TextBody
Huy chương 2

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long

16/08/2013

Đồng bằng sông Cửu Long mênh mang sông nước, kênh rạch chằng chịt, ba bề lộng gió biển khơi, trù phú và màu mỡ. Nhưng cái nôi của cư dân văn hóa Óc Eo xa xưa nếu không có bàn tay của con người sẽ hoang phế bởi thiên tai, bị vùi lấp do lũ lụt, phù sa. Từ ngàn xưa, cha ông đã trị thủy để tồn tại và mưu sinh nhưng để phát triển đồng bằng sông Cửu Long rực rỡ, lúa gạo nơi đây đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như bây giờ không thể không kể đến dấu ấn của các nhà khoa học thủy lợi nói chung và các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nói riêng.

Trước năm 1990, đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất vô cùng phì nhiêu nhưng sản xuất còn rất yếu kém, sản lượng lúa năm 1976 chỉ đạt 5,6 triệu tấn/năm. Cũng vì lũ và mặn đe dọa, rình rập quanh năm. Mùa nước lên thì lũ dâng ngập trắng, mùa nước cạn thì đất đai chua phèn, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, cây lúa không sống nổi. Làm thế nào để khống chế lũ, chống được xâm nhập mặn, cải tạo được chua phèn, ngọt hóa được nhiều vùng đất nơi đây, đó là bài toán gian nan cho các nhà khoa học thủy lợi lúc bấy giờ. Để kiểm soát được lũ, Viện đã phối hợp với Phân viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nghiên cứu, đề xuất các chương trình chống lũ. Viện cũng đã triển khai các chương trình chống lũ bằng hệ thống bờ bao, đê bao bảo vệ khu vực sản xuất... giúp tăng vụ, ổn định sản xuất…

Sau năm 1992, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã bắt đầu thực hiện dự án khai thác những vùng đất chua phèn do Ủy ban sông Mekong tài trợ. Trạm Tân Thạnh được thiết lập để nghiên cứu sâu về vấn đề này. Trên thế giới, đây là một trong những nơi nghiên cứu về cải tạo đất chua phèn có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ. Từ các kết quả nghiên cứu của Viện, mặn và phèn không còn là nỗi ám ảnh của người dân và chính quyền địa phương, cây lúa không còn héo úa, có thể vươn lên, trĩu bông với sức sống mãnh liệt vốn có. Viện cũng nghiên cứu các loại cống ngăn mặn, đưa ra kết cấu công trình cửa van tự động, cống tự động đóng mở ổn định 100%... Đến nay, để chủ động trong sản xuất, hàng năm Viện đều thực hiện các dự báo xâm nhập mặn trên hệ thống sông rạch vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 1 đến tháng 6 cho những sông chính như: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Trần Đề, Ông Đốc, cửa sông Cái Lớn. Trên cơ sở số liệu giám sát mặn thực đo, Viện đã cập nhật dự báo mặn phục vụ kịp thời cho sản xuất vùng ven biển…

Về một tình trạng vô cùng nhức nhối, đặc biệt là trong những năm gần đây, đó là hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển. Không chỉ vào mùa mưa mà thậm chí bất kể thời gian nào trong năm, các cơ quan quản lý các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn thường trực nỗi lo lắng và đau đầu vì sạt lở bờ sông, bờ biển. Người dân thì nơm nớp lo sợ. Nước có thế cuốn trôi tất cả. Đất trôi, nhà trôi, của cải trôi. Cũng từ thực tế này mà chống sạt lở bờ sông, bờ biển là một trong những lĩnh vực nghiên cứu tâm huyết của Viện. Công trình đầu tiên phải kể đến là hệ thống kè Tân Châu, Hồng Ngự. Tiếp đến là kè Sa Đéc, các nhà kỹ thuật Mỹ cũng đã từng xây dựng nhưng chỉ đến khi có những nghiên cứu của Viện thì kè mới ổn định và bảo vệ Sa Đéc như bây giờ. Hiện nay, Viện là đơn vị duy nhất có thể giải quyết  vấn đề này ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên các sông Tiền, sông Hậu dẫn đến sạt lờ bờ sông nóng lên từng ngày. Viện không chỉ đề xuất những giải pháp công trình mà còn cả những giải pháp phi công trình như khai thác cát hợp lý mang lại nguồn lợi kinh tế mà không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông. Trong 5 năm trở lại đây, riêng về lĩnh vực phòng chống thiên tai và bảo vệ bờ sông, bờ biển, các công trình tiêu biểu của Viện trong lĩnh vực này phải kể đến nghiên cứu biến đổi lòng dẫn, dự báo sạt lở hệ thống sông Cửu Long và Sài Gòn - Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho các địa phương kịp thời phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Các cơ sở khoa học và công nghệ, các giải pháp bảo vệ bờ biển, đê biển như Gò Công, Cà Mau, Kiên Giang…

Song song với công cuộc chống xâm nhập mặn, kiểm soát lũ, chống sạt lờ bờ sông, bờ biển, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam còn nghiên cứu các giải pháp quản lý thủy lợi tổng hợp như quản lý bền vững hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng; quản lý lưu vực và sử dụng hợp lý tài nguyên nước hệ thống sông Đồng Nai; quản lý môi trường bền vững khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, các làng nghề nông thôn; đề xuất các giải pháp chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, thành phố Cần Thơ; đề xuất các giải pháp thủy lợi khai thác bền vững bán đảo Cà Mau. Trong lĩnh vực xây dựng thủy lợi, Viện có các công nghệ xây dựng công trình thủy lợi trên nền đất yếu, đê biển, đê bao; các công nghệ chống thấm hiệu quả cho đập bằng vật liệu địa phương. Các loại công nghệ cống lắp ghép theo kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực ứng dụng các cống ở hệ thống thủy lợi Ô Môn - Xà No (Hậu Giang) và nhiều công trình ở Kiên Giang, mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực thủy nông và thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, Viện đã đề xuất định hướng các giải pháp thủy lợi phục vụ thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đề xuất giải pháp thủy lợi tổng thể cho đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó giải pháp khoa học công nghệ sẽ đặc biệt quan tâm đến ứng dụng các vật liệu mới thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù của từng vùng và khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu…

Có thể nói rằng không có khoa học công nghệ thủy lợi, không có sự đóng góp sức lao động, trí tuệ các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cùng các nhà khoa học khác trong suốt chiều dài lịch sử, đồng bằng sông Cửu Long vẫn ngổn ngang và hoang sơ. Với sức lao động, trí tuệ và tâm huyết các nhà khoa học cùng với các công cụ hỗ trợ hiện đại, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam còn có rất nhiều những đóng góp với đồng bằng sông Cửu Long mà chưa thể kể hết. Nhưng cũng còn rất nhiều nhiệm vụ trước mắt thách thức các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Ở tuổi 35 sung sức, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã và đang góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất nước nói chung.

Tỉnh Thanh

Ý kiến góp ý: