TextBody
Huy chương 2

Vùng sạt lở sông Hồng kéo dài thêm 1.900m

20/08/2010

Tuy đã tạo ra một bờ bao dài hơn 700 m, nhưng ông Đỗ Huy Thịnh, Trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, sông Hồng sạt lở thêm gần 2.000 m

Theo ông Thịnh, theo kết quả khảo sát, kiểm tra của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội (Chi cục), tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra với tổ dân phố 27, từ chân cầu Chương Dương đến Long Biên với chiều dài 730 m, mà đã kéo dài đến các tổ dân phố 22, 25. Theo đánh giá của UBND quận Long Biên, tổng chiều dài sạt lở ở bờ tả hiện là trên 2.70 m (từ chùa Bồ Đề đến đền Yên Tân, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên - PV). Nếu không được gia cố, hộ chân kịp thời, sạt lở sẽ tiến sâu vào bờ, đe dọa đến cuộc sống của nhiều hộ dân.

“Sau khi triển khai xong việc gia cố, kè chân ở tổ 27, Chi cục đang để xuất với thành phố cho triển khai tiếp giai đoạn 2. Cụ thể, nếu được chấp thuận, thời gian tới, Chi cục tiếp tục tiến hành kè chân hơn 2.000m bờ sông còn lại ở các tổ 22, 25 và tiến hành kè tiếp phần mái ở tổ 27”, ông Thịnh nói.

Về phương án thực hiện giai đoạn 2, ông Thịnh cho biết, đây là phương án có tính ổn định lâu dài, nếu cả hai giai đoạn được thực hiện thì tình trạng sạt lở ở bờ tả sông Hồng cơ bản được khống chế, cuộc sống người dân không còn bị đe dọa khi mưa bão xảy ra.

“Tuy nhiên, để thực hiện kè tiếp phần mái ở tổ 27, sẽ có một số hộ dân phải di dời vĩnh viễn để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Số lượng hộ dân và diện tích phải giải phóng sẽ được Chi cục và quận Long Biên tiến hàng khảo sát, đo đạc kiểm đếm cụ thể sau khi phương án được đưa thành phố thông qua”, ông Thịnh cho biết thêm.

Nói về việc di dân không thành vừa qua, cũng như thực hiện lại kế hoạch này trong thời gian tới, ông Thịnh cho rằng, việc di dân vừa qua chỉ là tạm thời trong 6 tháng, hầu hết các hộ gia đình sau khi nhận tiền hỗ trợ đã tự tìm nhà ở, do gặp khó khăn tại nơi ở mới nên nhiều hộ dân đã quay về. Hơn nữa, sau khi chân bờ sông được kè, tình trạng sạt lở không còn nguy hiểm nên cũng khiến các hộ dân quay về. Kế hoạch di dân sắp tới sẽ được thực hiện theo phương án tái định cư. Cụ thể, thành phố sẽ giao cho quận Long Biên bố trí riêng một khu nhà nằm trên địa bàn, sau đó di dời các hộ dân trong phạm vi giải tỏa đến. Việc đảm bảo cuộc sống cho hộ dân tại nơi ở mới cũng là một nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện phương án kè bờ sông.

Như Đất Việt đã phản ánh, sau khi phương án di dời dân không thành, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo phải thực hiện ngay phương án kè bờ, hộ chân để chống sạt lở. Từ đầu tháng 8 đến nay, với tư cách là chủ đầu tư dự án, Chi cục và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và thương mại Bình Minh thực hiện dự án. 

Sau gần nửa tháng thực hiện, Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và thương mại Bình Minh đã huy động trên 24.000 m3 đá và đắp được một bờ bao dài 730m, ôm trọn bờ tả sông Hồng, đoạn từ chân cầu Chương Dương đến Long Biên. Sau khi bờ bao được hình thành, tình trạng sạt lở nguy hiểm ở tổ dân phố 27 phường Ngọc Lâm cơ bản được khắc phục.

 

 Nguồn: datviet

Ý kiến góp ý: