Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới
07/05/2012Nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển và quản lý nước xuyên biên giới, Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC) đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới lần thứ nhất (Mekong2 Rio) tại Phuket (Thái Lan) từ ngày 1 đến 3/5/2012. Đây là một trong các sự kiện quốc tế hướng tới Hội nghị về phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức tại Rio De Janeiro (Rio+20) vào tháng 6 tới. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai dẫn đầu cùng hơn 10 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành liên quan
Mekong2Rio đã quy tụ hơn 350 đại biểu là những chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực quản lý nước đại diện cho 14 tổ chức lưu vực sông quốc tế ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ; 16 tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức trong và ngoài lưu vực sông Mê Công.
Quản lý nguồn nước ngày càng đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều cho các lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của loài người về nước, lương thực và năng lượng. Vấn đề này càng phức tạp và nhiều thách thức hơn đối với các lưu vực xuyên biên giới, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác toàn diện của các bên liên quan. Lưu vực sông Mê Công là một trong số lưu vực sông quốc tế đang phải đối mặt với vấn đề quản lý nguồn nước và Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm đảm bảo cùng sử dụng nguồn nước sông Mê Công một cách bền vững và hiệu quả nhất.
Mekong2Rio đã tập trung thảo luận, chia sẻ về vấn đề phát triển và quản lý nguồn nước cũng như vấn đề tăng cường năng lực thể chế và thúc đẩy quá trình đối thoại trong các lưu vực sông xuyên biên giới trên thế giới. Hội nghị đã chia thành các tiểu ban khác nhau để thảo luận về các nhóm vấn đề cụ thể và sau đó được tổng hợp trong các phiên tập trung. Các vấn đề chính được Hội nghị thảo luận bao gồm: Các thách thức về môi trường, nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng trong lưu vực sông Mê Công cũng như trong các lưu vực sông quốc tế; Các giải pháp và viễn cảnh lồng ghép các vấn đề liên quan như quản lý chính sách vĩ mô, kinh tế kỹ thuật, môi trường, khí hậu, đói nghèo, an ninh lương thực, năng lượng.
Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị đã đưa ra thông điệp về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới (thông điệp Mekong2Rio). Thông điệp Mekong2Rio chỉ rõ ở rất nhiều nơi trên thế giới nhu cầu nước không ngừng tăng cao và vượt xa khả năng cung cấp, sản xuất nông nghiệp truyền thống sử dụng một lượng lớn nước và cần thiết phải sử dụng một cách hiệu quả hơn vì một mặt nhu cầu sử dụng nước của các ngành khác cũng đang tăng như ngành năng lượng, và mặt khác phải đáp ứng yêu cầu dòng chảy môi trường để duy trì các chức năng hệ sinh thái cũng như sinh kế. Điều này cần thiết phải có những giải pháp mang tính đột phá thông qua cách tiếp cận quan hệ (nexus approach).
Thông điệp Mekong2Rio nêu bật tầm quan trọng và sự cần thiết áp dụng cách tiếp cận quan hệ trong các lưu vực sông xuyên biên giới. Hợp tác xuyên biên giới có thể tăng thêm lợi ích và cơ hội hơn là cách tiếp cận đơn lẻ theo từng quốc gia. Cách tiếp cận quan hệ không hẳn là hoàn toàn mới, nhưng nó tiếp cận vấn đề một cách hệ thống với các mối quan hệ lẫn nhau và vì vậy nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trong các ngành nước, lương thực và năng lượng, nó giúp nhận biết các mối quan hệ giữa các ngành này ở quy mô xuyên biên giới và giúp phân tích, xác định các thỏa hiệp cần thiết cũng như những giải pháp các bên cùng có lợi. Cách tiếp cận quan hệ được xây dựng dựa trên việc quản lý tổng hợp nguồn nước (IWRM) đã nêu bật sự cần thiết của việc đối thoại và tham gia thực sự của các ngành vào các vấn đề an ninh nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng tại tất cả các cấp độ từ cấp địa phương tới cấp xuyên quốc gia.
Hội nghị hy vọng rằng thông điệp Mekong2Rio sẽ nhận được sự quan tâm tại Rio+20 vào tháng 6 tới và là cơ sở nền tảng cho các diễn đàn sắp tới về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới. MRC cùng các đối tác tài trợ quốc tế sẽ xuất bản bộ tài liệu kỹ thuật Mekong2Rio để phổ biến kết quả của Hội nghị trong nỗ lực giải quyết các thách thức trong tương lai tới các bên liên quan trên toàn thế giới. Tài liệu này sẽ được giới thiệu tại Tuần lễ Nước Thế giới tổ chức tại Stockholm vào tháng 8 năm 2012.
Hội nghị quốc tế về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới sẽ được MRC tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Hội nghị lần thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014.
Lê Văn Hợp
(từ Phukhet, Thái Lan)
Theo monre.gov.vn
Ý kiến góp ý: