Uỷ ban dân tộc đánh giá, nghiệm thu, bàn giao mô hình thí điểm bảo vệ môi trường tại làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận và tỉnh An Giang do Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam thực hiện
09/12/2022Vừa qua, từ ngày 15-30/11/2022, 02 đoàn công tác của Uỷ Ban dân tộc do ông Trần Văn Đoài – Vụ phó vụ tổng hợp, bà Hà Thị Mai Phương chuyên viên chính Vụ tổng hợp và các thành viên kết hợp Ban dân tộc cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương tỉnh An Giang và tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu và bàn giao các mô hình thí điểm bảo vệ môi trường tại làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm.
Đây là một trong các nhiệm vụ thuộc Dự án BVMT/ĐTCB “Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm” trong Chương trình Bảo vệ Môi trường/Điều tra cơ bản của Uỷ Ban dân tộc thực hiện giai đoạn 2020-2022 giao Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam chủ trì thực hiện từ năm 2021.
Kiểm tra thực tế tại làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong xã Châu Phong thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, làng nghề dệt truyền thống Mỹ Nghiệp và làng gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, thay mặt đoàn kiểm tra của Uỷ Ban dân tộc Ông Trần Văn Đoàn đã đánh giá rất cao kết quả làm việc của nhóm thực hiện dự án, cơ quan chủ trì nhiệm vụ, sự phối hợp đồng bộ và xuyên suốt của Dự án với các địa phương từ các cơ quan quản lý cấp tỉnh, chính quyền cơ sở, những người có uy tín trong cộng đồng và cộng đồng đồng bào dân tộc Chăm hưởng lợi từ dự án.
Trong thời gian thực hiện, năm 2021 Dự án gặp nhiều khó khăn do triển khai các hoạt động điều tra, thực địa khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương, cộng đồng. Đồng bào dân tộc Chăm chưa có thói quen tốt trong bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh sống và làng nghề, chuyển biến trong lĩnh vực môi trường tại địa phương còn chậm.
Ngày 29/11/2022 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Marocco đã ra quyết định “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Chăm, cùng các di sản Văn hoá phi vật thể khác của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam như: cồng chiêng Tây Nguyên, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái và xòe Thái…
Bên cạnh ý nghĩa bảo tồn văn hoá, phát huy giá trị làng nghề chính quyền địa phương chính quyền cơ sở và đặc biệt là vai trò của cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, phát triển các mô hình kinh tế, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề cần được phát triển hơn nữa trong bối cảnh phát triển mới. Sự tham gia của dự án tại địa phương là rất kịp thời và nhiều ý nghĩa đối vào đồng bào dân tộc Chăm không chỉ ở hai tỉnh An Giang, Ninh Thuận và còn ở nhiều nơi trên cả nước.
Sự hỗ trợ của dự án với các mô hình xây dựng giải pháp quản lý nội vi trong sản xuất sạch tại làng dệt Mỹ nghiệp; Mô hình phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thực phẩm tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ và Mô hình xử lý chất thải rắn làng nghề gốm Bàu Trúc bằng giải pháp đóng gạch gạch Block là bước đầu, có tính chất “mồi”, làm điểm, làm mẫu để đánh giá các bước thực hiện, các kết quả từ đó nhân rộng. Sau khi dự án kết thúc, chính quyền cần thành lập các tổ vận động và xây dựng quy chế về sử dụng các hỗ trợ của Dự án vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.”
Ông Trần Văn Đoài- Phó vụ trưởng và Bà Hà Thị Mai Phương - Vụ Tổng hợp - Uỷ ban dân tộc kiểm tra mô hình tại tỉnh An Giang và tỉnh Ninh Thuận
Kết thúc các hoạt động kiểm tra mô hình, Dự án đã tổ chức Hội thảo đánh giá, nghiệm thu và bàn giao các mô hình cho địa phương vào ngày 18/11 tại Thị xã Tân Châu tỉnh An Giang và ngày 30/11 tại Thị trấn Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Tại Hội thảo, bên cạnh các ý kiến góp ý của đại diện các hộ và cộng đồng tham gia mô hình cho báo cáo tổng kết dự án và tự đánh giá kết quả thực hiện mô hình của ThS. Phạm Chí Trung chủ nhiệm dự án, Hội thảo cũng nhận được các bài tham luận của đại diện Ban dân tộc, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh.
Đặc biệt là các ý kiến đại diện cho chính quyền các xã và thị trấn nơi tiếp nhận mô hình về làm thế nào để nhân rộng mô hình, các nút thắt cần tháo gỡ trong lĩnh vực môi trường của cộng đồng đồng bào Chăm và cộng đồng dân tộc khác tại địa phương như đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề, đề án bảo vệ môi trường làng nghề, xử lý chất thải chăn nuôi, thu gom và phân loại rác sinh hoạt, quy hoạch sử dụng đất, bố trí không gian sản xuất, trưng bày sản phẩm kết hợp khai thác du lịch…
Theo bà Đàng Sinh Ái Chi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ninh Phước, làng nghề gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.
Làng gốm Bàu Trúc hiện có 975 hộ, trong đó có 300 hộ làm gốm, 01 Hợp tác xã, 02 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên. Bình quân mỗi tuần làng gốm Bàu Trúc nung khoảng 150 tấn sản phẩm, lượng sản phẩm hỏng sau nung từ 10 - 20%, tương đương khoảng từ 15-30 tấn chất thải rắn phải thu gom và xử lý.
Hiện nay địa phương mới chỉ vận động người dân để gọn gàng vào các vị trí góc vườn của gia đình và chờ công ty môi trường đến chở đi. Đây là một nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng nếu công đoạn thu gom, nghiền đóng gạch hoặc tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng khác như gạch trang trí, cột hàng rào… thành một khâu của quy trình sản xuất gốm truyền thống thì thật ý nghĩa về môi trường và phát huy giá trị nghề gốm tại Bàu Trúc.
Đối với làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, giá trị truyền thống, văn hoá, tâm linh không thể mất đi khi trong văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm, mọi người đều sử dụng trang phục dệt thủ công cho các ngày lễ cúng, ngày Tết hay lễ hội. Tuy nhiên, thói quen sắp xếp nơi làm việc để sản xuất sạch hơn, an toàn hơn của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là các hộ, các cơ sở sản xuất bán công nghiệp. Giải pháp quản lý nội vi với quy trình 5S của dự án xây dựng tại làng nghề Mỹ Nghiệp giống như quy trình 5K trong phòng chống dịch COVID dễ nhớ, dễ áp dụng, người dân khi tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật và các hỗ trợ đã sắp không gian sản xuất sạch sẽ hơn, thu gom, phân loại các loại rác thải độc hại như vải vụn, bông vải, chỉ thừa, rẻ lau dầu mỡ, chất nhuộm… vào thùng rác màu vàng để xử lý riêng.
Để tháo gỡ các tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề của địa phương gặp nhiều khó khăn vì địa phương là thị trấn, các phong trào, các phong trào thi đua của cộng đồng chưa có bộ tiêu chí đánh giá, cũng như thiếu các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để xây dựng và phát triển các dự án cộng đồng. Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm” được Uỷ ban dân tộc hỗ trợ và Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam thực hiện trên địa bàn mang nhiều ý nghĩa cho địa phương không chỉ về mặt môi trường và còn làm tăng giá trị sản phẩm nghề gốm, cải tạo cảnh quan môi trường làng nghề.
Địa phương sẵn sàng tiếp nhận và phổ biến giới thiệu kết quả, ý nghĩa của mô hình tới cộng đồng đồng bào Chăm và các cộng đồng khác tại địa phương. Ban hành quy chế quản lý để sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ dự án. Ngoài ra, địa phương mong muốn nhận được các hỗ trợ tiếp theo để xử lý triệt để chất thải làng nghề dệt, giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, đào tạo nguồn cán bộ hỗ trợ quản lý, quảng bá, thương mại sản phẩm làng nghề để làng nghề có thể thu hút được thêm khách du lịch, phát triển đời sống, kinh tế và xã hội của đồng bào dân tộc Chăm.
Theo ông SuKari - Phó Trưởng phòng, phòng Chính sách, Ban dân tộc tỉnh An Giang: “Song song với hoạt động thực hiện mô hình thí điểm, các hoạt động tuyên truyền thông qua các băng rôn, poster, tờ rơi, tập huấn phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng làng nghề xanh - sạch - đẹp, an toàn, hướng dẫn kỹ thuật trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn đã góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề.
“Giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường phải làm ngay, bắt đầu từ các cháu học sinh, đến người dân thì mới giữ được môi trường sống trong lành, thu hút được khác du lịch đến với làng nghề”.
Thay mặt Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, ThS. Phạm Chí Trung cảm ơn sự tham gia, góp ý kiến của các đại biểu tham dự và khẳng định sự thành công của Dự án và ý nghĩa của các mô hình với địa phương và cộng đồng.
Nhóm thực hiện sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện các kiến nghị trong báo cáo tổng kết và đề xuất với Uỷ ban dân tộc, các cấp bộ ngành, các cơ quan quản lý của địa phương về các hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực môi trường tại làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm: xử lý rác thải, chất thải làng nghề, chất thải chăn nuôi và phụ phẩm sản xuất nông nghiệp bằng các giải pháp thân thiện môi trường; Xây dựng, giữ gìn cảnh quan truyền thống tại các làng nghề; Phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng; Lồng ghép xây dựng hương ước, quy chế ứng xử của cộng đồng với bảo vệ môi trường; Xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu; Gắn các hoạt động bảo vệ môi trường với các hoạt động xoá đói giảm nghèo tại địa phương…
Dưới đây là một số hình ảnh về các các hoạt động xây dựng mô hình, hoạt động kiểm tra, đánh giá của đoàn và Hội thảo nghiệm thu bàn giao mô hình của Dự án:
Một số hình ảnh triển khai mô hình tại làng nghề dệt thổ cẩm xã Châu Phong (An Giang)
Xây dựng giải pháp quản lý nội vi trong sản xuất sạch hơn đối với 02 cơ sở sản xuất và 10 hộ sản xuất tại làng nghề dệt truyền thống Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận)
Thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) bằng giải pháp đóng gạch gạch Block, thông qua các hoạt động hỗ trợ máy nghiền, khuôn đóng gạch, cốt liệu, xi măng và thí điểm đóng 2000 viên gạch
Phạm Chí Trung
Ý kiến góp ý: