Việt - Đức hợp tác về xử lý nước thải công nghiệp
04/12/2015Từ ngày 1-3/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF) tổ chức Hội thảo quốc tế về nghiên cứu và phát triển bền vững về nước giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Phát biểu tại hội thảo, TS Wilfried Kraus, đại diện Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức cho rằng, nước là nguồn tài nguyên quý giá, cần thiết và quan trọng nhất trên thế giới. Nguồn nước ô nhiễm, khai thác quá mức nước ngầm và nước mặt là vấn đề rất nghiêm trọng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức đã xây dựng rất nhiều chương trình hành động khắc phục những thách thức trong lĩnh vực môi trường. Những chương trình này được tiến hành theo hai chiến lược kinh tế là áp dụng công nghệ cao của Đức để tạo ra các sản phẩm có thể tiết kiệm tài nguyên trong các ngành khác nhau và phát triển tài nguyên tạo bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những chương trình đặc biệt đó phải kể đến là dự án hợp tác giữa Việt Nam – CHLB Đức về xử lý nước thải công nghiệp (gọi tắt là AKIZ).
Theo Bộ KH&CN, AKIZ là một dự án nghiên cứu khoa học lớn được tài trợ bởi Bộ giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức, Bộ KH&CN, có sự tham gia của 17 trường đại học (ĐH) và Viện nghiên cứu Việt Nam và Đức.
Với tổng ngân sách hơn 10 triệu EUR, AKIZ là một trong những dự án nghiên cứu quan trọng, phát triển các giải pháp xử lý nước thải cho khu công nghiệp. Dự án đã được thí điểm tại Cần Thơ và đã thành công trong việc tạo ra năng lượng sạch như khí đốt sinh học từ bùn thải và khả năng thu hồi chất có giá trị trong các quá trình xử lý.
Trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam đã xây dựng hơn 200 khu công nghiệp nhưng phần lớn các khu công nghiệp (KCN) đều chưa có giải pháp xử lý nước thải công nghiệp một cách bền vững. Hàng ngày, hơn một triệu m3 nước thải được xả thải tại các KCN và khoảng 75% trong số này không được xử lý, xả thải thẳng vào môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật.
Tính đến giữa năm 2011, chỉ có 143/232 khu công nghiệp trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải, 30 KCN đang trong quá trình xây dựng các trạm xử lý. Nước thải công nghiệp là nguyên nhân gây “chết” nhiều dòng sông như sông Nhuệ, sông Cầu ở miền Bắc, sông Đồng Nai ở miền Nam… Do đó, việc nhân rộng kết quả của Dự án AKIZ là điều cần thiết.
Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều KCN đang được xây dựng và nhận được đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường và nguồn nước cho các thế hệ tương lai, nhu cầu về nguồn nước là rất lớn. Bởi vậy, cần có giải pháp tổng thể về xử lý chất thải; cần chú trọng đến kỹ thuật, quản lý, đặc biệt là những vấn đề về tài chính để đầu tư cho bảo hành, bảo trì, xây dựng và xử lý nước thải. Các chuyên gia cũng mong muốn qua dự án Akiz, có thể nhân rộng mô hình quản lý bền vững cho Việt Nam, đặc biệt là nhân rộng công nghệ xử lý nước thải cho các KCN tại Việt Nam.
Tại hội thảo, Giám đốc của Dự án tổng thể AKIZ, GS.TS Karl Ulrich Rudolph và Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Nội đã trao những cuốn sách hướng dẫn thực hành tốt nhất về quản lý nước thải công nghiệp bằng 3 thứ tiếng gồm: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức tới các đại biểu tham dự đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu về nước và nước thải ở Việt Nam. Đây được coi là một thành tựu từ kết quả nghiên cứu của Dự án AKIZ.
Được biết, dự kiến năm 2016, sự hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức trong nghiên cứu nước và phát triển bền vững sẽ tiếp tục với một số chủ đề như: tài nguyên thiên nhiên; năng lượng (tập trung nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo); biến đổi khí hậu.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến góp ý: