Ưu tiên xây đường ống dẫn nước cho đất dốc, vùng trồng cây công nghiệp
13/07/2021Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp coi hệ thống dẫn nước như mạch máu của ngành thủy lợi, và cần đảm bảo giá trị sử dụng lâu dài, bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh chủ trì hội thảo chiều 9/7
Sau phiên hội thảo buổi sáng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi rốt ráo ứng dụng đường ống dẫn nước trong công trình thủy lợi trong chiều 9/7.
Theo Thứ trưởng, nếu coi trạm bơm, máy bơm là "xương sống" thì mạng lưới kênh, mương, ống dẫn chính là "mạch máu" của ngành thủy lợi.
"Chúng ta cần làm rõ ba vấn đề chính. Thứ nhất, điều kiện nào bắt buộc phải dùng đường ống dẫn nước? Thứ hai, trong thiết kế, thi công, quản lý đường ống dẫn nước còn khó khăn, vướng mắc gì? Cuối cùng, là cách nào đảm bảo lợi ích hài hòa giữa giá thành và hiệu quả kinh tế khi đưa ống dẫn nước phải dùng trên diện rộng", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu.
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) cho biết, xây dựng mạng lưới đường ống dẫn nước đem lại hiệu quả về lâu dài. Dù chi phí xây dựng đường ống dẫn cao hơn từ 30-40% so với kênh mương hở, nhưng chi phí giải phóng mặt bằng giảm 50%, chi phí quản lý vận hành giảm 70%, tổn thất cột nước giảm 30% và nhiều cắt giảm nữa về chi phí.
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) thông tin, qua nghiên cứu thực tế, hệ thống ống dẫn nước đặc biệt phát huy ưu thế khi xây dựng trên đất dốc, khu vực miền núi, hoặc những vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây công nghiệp. Bên cạnh đó, với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, sử dụng đường ống sẽ tách được đường dẫn nước chung, đảm bảo vệ sinh và tránh được bệnh dịch.
Theo Viện trưởng Đỗ Văn Thành, xây dựng hệ thống đường ống nên ưu tiên ở những vùng trồng cây công nghiệp lớn, có diện tích vài nghìn hecta, hoặc những vùng thường gặp hạn hán, thiên tai. Những khu vực đồng bằng, hoặc chủ động được về nguồn nước, có thể xây dựng sau.
Cùng tham mưu cho Bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tất Đại nêu thực tế, rằng hiện nhiều địa phương có xu hướng làm đường ống mà chưa qua khảo sát thực tế. Để khắc phục, ông Đại khuyến cáo cần có một quy định chung nhất giữa đường ống chính và đường ống nhánh. Ngoài ra, ông nêu ý tưởng, kết hợp nhiều loại đường ống với nhau cho một công trình.
Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Đỗ Văn Thành chỉ ra những khu vực nên ưu tiên xây dựng hệ thống ống dẫn nước
Trên cả nước hiện có 291.013 km kênh mương các loại. Hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh đất. Số lượng được kiên cố hóa bằng kết cấu bê tông cốt thép khoảng 82.744 km, chiếm 28,4%.
Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy lợi đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh ứng dụng đường ống trong các công trình thủy lợi bởi nhiều lợi ích như: đảm bảo sự ổn định và chất lượng nguồn nước ở địa hình phức tạp; thích hợp với xu hướng hiện đại hóa, thông minh, tiết kiệm nước và công nghệ 4.0; giảm thiểu chi phí sửa chữa khi thiên tai xảy ra.
Có nhiều lợi thế, nhưng trong tổng số 291.013 km kênh mương, đường ống chiếm khoảng 1.200 - 2.910 km, tương đương từ 0,5-1%. Hiện hệ thống đường ống mới được xây bài bản tại tỉnh Ninh Thuận.
Khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới đường ống, theo Tổng cục Thủy lợi, chủ yếu nằm ở việc thực tế sản xuất của Việt nam còn mang tính nhỏ lẻ, không theo chuỗi, thiếu quy định về tích tụ ruộng đất. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn về thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành đường ống hiện phải sử dụng tiêu chuẩn của cấp nước đô thị.
Đại diện Sở NN-PTNT của các tỉnh như Lạng Sơn, Điện Biên xác nhận những điều này. Họ đề nghị, cần có đơn giá cụ thể cho đường ống thủy lợi.
Ông Đỗ Đức Cảnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Viglafico - đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh các loại ống cấp thoát nước, cho biết Việt Nam hiện có nhiều công nghệ hiện đại như cuốn liên tục, cuốn qua lại, đủ khả năng sản xuất ra những ống đường kính lớn, có thể thay đổi góc cuốn tùy theo yêu cầu chịu áp, giảm số mối nối, tăng độ cứng hướng vòng, hướng trục.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Bộ NN-PTNT
Tiếp thu những ý kiến tham luận, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh nói: "Chúng ta cần điều tra cơ bản để có đánh giá đầy đủ và chi tiết về hiện trạng, nhu cầu ứng dụng đường ống. Ngoài ra, cần có một bộ hướng dẫn kỹ thuật vận hành, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác bảo trì đường ống".
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khen Tổng cục thủy lợi, Cục Quản lý xây dựng công trình có những phân tích xác đáng, đúng hiện trạng của việc sử dụng đường ống hiện nay.
Thứ trưởng cũng đề nghị Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng thủy lợi II (HEC-2) nghiên cứu sâu hơn cho khuyến cáo: "Sử dụng nhựa cho ống đường kính dưới 500mm, ống cốt sợi thủy tinh cho ống từ 600-1000mm, và ống trên 1000mm là thép".
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu 4 vấn đề cần xác định khi xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước. Thứ nhất, là điều kiện bắt buộc phải sử dụng đường ống. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu kỹ vấn đề căn bản này, rồi ra thông báo cụ thể đến từng địa phương.
"Nếu nói là xây trên đất dốc, thì phải nói rõ dốc bao nhiêu phần trăm. Nếu nói xây trên địa hình bị chia cắt, thì chia cắt như thế nào. Nếu nền đất yếu, thì cũng phải định tính cụ thể. Quan trọng hơn là tầm nhìn. Nếu xác định xây hệ thống thủy lợi để phục vụ cho cây trồng kinh tế cao, hay nước sinh hoạt thì nên tính tới việc dùng đường ống", Thứ trưởng Hiệp nói.
Thứ hai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu ý tưởng về tăng thời gian bảo hành cho các công trình thủy lợi, có thể lên từ 3-5 năm, giúp các chủ đầu tư yên tâm đấu thầu.
"Đây là một cách để giải quyết vấn đề năng lực, thay vì trăn trở đến những thiếu sót về quản lý, vận hành, hoặc các quy chuẩn xây dựng, năng lực nhà thầu", ông nhấn mạnh.
Thứ ba, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi ngành thủy lợi ứng dụng sâu, rộng hơn nữa khoa học công nghệ vào xây dựng hệ thống kênh, mương, đường ống dẫn nước.
Thứ trưởng Hiệp cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, bài toán về hiệu quả kinh tế cần đặt lên hàng đầu. Các đơn vị thi công có thể xem xét việc sử dụng đan xen nhiều loại ống dẫn trên một công trình thủy lợi.
Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi toàn ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và cả xã hội vào cuộc. "Chúng ta phải xác định, đây là tài sản đầu tư cho tương lai lâu dài, không chỉ riêng ngành thủy lợi", ông bày tỏ.
Theo Bảo Thắng/nongnghiep.vn
Ý kiến góp ý: