Vẫn ngập chìm giữa mênh mông nước lũ
19/10/2010Những ngày này, nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đang phải gồng mình chống chọi với trận lũ lịch sử. Hầu hết làng mạc, ruộng đồng đều ngập sâu trong mênh mông nước lũ.
Bao nhiêu của cải vật chất, mồ hôi nước mắt tích cóp bấy lâu bỗng bị dòng lũ dữ cuốn phăng đi tất cả. Cho đến 23 giờ ngày 18.10, Hà Tĩnh đã có tới 15 người thiệt mạng, tỉnh Nghệ An con số này là 10 người. Đặc biệt đau xót, một xe khách Bắc - Nam đã bị cuốn trôi, mất tích cùng với 20 người.
Hà Tĩnh:
Sáng 18.10, nhiều đoạn QL1A và hầu hết các tuyến đường nội thành TP.Hà Tĩnh bị tê liệt, hàng ngàn nhà dân trên khắp các huyện trong tỉnh vẫn chìm sâu trong làn nước. Vào hồi 4h15 ngày 18.10 trên QL1A đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), xe chở khách BKS 48K 5868 lưu thông lộ trình Nam - Bắc, khi tới địa phận xã Xuân Lam do QL1A bị ngập sâu dưới nước, chiếc xe bị chệch đường và lật xuống cánh đồng mà trước đó đã thành biển nước mênh mông. Thông tin từ 17 hành khách thoát hiểm cho biết, trên xe có ít nhất 37 người. Các cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân đã phải đề xuất Bộ Tư lệnh QK4 hỗ trợ ca nô vào việc kiếm tìm chiếc xe, cùng với ít nhất 20 người đã mất tích dưới làn nước. Đến 14h30 cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy tăm tích chiếc xe và ít nhất hai chục người xấu số chưa biết danh tính.
Hà Tĩnh mưa lũ đã ngập lụt 198/262 xã, phường, thị trấn, trong đó 105 xã bị chia cắt. Đã sơ tán 52.000 người dân đến nơi an toàn. Do mưa rất to ở đầu nguồn, hồ Kẻ Gỗ (có trữ lượng trên 350 triệu mét khối) mực nước đã lên mức 32 mét buộc phải xả tràn với lưu lượng 600m3/s đã làm ngập nhiều xã, phường thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh. QL1A, QL8A, đường Hồ Chí Minh đoạn từ km 808-km 817 qua xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê ngập sâu từ 1-1,5m. QL1A qua các xã Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Xuân Lam (Nghi Xuân) và QL8A đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn ngập sâu hơn 1 mét. Các tuyến QL15A, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 5 cùng hàng trăm kilômét đường liên huyện, liên xã đã bị lũ nhấn chìm sâu từ 1-3 mét. Các huyện Hương Khê, Vũ Quang đã bị cô lập hoàn toàn.
Tính đến 18 giờ ngày 18.10, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có tới 15 người chết và 2 người mất tích do mưa lũ, số người bị thương thì chưa thể thống kê nổi. Mặc dù nước lũ có rút nhưng rất chậm, làm cho công tác cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống bão lụt tỉnh Hà Tĩnh, trong 15 người thiệt mạng và 2 người mất tích do mưa lũ thì ở huyện Hương Sơn có 2 người, Hương Khê 2 người, Can Lộc 6 người, Kỳ Anh 2 người, TP.Hà Tĩnh 2 người, Đức Thọ 1 người, Lộc Hà 1 người, Vũ Quang 1 người. Toàn tỉnh đã có tới 83.517 hộ của 10 huyện, thành, thị xã bị ngập nặng. Trong đó, huyện Hương Khê có số hộ bị ngập và hư hỏng nhà cửa nhiều nhất, 8.000 hộ. Các huyện: Vũ Quang 3.728 hộ, Cẩm Xuyên 9.000 hộ, Hương Sơn 4.000 hộ, Đức Thọ 20.000 hộ, TP.Hà Tĩnh 6.500 hộ, Thạch Hà 17.000 hộ, Lộc Hà 3.230 hộ, thị xã Hồng Lĩnh 1.630 hộ, Nghi Xuân 429 hộ.
Lũ lớn và nước rút rất chậm đã làm cho các tuyến đường bị ngập sâu, không những gây ắch tắc giao thông mà công tác cứu hộ cũng rất nhiều khó khăn, lương thực, nước uống không kịp thời đến với bà con. Tính đến cuối buổi chiều 18.10, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu nhiều đoạn, hàng trăm xe ôtô phải nằm chờ tại thị xã Hồng Lĩnh và trên đường Hồ Chí Minh...
Hơn 50 năm rồi cư dân vùng này mới chứng kiến trận lụt kinh hoàng, hung dữ hơn trận đại hồng thủy năm 1960. Trận lũ tuần trước đã cuốn trôi tất cả, trận lũ lịch sử này ập đến khiến bà con không kịp trở tay.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho biết: Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 72 chiếc ca nô và thuyền máy, 600 cán bộ, chiến sĩ và 1.000 dân quân tự vệ giúp dân thoát lũ. Bộ Tư lệnh QK4 huy động hai trực thăng từ Hà Nội vào đậu sẵn tại sân bay Vinh để sẵn sàng ứng cứu. Với phương châm không để dân đói, khát trong lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ngừng tất cả các cuộc họp, kể cả Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh để phân công các đoàn công tác xuống các điểm nóng để chỉ đạo ứng cứu. Quân khu 4 đã thành lập Bộ chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác cứu trợ. Huyện Hương Sơn đã sơ tán tại chỗ hàng vạn người dân đến nơi an toàn. Chính quyền huyện kết hợp với các đồn biên phòng 563, 565 sơ tán hơn 200 hộ dân ở khu tái định cư Ha Tân và các xã Sơn Kim 1. Sơn Hồng, Sơn Lĩnh là nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét.
Nghệ An:
Mưa lụt đã làm 10 người chết, trong đó huyện Thanh Chương có 2 người, Nghi Lộc 3 người, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, Kỳ Sơn, TX Cửa Lò mỗi địa phương có 1 người. Đến chiều ngày 18.10, huyện Nghi Lộc đã có 9/29 xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn gồm các xã Nghi Mỹ, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Thuận, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Xá, Nghi Quang và 3 xóm xã Nghi Vạn, trong đó hàng trăm nhà dân tại các xóm Mỹ Hòa (Nghi Mỹ), Tam Đa (Nghi Hưng) nước lũ trùm kín lên tận nóc. Với 6 ca nô phát huy hết công suất, lực lượng cứu hộ của huyện Nghi Lộc gồm quân sự, CA đã sơ tán được 1.500 hộ dân và hiện túc trực 24/24h để sẵn sàng nếu trong đêm 18 rạng ngày 19.10 trời tiếp tục mưa to, lực lượng cứu hộ sẽ đưa tiếp hàng trăm hộ dân vùng bị ngập đến nơi an toàn. Trong 3 người bị nước lũ cuốn trôi hôm trước gồm Đặng Thọ Kiên SN 1996 trú xóm 4, xã Nghi Trường; Hoàng Văn Đức SN 1994 trú xóm 5, xã Nghi Xá; Hoàng Văn Minh SN 1960 trú xóm 5, xã Nghi Xá, đến sáng ngày 18.10 đã tìm thấy thi thể của 2 người.
Mặc dù mưa đã nhẹ hơn, nhưng nước trên sông Lam vẫn dâng rất nhanh. Ở huyện Nam Đàn, 5 xã phía nam đã chìm hẳn trong nước, phương tiện duy nhất chỉ có canô mới có thể đến được. Ông Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện - cho biết, toàn bộ nhà dân của 5 xã đã bị ngập nặng, có nhiều nhà ngập đến nóc. Huyện đã kịp thời chỉ đạo di dời bà con lên vùng núi cao để tránh lũ. Tại huyện Hưng Nguyên, hàng ngàn hộ dân sống ven sông Lam cũng đã bị chìm nghỉm. Đê 42 - đoạn qua xã Hưng Lam - bị sạt lở nghiêm trọng. Từ đêm 17.10, bà con trong xã đã thay nhau túc trực để hộ đê. Tỉnh Nghệ An đã khẩn trương cử lực lượng ứng cứu và điều sà lan chắn sóng để chống sạt lở có thể tiếp diễn. Ở các xã Hưng Lợi, Hưng Lam, Hưng Nhân..., hàng trăm hộ dân đã phải dựng lều trên đê để tránh lũ. Trâu, bò, gà...và người đang cùng phải chung sống với nhau trong một túp lều...
Quyền Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, ông Trần Quốc Hiển, sau một ngày đi thị sát các xã bị nước lũ chia cắt, trở về lỵ sở lúc 16h ngày 18.10, buồn bã nói: Với trận lũ quái ác này, toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi,... thành quả mà toàn thể Đảng bộ nhân dân huyện Nghi Lộc phấn đấu cật lực trong suốt vài chục năm để có được, bây giờ gần như bị xóa sổ dưới làn nước lũ.
Sáng ngày 18.10, đường sắt Bắc-Nam vẫn bị tê liệt.
Giao Hưởng - Việt Thắng
Theo dantri
Ý kiến góp ý: