Vai trò của khoa học và công nghệ trong phòng tránh những thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu
22/11/2010Ngày 17/11/1010, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì tổ chức Tọa đàm quốc tế về “Vai trò của KH&CN trong phòng tránh những thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu”. Tham gia buổi Tọa đàm có các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cùng các vị khách Trung Quốc.
Đến dự buổi Tọa đàm có đại diện các Vụ, Ngành, Ban KH&CN địa phương- Bộ KH&CN, Lãnh đạo các Sở KH&CN Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Giang… và một số Trung tâm, Viện nghiên cứu Khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nội dung của cuộc Tọa đàm tập trung vào vấn đề chính là các giải pháp KH&CN trong việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới môi trường đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, nước biển dâng và vấn đề mở rộng diện tích rừng để đối phó với biến đổi khí hậu đặc biệt là rừng ngập mặn. Tọa đàm có sự trao đổi kinh nghiệm giữa nước bạn Trung Quốc và Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng KH&CN trong việc phòng tránh những thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và một số các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. Phát biểu tại buổi Tọa đàm, GS.TS Lê Văn Khoa cho rằng, biến đổi khí hậu trong những năm qua và những năm tới biểu hiện thông qua lượng mưa lớn, nhiệt độ tăng cao và gia tăng các hiện tượng thời tiết bất thường như bão, lũ quét, lốc xoáy sẽ gây tác động mạnh tới môi trường đất đặc biệt là các quá trình như xói mòn, rửa trôi và trượt lở đất ở các vùng đất dốc. Do vậy, cần có những giải pháp KH&CN để ứng phó với những vấn đề trên là rất cấp bách và cần thiết. GS.TS Lê Văn Khoa cũng đã nêu ra một số biện pháp KH&CN để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Về vấn đề ứng phó với hiện tượng nước biển dâng, GS.TS Nhà giáo nhân dân Phan Nguyên Hồng cho rằng, để đối phó với vấn đề này cần gia tăng diện tích rừng ngập mặn ven biển bởi đây là những là chắn cho hệ thống đê biển. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những nơi có rừng ngập mặn đã làm giảm nhẹ cường độ của sóng biển tới 70-80%. Việc đưa ra các giải pháp để phát triển hệ thống rừng ngập mặn là rất cần thiết. Cũng trong buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Quang Hà- Viện phó Viện môi trường Nông nghiệp cho rằng: Không thể đánh giá tác động lên đối tượng nếu không hiểu đối tượng/ hệ thống theo đó đối tượng là thành phần, vai trò của KH&CN ở đâu và đến đâu? Trong sản xuất lương thực lấy cây lúa làm ví dụ. Theo Tiến sĩ Hà, đến năm 2070 các loại cây trồng có thể lên đến độ cao 550 mét và hướng lên phía bắc 100-200 km so với hiện tại. Cây á nhiệt đới giảm. PGS.TS Vũ Văn Tuấn cho rằng biến đổi khí hậu không chỉ là viễn cảnh trong tương lai mà nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều nước trong đó có Việt Nam đặc biệt biểu hiện rõ đối với khu vực miền trung Việt Nam. Nghiên cứu của ông trong giai đoạn 1951-1998 và 1999-2008 đối với khu vực miền trung thì kết quả đã chỉ ra những thay đổi rõ rệt. Theo đó giai đoạn 1999-2008 số lượng các cơn bão, mưa lớn, lũ lụt và hiện tượng triều dâng với tần suất và cường độ cao hơn so với giai đoạn 1951-1998. Theo nhận đinh ban đầu phải chăng có sự chênh lệch và thay đổi trên là biểu hiện của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. PGS.TS Vũ Văn Tuấn cho rằng chúng ta không chống lại được các hiện tượng tự nhiên mà chỉ tìm cách giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với chúng. Kết thúc buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Viết kết luận:Biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu. KH&CN phải là lực lượng tiên phong trong việc phòng tránh và thích ứng với biến đổi khí hậu đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản an ninh lương thực và môi trường. Theo most.gov.vn
Ý kiến góp ý: