Xây đập Sayabouri, Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng ngập mặn?
22/02/2011"Không nên xây dựng thủy điện trên dòng sông chính, mà chỉ nên xây dựng trên dòng nhánh. Nhưng việc này cũng nên chờ 10 năm nữa khi có nghiên cứu sâu hơn theo cảnh báo của Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế"
Sáng nay, ngày 22/2, cuộc họp tham vấn cấp quốc gia về việc nên hay không nên xây đập Sayabouri, đập đầu tiên trong số 12 con đập dự định xây trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Theo đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam, buổi hội thảo sẽ lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan quản lý môi trường, các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành, sau đó mới đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 4. Bee ghi lại ý kiến các nhà khoa học Việt Nam tham vấn về vấn đề này.
TS Nguyễn Đình Hòe, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng ngập mặn
Nếu xây dựng đập Sayabouri, môi trường sống và hệ sinh thái sông Mekong sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn, động thực vật phong phú, nhất là loài cá, từ đó ảnh hưởng tới đời sống người dân làm nghề đánh bắt thủy sản.
Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước hai nguy cơ là: thay đổi dòng chảy tự nhiên và hiện tượng nước biển dâng, bao phủ lên cả đồng bằng là nước ngập mặn. Khu vực này không còn là vựa lúa lớn nhất của cả thế giới được nữa.
Mùa nước nổi năm nay, mực nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thấp hơn trung bình nhiều năm. Nếu nước bị giữ lại ở thượng nguồn, tình trạng hạn hán và xâm lấn ngập mặn càng tăng. Còn khi thượng nguồn có lũ, các đập thủy điện xả nước thì vùng hạ nguồn sẽ chìm trong nước.
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển Nguồn nước Việt Nam: Xây thủy điện trên dòng nhánh cũng nên chờ 10 năm
Với sông Mekong, nếu xây đập trên phía thượng nguồn, diện tích lưu vực nhỏ và chủ yếu là núi non thì tác động không lớn đến vùng đồng bằng ở hạ du.
Nhưng đập Sayabouri nằm ở trung du, vì thế chắc chắn sẽ gây ra những tác động xấu. Nó sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở, mất nguồn phù sa. Nó cũng làm thay đổi môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sản. Các nghiên cứu cho thấy, ở đây có nhiều loài cá phải ngược lên thượng lưu mới có thể đẻ trứng. Nếu xây dựng đập, nhiều khả năng các loài cá sẽ không còn sinh sản. Hàng triệu người dân ven sông mất nguồn sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản.
Nếu dự án thủy điện Sayabouri được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu cho toàn bộ 11 con đập còn lại. Khu vực hạ nguồn trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Ủy hội sông Mekong quốc tế nên xem xét vấn đề này một cách cẩn trọng.
Không nên xây dựng thủy điện trên dòng sông chính, mà chỉ nên xây dựng trên dòng nhánh. Nhưng việc này cũng nên chờ 10 năm nữa khi có nghiên cứu sâu hơn theo cảnh báo của Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế.
Các nhà khoa học Việt Nam đều phản đối xây đập Sayabouri
Giữa tháng 1/2011, trong hội thảo tham vấn được tổ chức tại TP. Cần Thơ, các nhà khoa học đều nhất trí không nên xây dựng bất cứ con đập nào trên dòng chính sông Mekong, hay ít nhất là lùi thời hạn xây dựng đập để nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn.
Đại diện Ủy hội sông Mekong Việt Nam nhận xét, tài liệu về đập Sayabouri còn thiếu nhiều thông tin chi tiết về kỹ thuật và đánh giá tác động; không xem xét đánh giá tác động lũy tích và xuyên biên giới, thiếu thông tin về các biện pháp giảm thiểu.
Vị đại diện này cho biết, trong buổi tham vấn ngày mai, Ủy hội sông Mekong Việt Nam sẽ lắng nghe tất cả ý kiến từ nhà quản lý, nhà khoa học Việt Nam, sau đó mới đi đến phán quyết cuối cùng.
Theo bee.net
Ý kiến góp ý: