Xây dựng khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước các vấn đề khí hậu cực đoan ở Đông Nam Á
01/04/2019Ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức Hội thảo “Xây dựng khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước các vấn đề khí hậu cực đoan ở Đông Nam Á”. Hội thảo được tài trợ bởi tổ chức Hợp tác phát triển Na Uy (Norad).
Tham dự Hội thảo có Ông Hans Guttman - Giám đốc điều hành ADPC, Bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Trần Thị Lan Anh - Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng; các đại biểu đại diện cho các cơ quan có liên quan đến các vấn đề về phòng chống thiên tai, phát triển đô thị, khí hậu… là các Bộ, ngành, tổ chức quản lý đô thị, tổ chức và viện nghiên cứu, chính quyền địa phương, tổ chức LHQ, tổ chức phi chính phủ… Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế và đại diện Viện Thủy công. Ông Hans Guttman - Giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á phát biểu tại Hội thảo Rủi ro do thiên tai ở khu vực các nước Châu Á đang ngày càng gia tăng áp lực. Mức độ rủi ro do thiên tai đang tăng nhanh thông qua mối quan hệ phức tạp của biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, ảnh hưởng của phát triển kinh tế xã hội, cũng như suy thoái môi trường và đô thị gia tăng… Điều đó thể hiện qua các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, các vấn nạn xã hội, tham nhũng, xung đột và mối liên hệ với các nhân tố khác. Hiện nay, các thành phố vùng đồng bằng và ven biển ở các nước châu Á đang ngày càng chịu nhiều tác động do vấn đề khí hậu cực đoan, thiên tai và tình huống rủi ro khẩn cấp. Xu hướng và hình thái của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng gia tăng về tần suất với mức độ ảnh hưởng ngày càng trầm trọng, dữ dội và thất thường. Có thể kể đến đó là các trận lụt lớn năm 2010, 2011, 2016 và hạn hán kéo dài năm 2015, 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long; tàn phá do lũ lụt ở đồng bằng Chao Phraya năm 2011; lốc xoáy, bão nhiệt đới gây chết nhiều người ở một số vùng đồng bằng châu Á (Nargis 2008, Ketsana 2009, Haiyan 2013, Roanu 2015. Những rủi ro thiên tai trên cho thấy sự thay đổi hình thái của các cực đoan về khí hậu gây ra sự phá hủy lớn ở vùng đồng bằng ven biển của các nước châu Á, đang đe dọa sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở khu vực này. Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) với sự hỗ trợ từ cơ quan hợp tác và phát triển Na Uy (NORAD) đã xây dựng chương trình 5 năm về: "Xây dựng khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước các vấn đề khí hậu cực đoan ở Đông Nam Á", chương trình này sẽ đóng góp cho xây dựng các chỉ số chung của khung hành động SENDAI về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Chương trình nghị sự đô thị mới và mục tiêu phát triển bền vững - thỏa thuận PARIS. Chương trình sẽ được triển khai tại hai quốc gia mục tiêu Myanmar (ngoại vi Yangon) và Việt Nam (thành phố Nam Định, Mỹ Tho) với thời gian thực hiện chương trình từ tháng 11/2018 đến 10/2023. Ông Atiq Kainan Ahmed, chuyên gia Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á giới thiệu về xây dựng khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước thiên tai và các vấn đề khí hậu cực đoan ở Đông Nam Á (Nguồn: phongchongthientai.vn) Hội thảo đã chia làm 02 phiên họp kỹ thuật bao gồm phiên 1 - khái quát về những vấn đề thiên tai và đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là những thành phố mục tiêu của chương trình; phiên 2 - làm việc nhóm “Xây dựng các kết quả của Chương trình và lập kế hoạch tham gia thực hiện theo 04 nhóm kết quả đánh giá nguy cơ và EW, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, khả năng thích ứng theo ngành và nhóm quản lý đô thị… Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Nguồn: phongchongthientai.vn) Hội thảo nhằm chia sẻ và cung cấp thông tin tổng quan về chương trình của NORAD và ADPC; tìm hiểu nhu cầu và các vấn đề về phòng chống thiên tai khu vực đô thị để xây dựng các hoạt động của chương trình NORAD trong 05 năm tới. Cũng như ghi nhận phản hồi từ đối tác về các vấn đề liên quan đến khả năng phục hồi cho khu vực đô thị trước thiên tai, trong bối cảnh Việt Nam và đặc biệt là hai thành phố mục tiêu của Chương trình NORAD tại Việt Nam đó là thành phố Nam Định và Mỹ Tho.
(Nguồn: phongchongthientai.vn)
Ý kiến góp ý: