Vai trò KH&CN trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
08/12/2014Sáng ngày 06/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN &PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học Cồng nghệ (KH&CN) phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội thảo; Tham gia điều hành hội thảo còn có ông Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN và ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Hội thảo thu hút hơn 500 đại biểu đến từ các Viện, trường, Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về hoạt động KH&CN của Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT cùng nhiều đại diện doanh nghiệp trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KHCN và Các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian qua Bộ KH&CN đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu KH&CN trong ngành nông nghiệp nói riêng và hoạt động ngành KH&CN nói chung. Một số chính sách mới có tính quyết định đến hoạt động KH&CN có thể kể đến như cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ và cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng trong nghiên cứu.
Để tiếp tục đổi mới hoạt động KH&CN phù hợp với tinh thần đổi mới của các chính sách KH&CN, trong thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp xây dựng đề án khung, dự án KH&CN cho Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; Sản phẩm cá da trơn; Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu.| Những dự án này cũng đạt được một số kết quả khả quan.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong thời gian qua Nhà nước đã quan tâm tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Hệ thống nghiên cứu được tăng cường, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao vào thực tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cơ chế hoạt động KH&CN cũng có sự đổi mới theo hướng xã hội hóa, đã huy động được sự tham gia của các hình thức kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào thành lập các trung tâm nghiên cứu KH&CN, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, liên kết hợp tác với viện, trường trong công tác chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Đó là tình trạng trình độ KH&CN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thành tựu mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su và một số cây trồng khác. Còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Chưa làm chủ được công nghệ tạo giống, vắc xin, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh,…
Thực tế trên cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để rút dần khoảng cách với khu vực và thế giới. Để làm được điều này không có con đường nào ngắn hơn là tăng cường nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp, đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Trong quá trình này cần xác định được vai trò quan trọng của các doanh nghiệp.
Nhìn nhận vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, vai trò của doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Đặc biệt, khi Luật KH&CN sửa đổi được thực hiện thì các doanh nghiệp có điều kiện phát huy vai trò của mình thông qua hình thức quỹ phát triển KH&CN, qũy đầu tư mạo hiểm,…
Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn đối với nông dân, nhà khoa học và các nhà quản lý. Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nên những người nông dân vẫn vất vả, một nắng hai sương trên cánh đồng mà kết quả lao động thấp. Chính vì nghèo mà người làm khoa học cũng không thu được thành quả tương xứng với công lao động của mình bỏ ra. Còn người làm quản lý dù có sáng kiến đổi mới tiến bộ thì cũng khó đi vào được cuộc sống vì còn vô số những vướng mắc trong trong hệ thống. Bộ trưởng nhấn mạnh, người làm khoa học dù ở viện, trường hay doanh nghiệp cũng cần chung tay tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đưa KH&CN vào sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm góp phần phát triển kinh tế - xã hội để Việt Nam không mãi mãi là một nước thu nhập trung bình hoặc thu nhập trung bình thấp, để những Nghị quyết của Đảng về KH&CN trở thành hiện thực trong 10 hoặc 15 năm tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội thảo
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, vai trò của KH&CN vô cùng quan trọng trong ngành nông nghiệp nói riêng và trong sự phát triển toàn xã hội nói chung. KH&CN góp phần vào hầu hết các vấn đề lớn của đất nước như viễn thám, biến đổi khí hậu đến các vấn đề cụ thể như chăn nuôi, lợn, gà,…
Nhiều năm qua, nông nghiệp đã trở thành chỗ dựa cho nền kinh tế, một ngành có tính xã hội cao, giúp cho Việt Nam có thứ hạng trên thế giới về xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam cùng còn nhiều hạn chế, còn nhiều vấn đề chưa thực đổi mới,… Sức sáng tạo của Việt Nam không chỉ ở các nhà khoa học mà còn ở chính những người nông dân và chúng ta phải nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển của ngành nông nghiệp ngày càng quan trọng. Với sự hợp sức của các lực lượng này thì ngành nông nghiệp Việt Nam mới có đà phát triển.
Những chính sách đã và sắp được ban hành cho phép cơ sở nghiên cứu tự chủ mạnh mẽ hơn trong hoạt động, khuyến khích doanh nghiệp mở viện tư nhân, hợp tác với các viện nhà nước; hướng tới các viện phải hạch toán như doanh nghiệp, hoạt động như doanh nghiệp xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo truyenthongkhoahoc.vn
Ý kiến góp ý: