Xóa bỏ tư tưởng bao cấp trong đầu tư vào nông nghiệp
06/09/2017Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP là tạo cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hạn chế tối đa hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; đặc biệt là cần xóa bỏ cơ chế xin - cho...
Chiều 5/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp, nhằm đánh giá lại để sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP. NĐ 210 chưa đi vào cuộc sống Tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù NĐ 210 ban hành gần 4 năm nhưng kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với DN ở các lĩnh vực khác. Đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số DN cả nước. Trong năm 2015, số DN ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019 DN, cao hơn 11,3% so với doanh nghiệp thành lập mới. DN nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với khoảng 55% có quy mô vốn ở mức dưới 5 tỷ đồng; phần lớn trong số này là DN siêu nhỏ. Cùng với đó, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của DN nông, lâm, ngư nghiệp còn thấp, 75% DN đang sử dụng máy móc hết khấu hao. … Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp theo NĐ 210, còn hạn chế, các DN đều cho rằng, một số quy định chưa phù hợp thực tế gây khó khăn cho DN như: Điều kiện được thụ hưởng chính sách của nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên DN khó tiếp cận chính sách; quy định quy mô dự án lớn, DN nhỏ không tiếp cận được. Không những vậy, hầu hết các địa phương còn khó khăn trong cân đối ngân sách nên chưa quan tâm dành từ 2 - 5% ngân sách để thực hiện (quy định tại Điều 17 của NĐ 210). Đặc biệt năm 2017, khi Chính phủ có chủ trương giao tổng số vốn ngân sách trung ương để các địa phương chủ động bố trí, nguồn vốn này thường ưu tiên bố trí cho các dự án phát triển hạ tầng, rất ít bố trí vốn cho các dự án thực hiện theo nghị định.. . Bên cạnh đó, các DN cho rằng, thủ tục hành chính cũng là một trong những rào cản lớn khiến DN ngại đầu tư vào nông nghiệp. “DN phải thực hiện khoảng 16 bước, có khoảng 40 văn bản có liên quan để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ, nhất là thủ tục hành chính... Đặc biệt là các “giấy phép con” vẫn còn tồn tại khá nhiều trong ngành Nông nghiệp" - ông Ngọc nói. Cùng với đó, một số lĩnh vực cần được khuyến khích đầu tư nhưng chưa có trong nghị định: như lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chế biến các sản phẩm chủ lực quốc gia... Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng thừa nhận những hạn chế và vướng mắc nêu trên đã và vẫn đang tạo rào cản, khó khăn, chưa đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra của Chính phủ khi xây dựng chính sách này. Do vậy, DN khi đầu tư vào nông nghiệp theo NĐ 210 đã không thể thực hiện được. Trước thực tế đó, ông Tuấn cho biết, Chính phủ đã mong muốn sửa đổi NĐ 210 để thực sự thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Trong lần sửa đổi này, quan điểm của Chính phủ và Bộ NN&PTNT là tạo cơ chế chính sách để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hạn chế tối đa đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hướng đến tạo môi trường lành mạnh cho DN phát triển. Cụ thể, tại dự thảo sửa đổi NĐ 210 sẽ có cơ chế để DN cùng với bà con nông dân tập trung tích tụ đất đai. Đồng thời, Nhà nước còn có cơ chế miễn giảm phí, lệ phí khi chuyển đổi đất đai giữa các hộ nông dân với DN, miễn hoặc giảm có thời hạn với tiền sử dụng đất; cùng với đó là hỗ trợ về cơ chế tín dụng, bảo hiểm trong nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí cho DN khởi nghiệp... “Trong lần sửa đổi này, chúng tôi cũng đang xem xét đề xuất với Chính phủ chủ trương không phân biệt các thành phần kinh tế khác nhau và chỉ ưu đãi cho vùng đặc biệt khó khăn… Đồng thời, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng NĐ 210 là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính” - ông Tuấn nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, NĐ 210 cần hạn chế hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước; xóa bỏ cơ chế “xin – cho” thông qua việc bỏ quy trình phê duyệt dự án, phân cấp mãnh mẽ cho địa phương, tạo cơ chế để các bên chủ động tham gia. Song song đó, loại bỏ toàn bộ các thủ tục phải trình lên cấp bộ phê duyệt… Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
Ý kiến góp ý: