ý xây dựng hồ chứa nước Tân Mỹ có dung tích trên 200 triệu m3.
Bộ NN-PTNT sẽ ưu tiên huy động các nguồn vốn để nâng cấp và xây dựng các hồ chứa khác cho Ninh Thuận. Vấn đề đặt ra là ngay cả khi có nước Ninh Thuận cũng cần phải có chương trình phát triển nông nghiệp cũng như kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện mới.
"Hạn hán có thể lặp lại với tần suất dày hơn, nặng nề hơn, do vậy cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Ninh Thuận cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với các loại cây trồng sử dụng nước ít và áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hướng mạnh sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo nongnghiep.vn
Ý kiến góp ý: