Vươn lên để xứng tầm là một Viện hàn lâm khoa học
02/03/2010Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 10-5-2007, nhưng Viện vinh dự được thừa hưởng và kế tục truyền thống của tổ chức tiền thân đầu tiên thành lập cách đây đúng 50 năm, là Học viện Thủy lợi - Ðiện lực. Với nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Viện hôm nay đã mang một tầm vóc mới phù hợp với yêu cầu của thời kỳ CNH, HÐH đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1959 - 2009), Viện đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng nhất.
1- Sự lớn mạnh và hoàn thiện dần về tổ chức qua những chặng đường phát triển.
Ðây là thời kỳ đặt nền tảng cho sự nghiệp phát triển khoa học thủy lợi của Viện cũng như của Việt Nam và là thời kỳ khởi đầu gắn công tác nghiên cứu khoa học thủy lợi với thực tiễn sản xuất để khôi phục kinh tế miền bắc mới được giải phóng.
- Giai đoạn từ 1963 - 1975, chặng đường hoạt động trong hoàn cảnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Viện từng bước hình thành và phát triển hệ thống các phòng, ban chuyên môn, phục vụ công tác nghiên cứu. Ðặc biệt, Viện tiến hành các nghiên cứu, thí nghiệm về hàn khẩu đê chống lụt để chủ động đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc. Cũng vào thời kỳ này, Viện đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu về thủy nông, xử lý nền đất yếu, chỉnh trị sông, nghiên cứu việc tu bổ các công trình như công trình Bắc Hưng Hải, đập Ðô Lương, đập Ðáy, Vân Cốc, xây dựng mới công trình thủy điện Thác Bà... Ðây là những công trình thủy lợi, thủy điện có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp nhất thời bấy giờ.
- Giai đoạn từ 1975 - 1990, chặng đường đất nước thống nhất trước thời kỳ đổi mới.
Sau ngày giải phóng miền nam, công tác nghiên cứu khoa học thủy lợi đã nhanh chóng được triển khai trên cả nước. Năm 1978, với sự ra đời của Phân Viện nghiên cứu Khoa học Thủy lợi Nam Bộ, trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học thủy lợi đã triển khai kịp thời nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về cải tạo đất chua phèn, mặn, xây dựng công trình cống, đập, đê, kè... trên nền đất yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1990, Phân Viện được nâng cấp thành Viện khoa học thủy lợi miền nam.
- Giai đoạn từ 1990 đến nay, chặng đường đổi mới cùng đất nước.
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Viện khoa học thủy lợi và Viện khoa học thủy lợi miền nam đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thủy lợi trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và giao phó những chức năng, nhiệm vụ mới để ngang tầm với một Viện hàn lâm về nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Thủy lợi, Thủy điện. Hiện nay bao gồm hai Viện vùng, bảy Viện chuyên ngành, ba Trung tâm, một Công ty, một Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với gần 1.500 cán bộ, viên chức.
2- Thành tựu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, những thành tựu mà Viện đạt được luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn, phòng, chống thiên tai, khai thác tài nguyên nước phục vụ phát triển các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh-quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong 20 năm gần đây, Viện đã chủ trì ba chương trình khoa học công nghệ các cấp thực hiện 78 nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, 157 nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm cấp bộ, hơn 200 nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở.
* Viện là một trong những đơn vị đứng đầu trong khoa học công nghệ về lĩnh vực chỉnh trị sông, phòng, chống lũ lụt . Kết quả nghiên cứu của Viện đã cung cấp cơ sở khoa học, giải pháp kỹ thuật cho việc củng cố và bảo vệ đê điều, phòng, chống vỡ đê, xây dựng hành lang thoát lũ, dự báo những khu vực có khả năng bị xói lở, góp phần ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại qua các trận lũ lịch sử đã xảy ra, ứng dụng có hiệu quả cho hơn 230 công trình chỉnh trị sông, bảo vệ bờ, góp phần đắc lực cho việc giữ vững an toàn đê điều, an ninh biên giới.
* Về lĩnh vực thủy nông - cải tạo đất , Viện đi đầu trong nghiên cứu đề xuất các quy trình công nghệ, tưới tiêu cho các loại cây trồng và cải tạo đất. Kết quả nghiên cứu này đã và đang được ứng dụng hiệu quả, được áp dụng rộng rãi cho nhiều địa phương trên cả nước, góp phần cải tạo hàng triệu héc-ta đất chua phèn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hơn 30 vạn héc-ta đất vùng trũng đồng bằng Bắc Bộ bị nhiễm chua, mặn, thành đồng ruộng hai vụ lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
* Lĩnh vực khoa học công nghệ xây dựng công trình thủy lợi . Nhiều công nghệ mới của Viện đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tế, trên diện rộng. Hàng loạt đập dàn cọc, đập trụ đỡ, đập sà-lan di động, đập cao-su, v.v. là những sản phẩm công nghệ mới, có giá thành xây dựng chỉ bằng 50-60% so với các công trình truyền thống cùng chức năng nhiệm vụ. Trong loại hình này, phải kể tới các công trình: đập trụ đỡ lớn nhất Ðông-Nam Á như đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long trên sông Hương (Thừa Thiên-Huế), đập cao-su Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), v.v. Nhiều công trình thủy lợi ứng dụng các loại máy bơm, thiết bị vớt rác do Viện thiết kế, chế tạo đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của ngành. Một số bơm va, bơm thủy luân đã được chuyển giao sang các nước bạn Lào, Cam-pu-chia tuy chưa nhiều nhưng đã hé mở một tương lai tốt đẹp, góp phần mở rộng thị trường khoa học công nghệ của Viện sang các nước trong khu vực.
* Nghiên cứu thực nghiệm các vấn đề khoa học công nghệ trên mô hình vật lý đang là lĩnh vực ưu thế.
Phát huy thế mạnh của Viện về cơ sở thí nghiệm đa dạng, hiện đại, ngang tầm khu vực (Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực sông biển, khu thí nghiệm tại Hòa Lạc, phòng thí nghiệm tổng hợp tại Bình Dương) và một đội ngũ cán bộ thí nghiệm mạnh. Kết quả nghiên cứu thí nghiệm của Viện trên mô hình vật lý, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học phức tạp, như chỉnh trị sông, thiết kế các tuyến thoát lũ; xác định phương án bố trí, kết cấu và thi công các loại công trình biển ở Trường Sa, Dung Quất, Vũng Áng...; Tư vấn cho những đơn vị thiết kế điều chỉnh quy mô, hình thức, kết cấu của hàng loạt công trình thủy lợi, thủy điện lớn để bảo đảm an toàn cho công trình và giảm kinh phí đầu tư như: Hơn 20 cống ngăn mặn giữ ngọt vùng ÐBSCL, đập cao-su Trà Sư, Tha La, công trình thủy lợi Phước Hòa, Văn Phong, Nhà máy thủy điện Sơn La, Srokpumieng, Ðồng Nai 1, 2, 3, Ya Ly, v.v.
* Lĩnh vực công nghệ tin học chuyên ngành thủy lợi.
Nhiều cán bộ của Viện đã làm chủ, khai thác, ứng dụng thành công các phần mềm tiên tiến và hiện đại nhất thế giới để dự báo: sạt lở, biến hình lòng dẫn, lũ, mặn, lan truyền ô nhiễm... Một số phần mềm là sản phẩm của Viện: Tính toán thiết kế, kiểm tra ổn định, tính thấm cho công trình thủy lợi; mô phỏng quá trình lan truyền sự cố tràn dầu; dự báo lan truyền dịch bệnh cúm gia cầm, sâu bệnh, mô phỏng ô nhiễm môi trường từ nhiều nguồn tác động (KOD), phần mềm hỗ trợ quản lý vận hành tự động hệ thống công trình thủy lợi... đã được ứng dụng vào thực tế đem lại hiệu quả thiết thực.
* Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ là hoạt động xuyên suốt trong các thời kỳ của Viện.
Viện là cơ quan đi đầu trong chuyển giao công nghệ tiên tiến vào phục vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển thủy lợi, thủy điện nhỏ miền núi, phục vụ định canh, định cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở những vùng còn nhiều khó khăn và ổn định an ninh biên giới. Với thành tích trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, trong 10 năm gần đây, Viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 10 bản quyền sáng chế, được các bộ, ngành, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và nhiều địa phương trao 20 giải thưởng cho các sản phẩm khoa học của Viện, trong đó có hai giải thưởng quốc tế.
* Nghiên cứu khoa học phục vụ các vấn đề thời sự.
Trong thời gian qua, Viện được giao thực hiện một số nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có dự án đo đạc phân giới cắm mốc sông biên giới Việt Nam - Trung Quốc, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới với Trung Quốc và Cam-pu-chia.
Ðể ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, an toàn sản xuất và đời sống cho các vùng bị ảnh hưởng là những hướng nghiên cứu trọng điểm của Viện quan tâm. Với tinh thần đó, Viện đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc tính toán dự báo diện tích ngập, diện tích mặn, độ mặn xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long ứng với các kịch bản nước biển dâng, các kịch bản sử dụng nước của các nước thượng nguồn. Viện là đơn vị chủ chốt thực hiện các dự án chống úng ngập cho các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng; Dự án tu bổ, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
3- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế.
Trong 10 năm gần đây, số cán bộ có trình độ trên đại học của Viện đã tăng từ 78 người lên 295 người, những cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn đã tăng lên gấp ba lần. Hiện nay, tổng số cán bộ Viện gần 1.500 người, trong đó có bốn GS, 16 PGS, một TSKH, 58 TS, 216 Ths.
Viện đã có những đóng góp tích cực cho việc đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Mười năm qua, Viện đã và đang đào tạo 93 nghiên cứu sinh, trong đó 31 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Viện đã liên kết đào tạo thạc sĩ sau đại học với Trường đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Cologne (CHLB Ðức) về quản lý tài nguyên nước do DAAD tài trợ.
Ðến nay, Viện đã có mối quan hệ hợp tác với các nhà khoa học thủy lợi hơn 20 nước và nhiều tổ chức quốc tế như Ðan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðức, Pháp, Ô-xtrây-li-a, tổ chức IRRI, FAO, WB, ICID, IPTRID, UNDP... Viện là cơ quan được chọn là đối tác thường trực Chương trình quốc tế về nghiên cứu công nghệ tưới tiêu và là nơi đặt văn phòng thường trực của mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam.
4- Vững tin trước những cơ hội và thách thức mới.
Trong thời gian tới, Viện có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức mới. Ðể hoàn thành nhiệm vụ được giao; Viện tập trung thực hiện những vấn đề chiến lược như:
Ðào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao;
Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học ngang tầm các nước trong khu vực;
Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Viện tập trung cho các nhiệm vụ trọng điểm: Chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Chiến lược phát triển thủy lợi; Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu; Ðề án tam nông; Chương trình củng cố và nâng cấp đê biển...
Ðoàn kết nội bộ, nâng cao và cải thiện đời sống đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, đưa Viện lên tầm cao mới, xứng đáng là một Viện Khoa học Thủy lợi đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi.
Những phần thưởng cao quý được Ðảng và Nhà nước trao tặngVới bề dày thành tích 50 năm qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý do Ðảng và Nhà nước trao tặng: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005. Huân chương Ðộc lập hạng nhất, nhì, ba. Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba. Cờ thi đua Chính phủ năm 2003. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007. Ðảng bộ của Viện 5 năm liền được công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh và Bằng khen của Quận ủy Ðống Ða. Công đoàn Viện được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn năm 2003. Cờ công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc của Công đoàn ngành năm 2009. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Lao động và Bằng khen của Chính phủ. Giải thưởng khoa học công nghệ: 11 Giải thưởng VIFOTEC. 1 Giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương. 1 Giải vàng của Hiệp hội sáng tạo quốc tế. 4 Bằng sáng chế. 6 Bằng lao động sáng tạo. 6 Bản quyền tác giả.
|
Q. Giám đốc Viện KHTLVN
PGS, TS LÊ MẠNH HÙNG
Ý kiến góp ý: