TextBody
Huy chương 2

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015

23/01/2015

Ngày 23/1/2015, tại Hội trường Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 tại 3 điểm cầu Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên

Tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết, về phía cơ quan ngoài Viện có Ông Nguyễn Minh Nhạn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; đại diện lãnh đạo và các chuyên viên các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Cục An ninh Nông nghiệp và Nông thôn, Quận Ủy Đống Đa... và một số cơ quan truyền thông báo chí. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Đảng ủy-Ban Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; các cán bộ nguyên lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, các cán bộ khoa học lão thành,  toàn thể lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện; Chủ tịch Công đoàn và Bí thư đoàn thanh niên Viện, trưởng các phòng, trung tâm của các đơn vị thuộc Viện; các cán bộ có học vị từ tiến sỹ trở lên ở 3 điểm cầu.

Thay mặt Đảng ủy-Ban Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy-Giám đốc Viện  đã báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của Viện. Theo đó, năm 2014 là năm thứ 6 Viện hoạt động theo mô hình tổ chức mới, trong bối cảnh luật khoa học công nghệ mới được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 với nhiều chính sách mới đang được triển khai và áp dụng, là năm đầu tiên chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư liên tịch 121 về việc đưa lương và hoạt động bộ máy vào các nhiệm vụ thường xuyên theo tiến trình thực hiện Nghị định 115 về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị KHCN sự nghiệp công lập. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan, Đảng ủy và Ban Giám đốc Viện đã đề ra kế hoạch, giải pháp và tổ chức chỉ đạo thực hiện đảm bảo sự ổn định và phát triển Viện toàn diện về mọi lĩnh vực công tác như công tác chỉ đạo điều hành, công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp đồng kinh tế, công tác thông tin và tuyên truyền về khoa học công nghệ, công tác hợp tác quốc tế... Có thể kể đến như:

Viện đã tập trung bám sát các nhiệm vụ của Bộ, ngành, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Viện đã thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa và cây trồng cạn chủ lực; thủy lợi phục vụ thủy sản; nghiên cứu bảo vệ bờ biển bằng các giải pháp mềm, gây bồi, tạo bãi, trồng cây chắn sóng; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai lũ, hạn, xâm nhập mặn và an toàn đập; chính sách, tổ chức, thể chế và xã hội trong sử dụng hợp lý tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Viện đã điều hành các đơn vị thực hiện các công việc lớn của Bộ để giải quyết các vấn đề mang tính chất liên ngành, đa lĩnh vực như quản lý tổng hợp lưu vực sông; xây dựng bản đồ ngập lụt hạ lưu sông và hồ chứa; bảo vệ đê biển, bờ biển bằng các giải pháp mềm; tưới tiết kiệm nước cho các vùng đất dốc; dự án WB7, WB8.

Trong năm 2014, Viện quản lý thực hiện 109 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp gồm 45 đề tài/dự án cấp Nhà nước; 33 đề tài/dự án  cấp Bộ và 22 đề tài cấp tỉnh; 9 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn. Nhiều đề tài/ dự án nghiên cứu của Viện trong năm 2014 vừa qua đã có những đóng góp cho thực tế ngay cả trong thời gian thực hiện như đã xây dựng xong bản đồ ngập lụt hạ du các lưu vực sông theo cấp báo động cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên để phục vụ công tác điều hành mùa lũ bão năm 2014; chủ động tính toán  xây dựng bản đồ ngập lụt, nước dâng do siêu bão cho một số tỉnh ven biển; nghiên cứu và triển khai thành công công nghệ dự báo và giám sát xâm nhập mặt tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; công nghệ cấp, trữ nước cho vùng đất dốc, núi cao, biên giới, hải đảo; liên tục hoàn thiện công nghệ đập trụ đỡ, đập xà lan di động, đề xuất ứng dụng để xây dựng các công trình ngăn sông, ngăn mặn, giữ ngọt, chống úng ngập cho các thành phố lớn; đang tổ chức nghiên cứu, chế tạo cửa van lớn phục vụ chống úng ngập cho thành phố Hồ Chí Minh... Viện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra quyết định công nhận 17 tiến bộ kỹ thuật và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 02 bằng độc quyền sáng chế cho 2 công nghệ.

Đối với hợp đồng kinh tế và chuyển giao công nghệ, năm 2014, Viện đã thực hiện thành công Tư vấn tổng Dự án Hỗ trợ phát triển nông nghiệp có tưới (WB7) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, Nhà tài trợ đánh giá cao và giao tiếp cho Viện nhiệm vụ tư vấn tổng cho các dự án lớn như WB8 về an toàn đập. Số hợp đồng Viện ký được là 346 hợp đồng với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng, trong đó Viện đã ký và thực hiện một số hợp đồng giá trị cao như cống ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường trên sông Lam; sửa chữa 11 tổ máy bơm loại OP6-145 và sửa chữa, thay thế các thiết bị cơ khí phụ trợ trạm bơm Cốc Thành, Hữu Bị; sửa chữa, nâng cấp trạm bơm Đặng Xá... Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật của Viện đã và đang được chuyển giao, ứng dụng vào các dự án ODA (mô hình tổ chức quản lý tưới, tổ chức hợp tác dùng nước, các mô hình tưới tiết kiệm, khung chính sách tái định cư; công nghệ đập ngầm, xây dựng tiêu chí thủy lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới) và chuyển giao vào thực tế như lắp đặt bơm HT3600-5 cho công trình trạm bơm Đặng Xá với số lượng 33 tổ máy; thiết bị vớt rác tự động lắp đặt cho công trình trạm bơm tại Bắ Ninh, Hà Nội với số lượng 10 bộ; công nghệ chế tạo và xây dựng thiết bị quan trắc, phần mềm tự động phục vụ quản lý vận hành hồ chứa đã được chuyển giao và lắp đặt cho nhềiu hồ chứa nước ở các tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh. Nhiều công nghệ của Viện đã và đang tiếp tục được cải tiến, ứng dụng thông qua việc chuyển giao bản quyền tác giả như đập xà lan di động, đập trụ đỡ...

Ngoài ra, Viện đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định thư với Trung Quốc về nghiên cứu công nghệ ứng phó khẩn cấp cho các trạm thủy điện trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường và Nghị định thư với Mỹ về nghiên cứu phòng trừ kiến dán đô thị. Viện tiếp tục duy trì và phát triển các mạng lưới quốc tế như mạng lưới Quốc tế về nước và Hệ sinh thái đồng ruộng (INWEPF) gồm 17 nước thành viên khu vực; Mạng lưới Trung tâm Phát triển Tài nguyên bền vững (CNRD) gồm 12 trường Đại học về Viện Nghiên cứu trên thế giới; Hiệp hội Nghiên cứu và phát triển (BORDA-CHLB Đức) gồm các nước trong khu vực Châu Á, Châu Phi. Đã hoàn thành thủ tục cho 19 Đoàn công tác quốc tế đến thăm và làm việc tại Viện và đã cử 184 lượt cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài...

Mặt khác, công tác thông tin, quảng bá hình ảnh của Viện gắn với kết quả nghiên cứu khoa học từng bước đi vào chiều sâu và thể hiện rõ nét về sự đa dạng các loại hình hoạt động thông qua các Hội nghị, Hội thảo, triển lãm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan ngoài Bộ và các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức; qua các sách chuyên ngành của Viện, qua tạp chí khoa học và công nghệ của Viện, trang thông tin điện tử, qua các bài báo đăng trên các trang báo mạng, báo giấy và nhiều phóng sự giới thiệu công nghệ của Viện trên các chương trình truyền hình như VTV2, VTV6, Đài truyền hình Đà Nẵng...  Đặc biệt, Viện đã có 21 bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí nước ngoài và giới thiệu tại nhiều Hội thảo quốc tế.

Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ông Nguyễn Minh Nhạn đã chúc mừng các thành tích đã đạt được của Viện trong năm 2014 vừa qua và nhấn mạnh: Trong năm 2014, công việc của Viện đã có nhiều điểm khởi sắc như công tác quản lý điều hành của Viện đã có sự thay đổi phù hợp hơn với môi trường khoa học công nghệ; công tác tổ chức cán bộ, nhân sự cũng có nhiều sự đổi mới rất kịp thời;  Viện đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của Bộ, của ngành, phù hợp với chiến lược phát triển của Bộ, ngành, phù hợp với tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới; đã xác định cụ thể 05 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2014 và những năm tới phù hợp với yêu cầu của Bộ; đã có sự sắp xếp, đổi mới trong công tác tổ chức nghiên cứu, tổ chức lực lượng triển khai các chương trình lớn của Bộ, ngành; môi trường làm việc của Viện thân thiện, dân chủ, minh bạch, công khai. Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ cũng lưu ý: Môi trường làm việc của Viện sẽ có nhiều thay đổi nhất là về tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ khi áp dụng thông tư 121 vì vậy vấn đề tổ chức, biên chế sẽ phải có sự thay đổi; các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học của Bộ đặt hàng sẽ tập trung hơn vào phục vụ chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm lớn của Bộ do vậy Viện cần kiểm soát chất lượng sản phẩm đề tài/dự án; tiếp tục đổi mới công tác quản lý điều hành giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Viện, xử lý tốt mối quan hệ giữa các đơn vị trực thuộc Viện với nhau và Viện cần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiếp tục quan tâm tới công tác nhân sự; bố trí, sắp xếp cán bộ, hoàn chỉnh bộ máy tổ chức.

Tiếp theo đó, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ cũng đã trả lời các kiến nghị nêu trong báo cáo tổng kết của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và mong muốn năm 2015 Viện cần có sự bứt phá cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa so với năm 2014 và tạo tiền đề để đạt được nhiều thành quả hơn những năm tiếp theo.

Cũng tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao tặng Cờ thi đua, huân chương, bằng khen... cho các đơn vị, tập thể và cá nhân trong Viện đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

 

Ý kiến góp ý: