Vùng sông nước… khát nước
22/06/2010Với hơn 13.000km sông, chiếm 30% tổng chiều dài sông toàn quốc, và là nơi sông Mêkông - con sông lớn nhất Đông Nam Á có quy mô 500 tỉ mét khối nước - chảy qua, ĐBSCL được mệnh danh là vùng sông nước.
Thế nhưng vùng sông nước này đang tiến dần đến đỉnh nghịch lý: Khát nước quanh năm. Không chỉ có người dân ở các vùng biển đảo hay vùng trũng trong đất liền như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đang như bị thiêu đốt trong cơn khát, mà hàng ngàn người dân sống ven sông Tiền, sông Hậu cũng đang “khát” vì nguồn nước ô nhiễm với mức độ tử vong cao.
“Khát” bên biển nước
Nắng nóng gay gắt kéo dài, lượng mưa không đáng kể, thế nhưng theo nhận định của nhiều nhà khoa học, thời tiết chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly nghịch lý về tình trạng khát nước quanh năm ở ĐBSCL. Nguồn: laodong
Bởi trong thời gian qua, từ nhiều nguồn đầu tư, nơi đây đã đổ ra cả núi tiền xây dựng hệ thống cấp nước, nhưng lần lượt những hồ chứa, trạm cấp nước, giếng khoan... trở thành đống sắt vô dụng khiến người dân phải tự săn tìm nguồn nước sinh hoạt, trong đó có cả nguồn nước nhiễm bẩn chết người.
Khát... khắp nơi
“Ở đây, một thau nước được tận dụng ít nhất là 3 lần sử dụng: Đầu tiên là vo gạo; kế đến là rửa thực phẩm; sau đó là giội cầu hoặc tưới cây” - chị Trần Thuý Diễm, xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang), mở đầu câu chuyện về… nước trên đảo. Dù đã hình dung đến tình huống xấu nhất về nạn khát nước giữa biển khơi, nhưng chúng tôi không khỏi hụt hẫng trước thực tế khắc nghiệt đã và đang đẩy người dân nơi đây lên đỉnh cháy khát.
Đã mấy tháng nay, chuyện hiếm nước ngọt đã đốt nóng cả quần đảo Nam Du. Bí thư Đảng uỷ xã Nam Du - ông Lê Minh Công - cho biết, hiện chỉ duy nhất Hòn Lớn (xã An Sơn) cách đây khoảng 10km là còn nước, nhưng phải mất 2-3 ngày đặt hàng với giá tương đương 120-150 ngàn đồng/m3 mới mua được vì phải mất từng ấy thời gian để người đổi nước vét từ những đáy giếng hun hút sâu.
Trong khi đó, tại vùng bán đảo Cà Mau hay vùng cao như Kiên Lương, An Minh (Kiên Giang), Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), chuyện nước sinh hoạt cũng căng thẳng không kém. Không chỉ người dân vùng sâu Kiên Lương, An Minh (Kiên Giang) phải tận dụng nước từ các ao tù đầy tạp chất để dùng vào sinh hoạt, mà “ngay cả cán bộ tại trung tâm hành chính huyện cũng phải xài nước lấy trực tiếp từ mương quanh cơ quan” - Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành Nguyễn Thanh Hà xác nhận.
Thậm chí ngay ở TP.Rạch Giá - trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Kiên Giang - cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt. Theo ông Trương Đức Hiền - Giám đốc Cty cấp thoát nước Kiên Giang - không chỉ cắt giảm lượng nước cung cấp mà Cty còn tính đến khả năng phải pha nước mặn vào hồ nước ngọt phục vụ khách hàng.
Không dừng lại đó, nạn khát nước còn tấn công ngay cả cư dân tại hai kho nước khổng lồ của ĐBSCL là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, cùng hàng ngàn hộ dân sống ven sông Tiền, sông Hậu.
Anh Lê Tấn Lợi, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), nơi được xây dựng 3 trạm cấp nước, bức xúc: “Không có nước sạch, người dân phải mua những thùng nước lọc về sử dụng trong ăn uống”. Theo anh Lợi, bình quân hàng tháng khoản tiền này lên đến 100-200 ngàn đồng/hộ, một con số quá lớn so với thu nhập ở vùng nông thôn như Tân Phước.
Tự trói mình
Năm 1997, trong một lần thị sát tại quần đảo Nam Du, tận mắt chứng kiến nỗi khó khăn về nước ngọt của người dân, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã chỉ đạo ngành chức năng xây một hồ chứa nước quy mô 30.000m3 với tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng nhằm mục tiêu đến năm 2010 sẽ cung cấp cho mỗi hộ dân 40 lít nước/ngày và tạo nguồn nước phục vụ 1 trạm xá, 1 nhà máy chế biến hải sản.
Năm 2000, hồ nước hoàn thành, nhưng sau đó - dù đã nhiều lần sửa chữa với tổng số tiền lên đến 15 tỉ đồng - hồ nước vẫn không có nước để cung cấp cho người dân. Thế là cái hồ khổng lồ này “không những không làm người dân hết khát mà trái lại, còn làm hao mòn niềm tin của người dân” - một vị lãnh đạo huyện Kiên Hải (Kiên Giang) bức xúc nói.
Còn ở Đồng Tháp, dư luận đang nhức nhối với nạn khát nước ngay giữa rừng hệ thống cấp nước do lối đầu tư thiếu khoa học. Dù đã xây dựng 375 trạm cấp nước, với mật độ bình quân 3 trạm/xã, cá biệt ở huyện Tháp Mười, bình quân gần 7 trạm/xã, nhưng cho đến nay cả tỉnh chỉ có 55% hộ dân được sử dụng nước sạch, hàng ngàn hộ dân bị khát quanh năm vì nhiều trạm cấp nước bị vô hiệu hoá ngay khi mới hoàn thành.
Nguyên nhân cơ bản nhất là do đầu tư chạy theo số lượng, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ (trạm xây xong, nhưng không có điện bơm nước, thiếu đường ống dẫn nước, nguồn nước bị nhiễm bẩn…) khiến hàng chục công trình trị giá hàng tỉ đồng trở thành vật vô dụng. Có trạm cấp nước bị tận dụng làm bãi giữ trâu bò suốt 5-7 năm qua mà ngành chức năng cũng chẳng buồn lên tiếng.
Đáng trách hơn, tại một số nơi, người dân bị khát vì sự khô cứng của đơn vị cấp nước mà điển hình là xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Dù ngay trên địa bàn xã có hồ chứa nước khổng lồ của Nhà máy nước thị xã Hà Tiên “ở nhờ” nhiều năm, nhưng do những ràng buộc của cơ chế hạch toán trong cơ quan nhà nước nên nguồn nước này không thể cung cấp cho cư dân bản địa, khiến hơn 600 hộ dân nghèo ở đây quanh năm phải mua nước với giá cao 50-60 ngàn đồng/m3.
Rước thảm hoạ
Là vùng sông nước, nhưng hầu hết các công trình cấp nước ở ĐBSCL, thậm chí là các địa phương nằm ngay bên sông Tiền, sông Hậu tràn đầy nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp, vẫn có thói quen khai thác nước ngầm. Điều này không chỉ gây lãng phí, gia tăng nguy cơ cạn kiệt tài nguyên mà còn trực tiếp trút thảm hoạ lên đầu người dân bởi điều này không chỉ tạo điều kiện cho thạch tín (asen) trực tiếp tấn công sức khoẻ con người, mà còn gia tăng nguy cơ nhiễm tầng với những hậu quả lâu dài mà khoa học hiện nay chưa lường hết được.
Theo các chuyên gia tài nguyên nước, vùng ĐBSCL có nguy cơ và khả năng lan truyền thạch tín trong nước ngầm rất cao. Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp này được phát hiện rất muộn.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bức xúc: “Mãi đến khi tại địa bàn ấp Thống Nhất liên tiếp xuất hiện người chết vì bệnh ung thư, và sau nhiều lần kiến nghị, cấp trên mới cử đoàn đến xét nghiệm và chính thức xác nhận nguồn nước mà trạm cung cấp đã bị nhiễm thạch tín rất cao”.
Tương tự tại huyện An Phú (An Giang), sau nhiều năm vô tư sử dụng, mới đây ngành chức năng phát hiện phần lớn nguồn nước ngầm đều bị nhiễm thạch tín và cho đến nay, công tác khắc phục hậu quả chỉ dừng lại ở mức ngừng cung cấp nước cho người, nhưng lại vô tư sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Tình trạng nêu trên không chỉ tạo ra vật cản lớn cho các địa phương trong quá trình hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2010, có 85% dân nông thôn được cung cấp nước sạch mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong “Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, mà còn trực tiếp đặt quả bom nổ chậm lên sức khoẻ, tính mạng của nhiều người ở bên ngoài nguồn nước.
Bởi theo các nhà khoa học, thạch tín có họ hàng gần với phân lân nên cây trồng hấp thu rất nhanh và chất độc này sẽ dễ dàng tấn công những cư dân ở xa thông qua việc lưu tồn bên trong những sản phẩm nông nghiệp.
Ý kiến góp ý: