TextBody
Huy chương 2

Vốn xã hội - một “chất liệu” đặc biệt cần được huy động trong xây dựng nông thôn mới

18/07/2013

Vốn xã hội là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, phát huy vai trò của vốn xã hội trong phát triển đã và đang là những trăn trở của các nhà khoa học. Và lần đầu tiên có một đề tài khoa học nghiên cứu về vấn đề huy động vốn xã hội vào phát triển các ngành nghề trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, đó là đề tài "Nghiên cứu các giải pháp huy động "vốn xã hội" cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới" do ThS. Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng phòng Chính sách xã hội và Phát triển bền vững - Trung tâm Đạo tạo và Hợp tác Quốc tế,  Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm. Sáng ngày 17 tháng 7 năm 2013, tại KS. Melia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khởi động của Đề tài này.

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Tùng Phong, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế; ThS. Nguyễn Ánh Tuyết, chủ nhiệm đề tài. Hội thảo cũng đã quy tụ được rất nhiều các nhà khoa học đầu ngành về xã hội học, nông nghiệp, thủy lợi… đến từ Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội;Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn;Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Cục chế biến, Thương mai Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới,… 

Tại Hội thảo các vấn đề như: Vốn xã hội,các lý thuyết, cách đo lường vốn xã hội ở khu vực nông thôn; thực trạng, các nhân tố tác động đến phát triển các ngành nghề; khả năng và giải pháp  huy động vốn xã hội cho phát triển các ngành nghề ở khu vực nông thôn hiện nay; đã được các báo cáo viên trình bày và các đại biểu thảo luận sôi nổi. 

Báo cáo tại Hội thảo đã đưa ra các khái niệm về vốn xã hội của các nhà khoa học trên thế giới như: Fukuyama quan niệm vốn xã hội gồm có các chuẩn mực của sự có đi có lại và vốn xã hội biểu thị sự tin cậy; Coleman khẳng định trách nhiệm, sự mong đợi và lòng tin là các hình thức của vốn xã hội… Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, đề tài nên đưa ra một khái niệm then chốt về vốn xã hội có tính đặc thù của Việt Nam từ cách tiếp cận nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả trên cơ sở xem xét bối cảnh hình thành vốn xã hội Việt Nam và không phụ thuộc vào các khái niệm của thế giới. Đặc biệt ngành nghề phi nông nghiệp ở Việt Nam khác với nước ngoài, gắn liền vào đó là yếu tố văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để huy động vốn xã hội vào phát triển các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn. Bởi ngành nghề phi nông nghiệp ở Việt Nam đang góp phần giải quyết việc làm (thu hút tới 11 triệu lao động), tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Về vấn đề này, ngay trong báo cáo đề dẫn, ThS. Nguyễn Ánh Tuyết đã nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu đề xuất được các giải pháp huy động vốn xã hội, nhóm thực hiện đề tài sẽ tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát thực tế trong nước nhằm đánh giá thực trạng vốn xã hội, tình hình huy động vốn xã hội cũng như những thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn xã hội cho phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới. Các đại biểu cho rằng: Vốn xã hội là một chủ đề rất lớn, hoan nghênh nhóm nghiên cứu đã đưa ra được những hướng tiếp cận nghiên cứu tuy nhiên cần phải lựa chọn các đặc trưng có thể đo lường được vốn xã hội, quan tâm đến tính truyền thống của vốn xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam, tính vùng miền trong các đặc trưng vốn xã hội,.. cũng như lựa chọn nhóm ngành nghề có đặc trưng rõ nét của mỗi vùng kinh tế ( 7 vùng kinh tế), chọn địa bàn khảo sát phù hợp tại cấp xã ở mỗi vùng, xây dựng khung kỹ thuật của nghiên cứu để tìm hiểu và giải quyết bài toán huy động vốn xã hội đối với việc phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn. 

Cũng theo các đại biểu, đây là một Hội thảo hết sức có giá trị, Hội thảo đã đi từ khái niệm, lý thuyết vốn xã hội đến bức tranh của ngành nghề nông thôn Việt Nam và, những lát cắt của vốn xã hội đối với phát triển kinh tế khu vực phi nông nghiệp,... Nếu đề tài giải quyết được bài toán huy động vốn xã hội vào phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở Việt Nam thì sẽ tạo được sự chuyển hóa tích cực trong kinh tế nông thôn. Hay nói cách khác, vốn xã hội sẽ chuyển hóa thành vốn tài chính, vốn con người, thành sự tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước, của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thành khối đoàn kết sức mạnh góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, về kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam. 

Hội thảo khởi đầu của đề tài đã đạt được thành công tốt đẹp bởi không chỉ tiếp thu được các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học đầu ngành về xã hội học, chính sách, quản lý, thủy lợi, nông nghiệp mà Hội thảo còn thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các đại biểu tham dự. Hội thảo đã kết thúc, nhưng dư âm vẫn còn. Bên lề Hội thảo, các đại biểu vẫn tiếp tục bàn luận để đóng góp tiếng nói cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Thanh

Ý kiến góp ý: