Chức năng nhiệm vụ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 55/2008/QĐ-BNN ngày 24/4/2008
Xem chi tiết, 31/12/2024
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (KHTLVN) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 10 tháng 5 năm 2007, nhưng Viện vinh dự được thừa hưởng và kế tục truyền thống của tổ chức tiền thân đầu tiên thành lập cách đây đúng 50 năm, là Học viện Thủy lợi - Điện lực. Với nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đồng hành qua những giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy vinh quang của đất nước, Viện KHTLVN hôm nay đã mang một tầm vóc mới, chứa đựng rất nhiều sự kiện đáng được nhắc đến trong ngày lễ kỷ niệm trọng đại này
1- Sự lớn mạnh và hoàn thiện dần về tổ chức qua những chặng đường phát triển.
- Giai đoạn từ 1959 -1963, chặng đường đầu tiên:
Năm 1959, gần như đồng thời với sự kiện thành lập binh đoàn 559, "xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước ", Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định thành lập Học viện Thủy lợi - Điện lực. Đến năm 1963, Từ Học viện Thủy lợi - Điện lực, Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi (NCKHTL) được tách ra thành một đơn vị độc lập. Đây là thời kỳ đặt nền tảng cho sự nghiệp phát triển khoa học thủy lợi của Viện cũng như của Việt Nam và là thời kỳ khởi đầu gắn công tác nghiên cứu khoa học thủy lợi với thực tiễn sản xuất để khôi phục kinh tế Miền Bắc mới được giải phóng, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Giai đoạn từ 1963 - 1975, chặng đường hoạt động trong hoàn cảnh chống .
Viện đã từng bước hình thành và phát triển hệ thống các phòng, ban chuyên ngành, phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu đa dạng trong thực tế. Đặc biệt, Viện tiến hành các nghiên cứu, thí nghiệm về hàn khẩu đê chống lụt để chủ động đối phó với thủ đoạn tội ác ném bom phá hoại đê điều mùa lũ trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Cũng vào thời kỳ này, Viện đã tổ chức hàng loạt những hoạt động nghiên cứu về thủy nông, chống xói mòn đất, xử lý nền đất yếu, chỉnh trị sông, nghiên cứu các loại vật liệu xây dựng phục vụ việc tu sửa các công trình như đập Đô Lương, đập Đáy, Vân Cốc, xây dựng mới công trình thủy điện Thác Bà… Đây là những công trình thủy lợi, thủy điện có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp nhất thời bấy giờ.
- Giai đoạn từ 1975- 1990, chặng đường đất nước thống nhất trước thời kỳ đổi mới.
Sau ngày giải phóng miền Nam, công tác nghiên cứu khoa học thủy lợi đã nhanh chóng được triển khai trên cả nước. Năm 1978, với sự ra đời của Phân Viện NCKHTL Nam Bộ, trực thuộc Viện NCKHTL đã triển khai kịp thời nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về cải tạo đất chua phèn, mặn, về xây dựng công trình cống, đập, đê, kè v.v… trên nền đất yếu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1990, Phân Viện được nâng cấp thành Viện KHTL miền Nam.
+ Giai đoạn từ 1990 đến nay, chặng đường đổi mới cùng đất nước:
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Viện KHTL và Viện KHTL miền Nam đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thủy lợi trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Ngày 10 tháng 5 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam (KHTLVN) và được giao phó những chức năng, nhiệm vụ mới đặc biệt quan trọng, để tham gia trực tiếp và có hiệu quả vào chiến lược phát triển thủy lợi cũng như chiến lược phát triển khoa học của ngành, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu mới tạo cho Viện cơ chế tự chủ và tinh thần trách nhiệm mới phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức và hợp tác quốc tế sâu rộng. Hiện nay, Viện KHTLVN với gần 1500 cán bộ, viên chức, bao gồm 2 Viện vùng, 7 Viện chuyên ngành, 3 Trung tâm, một Công ty, một Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và một phòng thí nghiệm khu vực phía Nam, với nhiều trang thiết bị thí nghiệm hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất cho giai đọan trước mắt và tương lai lâu dài.
2- Sự lớn mạnh nhanh chóng về lượng và về chất trong các hoạt động chuyên môn.
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, những thành tựu mà Viện đạt được luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn, phòng chống thiên tai, khai thác tài nguyên nước phục vụ phát triển các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.
Chỉ tính trong 20 năm gần đây (giai đoạn 1990 - 2009), Viện đã chủ trì 03 chương trình KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ, tổ chức thực hiện 78 nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, 157 nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, hơn 200 nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở. Viện chủ trì biên soạn, sửa đổi nhiều bộ tiêu chuẩn Ngành. Bộ Sổ tay Kỹ thuật thủy lợi (xuất bản 2005) do Viện chủ trì biên soạn là tài liệu tra cứu, hướng dẫn, tham khảo khi thiết kế xây dựng cũng như quản lý khai thác công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2000-2020.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện tập trung hầu hết vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn như: Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; thủy nông cải tạo đất, quản lý khai thác công trình thủy lợi; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ xây dựng và bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện, năng lượng tái tạo. Cải tiến, thiết kế, chế tạo nâng cao hiệu suất hàng loạt máy bơm, máy chuyên dụng thủy lợi.
●Viện là một trong những đơn vị đứng đầu trong KHCN về lĩnh vực chỉnh trị sông, phòng chống lũ lụt. Kết quả nghiên cứu của Viện đã cung cấp cơ sở khoa học, giải pháp kỹ thuật cho việc củng cố đê điều, phòng chống vỡ đê, xây dựng hành lang thoát lũ, góp phần ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại qua các trận lũ lịch sử đã xảy ra. Các nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng có hiệu quả cho trên 230 công trình chỉnh trị sông, bảo vệ bờ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, đặc biệt là những công trình chống sạt lở trên sông Cửu Long và nhiều điểm nóng khác trên các tuyến sông biên giới… Góp phần đắc lực cho việc giữ vững an toàn đê điều phòng chống lụt, an ninh biên giới suốt từ 1971 đến nay.
Viện KHTLVN là cơ quan đầu tiên nghiên cứu ảnh hưởng của hồ chứa NMTĐ Hoà Bình đến lòng dẫn hạ du và đã dự báo những khu vực có khả năng bị xói lở nghiêm trọng, từ đó nghiên cứu đề xuất các phương án ứng phó, phòng chống kịp thời. Gần đây, Viện được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan khoa học thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên-Môi trường, xây dựng quy trình điều tiết liên hồ chứa: Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La phục vụ chống lũ hạ du, phát điện, cấp nước. Kết quả nghiên cứu “Quy trình vận hành liên hồ thủy điện Tuyên Quang, Hoà Bình, Thác Bà”đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào trước mùa mưa lũ năm 2006. Đây là quy trình vận hành liên hồ chứa có ý nghĩa rất lớn đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống công trình đầu mối, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội của cả một vùng đất có vị trí quan trọng bậc nhất nước ta.
● Về lĩnh vực thủy nông-cải tạo đất, Viện KHTLVN cũng là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu đề xuất các quy trình công nghệ, sơ đồ tưới tiêu, cải tạo đất, chế độ tưới tiêu cho lúa và các loại cây trồng cạn. Nhiều mô hình canh tác phù hợp cho các vùng sinh thái khác nhau đã được đề xuất, hàng loạt công trình tạo nguồn như: bơm va, bơm thủy luân, hồ treo v.v…đã được xây dựng để cung cấp nước cho các vùng khan hiếm nước, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo. Kết quả nghiên cứu của Viện về lĩnh vực này đã được áp dụng rộng rãi cho nhiều địa phương trên cả nước, góp phần cải tạo hàng triệu hecta đất chua phèn, mặn vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau v.v.., đưa năng suất và sản lượng lương thực, cây ăn trái tăng lên gấp nhiều lần, cải tạo thành công trên 30 vạn hecta đất vùng trũng đồng bằng Bắc Bộ bị nhiễm chua, mặn, sình lầy thành đồng ruộng 2 vụ, góp phần vào chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
● Lĩnh vực KHCN xây dựng công trình thủy lợi, Viện tiến hành rất hiệu quả việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới đồng bộ, đạt tới sản phẩm cuối cùng. Chính vì vậy, nhiều kết quả nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng thực tế, sau đó nhân rộng trên phạm vi cả nước. Hàng loạt đập dàn cọc, đập trụ đỡ, đập sà lan di động, đập cao su v.v., là những sản phẩm công nghệ mới của Viện, có giá thành xây dựng chỉ bằng 50-60% so với các công trình truyền thống cùng chức năng nhiệm vụ. Trong loại hình này, phải kể tới các đập trụ đỡ lớn nhất Đông Nam Á, như đập ngăn mặn giữ ngọt Đò Điệm, tỉnh Nghệ An dài 160 m; đập ngăn măn giữ ngọt sông Hương, tỉnh Thừa Thiên-Huế, dài 480 m, cửa đóng mở tự động thủy lực, hơn 30 đập xà lan đã xây dựng và đang hoạt động tốt, 80 đập xà lan di động đã được Bộ phê duyệt ở các vùng phân danh mặn ngọt ĐBSCL; đập cao su Nam Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, đập cao su Krongbuk Hạ v.v…đã thực sự làm sống lại và trù phú nhiều vùng đất rộng lớn. Nhiều nhà máy thủy điện mang thương hiệu Viện KHTLVN đã và đang lần lượt ra đời như: Nhà máy thủy điện Suối Tân, tỉnh Sơn La; nhà máy thủy điện Nậm Mu, tỉnh Hà Giang; nhà máy thủy điện Sông Côn 1&2 với công suất 65 MW v.v…Nhiều trạm bơm, máy bơm, máy vớt rác v.v… do Viện thiết kế chế tạo đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của ngành. Số lượng bơm va, bơm thủy luân do Viện KHTLVN chế tạo, được chuyển giao sang các nước bạn Lào, Campuchia tuy chưa nhiều nhưng đã hé mở một tương lai tốt đẹp, góp phần đảm bảo khả năng tự chủ kinh phí hoạt động của Viện.
● Nghiên cứu thực nghiệm các vấn đề KHCN trên mô hình vật lý đang là lĩnh vực ưu thế của Viện KHTLVN.
Được sự quan tâm từ rất sớm của Nhà nước, với sự giúp đỡ quốc tế, Viện đã và đang sở hữu một cơ sở thí nghiệm đa dạng, hiện đại, ngang tầm khu vực và một đội ngũ cán bộ thí nghiệm mạnh. Kết quả nghiên cứu bằng mô hình vật lý của Viện đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học phức tạp, như chỉnh trị sông Hồng qua Hà Nội, thiết kế các tuyến thoát lũ; xác định phương án bố trí, kết cấu và thi công các loại công trình biển ở Trường Sa, Dung Quất, Vũng Áng...; giúp những đơn vị thiết kế điều chỉnh quy mô, hình thức, kết cấu của hàng loạt công trình thủy lợi thủy điện lớn như: Hơn 20 cống ngăn mặn giữ ngọt vùng ĐBSCL, đập cao su Trà Sư, Tha La, công trình thủy lợi Phước Hoà, Văn Phong, nhà máy thủy điện Sơn La, Srokpumieng, Đồng Nai 1,2,3, Yaly, v.v… Hiện nay, các cơ sở thí nghiệm như: Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực sông, biển, phòng thí nghiệm quy mô lớn về phòng chống thiên tai ở Hòa Lạc, phòng thí nghiệm thủy động lực khu vực phía Nam tại Bình Dương đã cơ bản hoàn tất, chắc chắn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới trong tương lai.
● Lĩnh vực công nghệ tin học chuyên ngành thủy lợi được phát triển chậm hơn, song cũng đã kịp đưa Viện lên vị trí hàng đầu hiện nay của ngành. Nhiều cán bộ, đặc biệt là các cán bộ khoa học trẻ của Viện đã làm chủ, đã khai thác, ứng dụng thành công các phần mềm tiên tiến và hiện đại nhất thế giới như: bộ phần mềm đa năng họ MIKE, phần mềm mô phỏng chế độ mưa, dòng chảy NAM, phần mềm Geoslop, flaxis, GIS, SCADA v.v. để dự báo sạt lở, dự báo biến hình lòng dẫn, dự báo lũ, dự báo mặn, lan truyền ô nhiễm v.v… Đặc biệt, nhiều phần mềm do cán bộ của Viện đề xuất như: Phần mềm tính toán thiết kế, kiểm tra ổn định, tính thấm cho công trình thủy lợi; mô phỏng quá trình lan truyền sự cố tràn dầu; dự báo lan truyền dịch bệnh cúm gia cầm, sâu bệnh, mô phỏng ô nhiễm môi trường từ nhiều nguồn tác động (KOD), phần mềm hỗ trợ quản lý vận hành tự động hệ thống công trình thuỷ lợi … đã được ứng dụng vào thực tế, được thực tế chấp nhận, được các địa phương, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.
● Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ là hoạt động xuyên suốt trong các thời kỳ của Viện.
Phát huy truyền thống gắn kết khoa học với sản xuất, Viện là cơ quan đi đầu trong chuyển giao công nghệ tiên tiến vào phục vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển thủy lợi, thủy điện nhỏ miền núi, phục vụ định canh định cư, góp phần xóa đói giảm nghèo ở những vùng còn nhiều khó khăn và ổn định an ninh biên giới. Do xác định đúng yêu cầu thực tế, nên sản phẩm nghiên cứu của Viện ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn như: Công nghệ cấp nước sạch cho miền núi, hải đảo; Cửa van tự động cống vùng triều, công nghệ đập trụ đỡ và đập xà lan di động, đập cao su; Công nghệ Jet-grouting tạo cọc xi măng đất để xử lý nền; Các loại bơm hút sâu, bơm HT 3600-5, bơm 4000 trục ngang, bơm thuỷ luân; Thiết bị vớt rác tự động; Các kết cấu mới bảo vệ bờ như: Công nghệ cọc bản bê tông cốt thép dự ứng lực, thảm FS; phụ gia bê tông; Thiết bị thuỷ điện nhỏ v.v... Với thành tích trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu KH vào sản xuất, trong 10 năm gần đây, Viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 10 bản quyền sáng chế, được các Bộ ngành, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và nhiều địa phương trao 20 giải thưởng cho các sản phẩm khoa học của Viện, trong đó có 2 giải thưởng quốc tế (Giải thưởng cúp vàng của Hiệp hội sáng tạo quốc tế và giải thưởng công trình tiêu biểu của Hiệp hội kỹ sư xây dựng châu Á - Thái Bình Dương).
● Nghiên cứu khoa học phục vụ các vấn đề thời sự bức xúc.
Bên cạnh những đóng góp của Viện vào sự nghiệp phát triển nông nghiêp, nông thôn và các ngành kinh tế - xã hội của đất nước, trong thời gian qua Viện còn được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện một số nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó phải kể đến, dự án đo đạc phân giới cắm mốc sông biên giới Việt Nam – Trung Quốc, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới với Trung Quốc và Cămpuchia.
Trước tình hình biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, an toàn sản xuất và đời sống cho các vùng bị ảnh hưởng là những hướng nghiên cứu trọng điểm được Viện quan tâm. Với tinh thần đó Viện đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc tính toán dự báo diện tích ngập, thời gian ngập úng kéo dài, diện tích mặm, độ mặn xâm nhập vào ĐBSCL ứng với các kịch bản nước biển dâng, các kịch bản sử dụng nước của các nước thượng nguồn. Viện là một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện các dự án chống úng ngập cho thành phố Hồ Chí Minh, cho thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng, đã chủ trì thực hiện và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt dự án tu bổ nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước do biến đổi khí hậu, do khai thác quá mức nguồn nước của các nước vùng thượng nguồn, Viện đã và đang tổ chức nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng công trình ngăn sông lớn, với nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt, thoát lũ đảm bảo ổn định đời sống kinh tế cho các vùng đồng bằng có cao độ thấp ven biển nước ta.
3- Sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ khoa học và vị thế quốc tế của Viện.
Về phát triển nguồn nhân lực của Viện, chỉ tính 10 năm gần đây số cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, GS, PGS của Viện đã tăng từ 78 người lên 295 người, những cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn của Viện đã tăng lên gấp 3 lần. Hiện nay, tổng số cán bộ Viện gần 1487 người (trong đó biên chế 350, hợp đồng với Viện 867, hợp đồng với các đơn vị 270), trong đó có 4 GS, 16 PGS, 1TSKH, 58 TSKT, 216 Ths.
Cùng với những kết quả nghiên cứu triển khai, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Ngành. Trong 10 năm gần đây Viện đã và đang đào tạo 93 nghiên cứu sinh (NCS), trong đó 31 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ thuộc các chuyên ngành được giao. Viện đã liên kết đào tạo sau đại học với Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường đại học Cologne (CHLB Đức) về quản lý tài nguyên nước do cơ quan trao đổi hàn lâm Đức - DAAD tài trợ. Đây là cơ hội tốt để đào tạo toàn diện cho đội ngũ cán bộ của ngành nói chung và của Viện nói riêng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nhằm tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tiếp thu kịp thời những công nghệ mới để ứng dụng vào điều kiện Việt Nam, trong những năm qua, Viện đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế. Đến nay, Viện đã có mối quan hệ hợp tác với các nhà khoa học thủy lợi trên 20 nước và nhiều tổ chức quốc tế như Đan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Australia, tổ chức IRRI, FAO, WB, ICID, IPTRID, UNDP… Viện là cơ quan được chọn là đối tác thường trực Chương trình quốc tế về nghiên cứu công nghệ tưới tiêu và là nơi đặt văn phòng thường trực của Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam. Viện đã được các nước hỗ trợ một số dự án lớn như: Dự án quản lý nước tổng hợp trên các hê thống tưới (1995-2005) do ACIAR (Úc) tài trợ, dự án tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước (2001-2006) do DANlDA (Đan Mạch) tài trợ, Dự án tăng cường năng lực về quản lý tưới (2005-2010) có sự tham gia của người dân do JICA (Nhật Bản) tài trợ … Thông qua hoạt động HTQT đã gắn đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao với nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả, nhờ đó Viện đã và đang được các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và mong muốn phát triển hợp tác. Trong những năm qua, từ các dự án hợp tác quốc tế Viện đã phối hợp cùng với nhiều đối tác nước ngoài đào tạo hàng 1000 lượt cán bộ khoa học, cán bộ quản lý chuyên ngành của nhiều địa phương.
4- Phát huy nội lực, tranh thủ sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn
Trong phạm vi một bài viết không thể nào điểm hết mọi hoạt động của Viện trong 50 năm đầy biến động đã qua. Tóm lại, được sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước, với sự phấn đấu tích cực của toàn thể cán bộ trong các thời kỳ, đến nay Viện KHTLVN đã phát triển về nhiều mặt. Với những thành tích đạt được, Viện đã được nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, như Huân chương Lao Động hạng 3, hạng 2, hạng nhất; Huân chương Độc Lập hạng 3, hạng 2 (năm 2000, 2008) và được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới năm 2005. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển, Viện lại vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Nhân dịp này, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm lớn lao của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay, của Bộ Thủy lợi trước đây đối với sự phát triển khoa học-công nghệ thủy lợi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Viện KHTLVN chúng tôi.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu và có hiệu quả của Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch Đầu tư; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, Ban, Ngành Trung ương trong công tác xây dựng phát triển Viện.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các Tỉnh, Thành phố trong cả nước đã giúp đỡ, phối hợp với Viện trong quá trình triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ có hiệu quả và kịp thời cho sản xuất trong nhiều năm qua.
Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác mật thiết, quý giá và có hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học giữa Viện và Trường Đại học Thủy lợi, Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi I, II, các Viện nghiên cứu khoa học trong Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự cộng tác chặt chẽ của nhiều đơn vị và các nhà khoa học, các đơn vị và chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, đặc biệt là các Viện Cơ học, Vật lý, Khí tượng thủy văn; các trường ĐH Xây dựng, ĐH Nông nghiệp 1, ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh…và các tổ chức quốc tế từ Đan Mạch, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đức, WB, ADB, FAO … cùng các tổ chức phi chính phủ khác.
Sự trưởng thành của Viện KHTLVN hôm nay gắn liền với sự nỗ lực vượt bậc, ý chí phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên của Viện qua các thế hệ; không tách rời với những đóng góp to lớn của nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ khoa học đầu ngành của Viện NCKHTL, Viện KHTL, Viện KHTLMN qua các thời kỳ như các cố Viện trưởng Trần Đăng Khoa, GS. Đào Khương và các cố phó viện trưởng các thời kỳ, nguyên viện trưởng GS. Nguyễn Thanh Ngà; GS. TS. Nguyễn Tuấn Anh; Anh hùng lao động GS. TSKH. Nguyễn Ân Niên, GS. TS. Lê Sâm và nguyên các phó viện trưởng. Đặc biệt là những đóng góp của Thứ trưởng Đào Xuân Học, kiêm Giám đốc Viện KHTLVN, đã có nhiều công lao trong công tác tổ chức và ổn định hoạt động của Viện trong giai đoạn đầu chuyển đổi tổ chức.
5- Viện KHTLVN vững tin trước những cơ hội và thách thức mới.
Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, mỗi cán bộ, viên chức của Viện có thể tự hào về những thành tựu đạt được, song không quên rằng phía trước còn có nhiều cơ hội và cả những thách thức mới đang chờ đợi chúng ta. Để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng này, hoạt động khoa học của Viện cần bám sát những mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước, cùng những nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia; Chiến lược phát triển thủy lợi; Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ Quốc Gia; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn; Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu; Đề án tam nông; Chương trình cũng cố và nâng cấp đê biển; Dự án chống úng ngập cho các thành phố. Đặc biệt, với cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực được đầu tư lớn hiện nay, Viện ta cần tham gia nhiều hơn có hiệu quả hơn nữa trong chiến lược khai thác, nâng cấp tiềm năng kinh tế biển. Sản phẩm khoa học của Viện phải nhanh chóng đưa vào thực tiễn sản xuất và đời sống, sớm phát huy hiệu quả nhằm góp phần đắc lực phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của nước nhà.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Viện KHTLVN xin hứa tiếp tục phấn đấu vươn lên, cải tiến sắp xếp tổ chức và đội ngũ, nâng cao bản lĩnh và năng lực nghiên cứu khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy tối đa tài năng của mỗi cá nhân và sự đồng tâm, nhất trí của mỗi tập thể, để nhanh chóng thích ứng với cơ chế mới, nâng cao vai trò trách nhiệm trong giai đoạn mới. Với chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng giao cho, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đúc kết được, tập thể cán bộ, viên chức Viện KHTLVN nguyện tiếp tục phấn đấu và tin tưởng sẽ vượt qua những thách thức trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả khoa học, công nghệ thủy lợi, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cho đất nước Việt Nam thân yêu.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 55/2008/QĐ-BNN ngày 24/4/2008
Xem chi tiếtViện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được thành lập năm 1959, tiền thân là Học viện Thủy lợi Điện lực. Hiện nay là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam theo quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Xem chi tiếtViện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức,sắp xếp lại Viện Khoa học Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Miền nam.
Xem chi tiếtSáng ngày 3/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện và đón nhận huân chương Hồ Chí Minh.
Xem chi tiết