Xây dựng và bảo dưỡng hệ thống thủy lợi nội đồng liên quan đến dồn điền đổi thửa và quy hoạch thủy lợi nội đồng
09/12/2019Ngày 05/12/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Viện Tưới tiêu - Nhật Bản tổ chức Hội thảo trao đổi kỹ thuật với nội dung “Xây dựng và bảo dưỡng hệ thống thủy lợi nội đồng liên quan đến dồn điền đổi thửa và quy hoạch thủy lợi nội đồng”.
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có Ông Nguyễn Hồng Khanh - Cục trưởng Cục Quản lý Công trình và chuyên viên; Ông Đinh Thanh Mừng - Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía Nhật Bản có Ngài MIYAGAWA Kenji - Vụ trưởng Vụ Cải tạo đất và Hợp tác Quốc tế; Ngài MATSURA - Đại diện cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ngài WATANABE - Viện Tưới tiêu - Nhật Bản; các chuyên gia đến từ Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản và Viện Tưới tiêu Nhật Bản. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc, các chuyên gia, các nhà khoa học của các đơn vị trực thuộc Viện liên quan đến nội dung của Hội thảo như Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Trung tâm tư vấn PIM. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt đã chia sẻ một số thông tin về Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện và đón nhận huân chương Hồ Chí Minh cũng như chia sẻ tại Lễ kỷ niệm Ngài công sứ Nhật Bản OKABE DAISUKE - Đại sứ Nhật Bản đã phát biểu tại buổi lễ và khẳng định Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ toàn diện của Nhật Bản đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói chung và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nói riêng. PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt khẳng định đây là Hội thảo rất có ý nghĩa, trao đổi về công tác dồn điền đổi thửa. Phía Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này, đã có nhiều văn bản liên quan hướng tới việc tập trung ruộng đất, thể hiện đường lối của Đảng và Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, việc triển khai trên thực tiễn chưa nhiều cũng như các mô hình triển khai mới bắt đầu, do vậy Hội thảo được tổ chức lần này cũng như các mô hình áp dụng trên thực tế đối với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nhà nước là rất quan trọng. Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt tuyên bố khai mạc Hội thảo và chúc Hội thảo thành công. Phát biểu tại Hội thảo Ngài MIYAGAWA Kenji - Vụ trưởng Vụ Cải tạo đất và Hợp tác Quốc tế - Nhật Bản đã thay mặt phía Nhật Bản gửi lời chúc mừng Viện đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập thành công và được trao tặng huân chương cao quý. Ngài MIYAGAWA Kenji cho biết chủ đề của Hội thảo liên quan đến dồn điền đổi thửa, trang bị và quản lý duy trì kênh mương và giao thông nội đồng nhằm cải thiện sản xuất nông nghiệp và phát huy hiệu quả sử dụng nước là những vấn đề cơ bản, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam sau này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có mối quan hệ hữu nghị hợp tác từ năm 1994 thông qua các dự án trao đổi về chuyên gia và kỹ thuật. Ngài MIYAGAWA Kenji mong muốn trong thời gian tới các hợp tác này ngày càng phát triển hơn nữa. Cuối cùng, Ngài MIYAGAWA Kenji hy vọng Hội thảo này sẽ đóng góp thêm nhiều ý tưởng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của hai nước. Tại Hội thảo Đại diện Viên Tưới tiêu - Nhật Bản đã chỉ ra sự giống và khác nhau trong công tác dồn điền đổi thửa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, các tiêu chuẩn về trang bị, hình thức thực hiện dồn điền đổi thửa khác nhau do đó đề xuất sự hợp tác của nông dân trong việc dồn điền đổi thửa và trong đó điều kiện là các thửa ruộng nông nghiệp phải tiếp xúc với đường giao thông nội đồng cũng như hệ thống kênh mương. Ngoài ra, Đại diện Viện Tưới tiêu - Nhật Bản cũng đề xuất đó là để giảm gánh nặng cho người nông dân trong công tác dồn điền đổi thửa, phía Nhà nước sẽ đứng ra hỗ trợ một phận liên quan đến hoạt động xây dựng hệ thống nội đồng cho người dân. Giới thiệu về mô hình dồn điền đổi thửa tại Nghệ An, là Dự án phối hợp nghiên cứu với Viện Tưới tiêu - Nhật Bản, TS. Nguyễn Xuân Thịnh - Trung tâm Tư vấn PIM cho biết dựa trên các tiêu chí như mức độ manh mún ruộng đất cao; có điều kiện tự nhiên, xã hội đặc trưng cho khu vực; người dân và chính quyền địa phương đồng thuận thực hiện dồn điền đổi thửa; người dân sẵn sàng hiến đất xây dựng hạ tầng đồng ruộng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện xây dựng mô hình dồn điền đổi thửa tại xóm 7a, xã Hưng Yên Bắc, huyên Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Nhóm đã triển khai nội dung và các hoạt đông như đánh giá tổng quan về dồn điển đổi thửa ở trong, ngoài nước và đề xuất lựa chọn giải pháp phù hợp với vùng dự án; khảo sát địa hình khu vực xây dựng mô hình; hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng. Theo đó, kết quả dự kiến của nhóm nghiên cứu đó là hồ sơ quy hoạch dồn điền đổi thửa khu mô hình; mô hình dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng có diện tích 16 ha và sổ tay hướng dẫn thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng vùng Bắc Trung Bộ. Thời gian thực hiện dự án 03 năm, từ năm 2019 đến năm 2021. Chia sẻ tại Hội thảo, Đại diện chuyên gia thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cho biết, ở Nhật Bản ban hành tiêu chuẩn, thiết kế về dồn điền đổi thửa sẽ do Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đảm trách và các cơ quan địa phương, các tỉnh là đơn vị thực hiện các hoạt đông dồn điền đổi thửa dựa trên các luật, sổ tay, chính sách đã ban hành. Mục tiêu dồn điền đổi thửa khu vực điều kiện cơ bản và quan trọng nhất khi ban hành thiết kế về dồn điền đổi thửa ở khu vực đó, do vậy cần tiến hành nghiên cứu, thảo luận thích hợp, tổng hợp các quan điểm, đứng từ nhiều lập trường khác nhau và khi ban hành các chính sách liên quan đến dồn điền đổi thửa, việc phản ánh định hướng của người nông dân có sử dụng đất nông nghiệp cũng như quản lý duy trì đường giao thông nội đồng, tưới tiêu nội đồng là rất quan trọng. Sau đó, việc trao đổi đồng nhất ý kiến của cơ quan hành chính cũng như toàn thể nông dân định kỳ cũng vậy vì đảm bảo được sự thống nhất ý tưởng của người dân với cơ quan thực hiện. Ngoài ra ban hành các thiết kế liên quan đến dồn điền đổi thửa cần phải được xem xét nhằm tránh rủi ro và vấn đề không đáng có trong khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Đại diện Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cũng đã chia sẻ tại Hội thảo tài liệu tham khảo về việc thiết lập khu cải thiện đất đai, khái quát về thủ tục thực hiện các hoạt động về cải thiện đất, thủ tục nhằm hệ thống lại quyền sử dụng đất của nông dân sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa. Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện đã thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi lời cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đối với công tác thủy lợi, đặc biệt là vấn đề dồn điền đổi thửa tại Hội thảo này. PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong khẳng định luôn xác định vấn đề dồn điền đổi thửa là vấn đề quan trọng đối với công nghiệp hóa trong nông nghiệp cũng như là phát triển công nghiệp bền vững của Việt Nam. Đây là vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, đó là từ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, người dân và công tác dồn điền đổi thửa cần phải có một thời gian dài. Hệ thống thủy lợi ở Việt Nâm và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên các dự án mang tính chất trình diễn này, Viện sẽ cố gắng tìm ra điểm tương đồng, điểm hay của cả hai bên để thực hiện dự án trình diễn vừa cho Việt Nam đồng thời cũng là mô hình tốt đối với Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản có những thể chế khác nhau như vấn đề sử dụng đất, Việt Nam chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu hay chính sách hỗ trợ của Chính phủ hai bên đối với nông nghiệp có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những điểm khác nhau. “Chúng ta đều thống nhất một điểm chúng ta có thành công được không chính là sự đồng lòng và sự thống nhất của người dân thực hiện công tác dồn điền đổi thửa” Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong mong muốn sẽ có nhiều Hội thảo tương tự để tiếp tục trao đổi, xây dựng được lý luận, cơ sở khoa học cho công tác dồn điền đổi thửa và vấn đề hoàn thiện thủy lợi nội đồng của Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ và ủng hộ của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản trong công tác này.
Ý kiến góp ý: