TextBody
Huy chương 2

“Làng - Hồ sinh thái” - Một mô hình phát triển bền vững khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long

21/09/2011

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và vùng ngập lũ nói riêng đang đứng trước một mâu thuẫn lớn về nguồn nước, thách thức sự phát triển của vùng châu thổ. Mùa mưa quá thừa nước, bị ngập lũ trên diện rộng làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế xã hội, gây thất thu mùa màng, đe dọa tính mạng con người. Mùa khô nguồn nước cạn kiệt, người dân phải sử dụng nước từ các kênh rạch bị ô nhiễm chua phèn, chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, từ phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ v.v...

Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp gì trước mâu thuẫn gay gắt của vùng ngập lũ. Câu trả lời khả dĩ nhất là phải trữ lại một phần của lượng nước về mùa lũ dưới dạng các hồ sinh thái để sử dụng cho mùa khô rất thiếu nước ở đây. Vùng ngập lũ ĐBSCL hiện đang triển khai thực hiện chương trình dân sinh vùng lũ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Trong quá trình thực hiện việc lấy đất tôn nền cụm tuyến dân cư đã hình thành nhiều ao, hồ, thùng đấu chứa nước. Những ao, hồ này hoàn toàn có thể quy hoạch, cải tạo thành các hồ sinh thái phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, giải trí, góp phần cải tạo tiểu khí hậu, bảo vệ môi trường, tăng vẻ đẹp cho nông thôn vùng ngập lũ.

Đặt vấn đề:

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 mùa mưa và khô rõ rệt, mùa mưa (quá dư thừa n­ước, ngập lũ trên diện rộng), mùa khô (khan hiếm n­ước, cạn kiệt, xâm nhập mặn, chua phèn lan tỏa, môi trường bị ô nhiễm...). Nguồn nước tưới cũng như phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác chắc chắn sẽ bị đe dọa trong một tương lai gần khi sông Mêkông bị khai thác triệt để ở vùng thượng lưu, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, hậu quả sẽ không lường được. Vùng ngập lũ ĐBSCL hiện đang thực hiện “Ch­ương trình dân sinh vùng lũ” của Chính phủ, đã triển khai xây dựng hàng trăm cụm, tuyến dân c­ư vượt lũ tại các huyện vùng ĐTM và TGLX, dự kiến bố trí hàng vạn hộ dân, với tổng diện tích đất tôn nền cụm tuyến dân cư ước tính hàng ngàn ha. Đã tạo nên một hệ thống các ao hồ, thùng đấu có dung tích hàng triệu mét khối nước, đây là một tài sản quí giá nếu chúng ta biết bảo vệ, quản lý, khai thác sử dụng một cách hiệu quả l­ượng nư­ớc đó chắc chắn sẽ đáp ứng được một phần đáng kể nhu cầu nư­ớc cho ĐBSCL về mùa khô, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, góp phần cải tạo tiểu khí hậu, làm đẹp cảnh quan làng quê, bảo vệ môi sinh môi trường, là tiền đề tạo điều kiện hình thành những cụm nông thôn mới, tiến bộ, xây dựng nông thôn ĐBSCL phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Chỉ cần đầu tư thêm một lượng kinh phí không lớn có thể biến hàng trăm thùng đấu sẵn có thành hệ thống hồ sinh thái bên cạnh các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Trước yêu cầu cải thiện, nâng cao chất l­ượng cuộc sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội nông thôn ĐBSCL, một trong những giải pháp mang tính chủ đạo, hiệu quả và phù hợp nhất là xây dựng hệ thống HỒ SINH THÁI gắn với cụm tuyến dân cư tạo nên mô hình “Làng - Hồ sinh thái” phát triển bền vững vùng ngập lũ ĐBSCL. Bài này sẽ đề cập chi tiết mô hình “Làng - Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ xã Tân Tây - huyện Thạnh Hóa - tỉnh Long An” nhằm đưa ra một mô hình mẫu có thể áp dụng cho các khu dân cư trong vùng theo Chương trình dân sinh vùng lũ ở Long An nói riêng cũng như toàn ĐBSCL, trong đó đặc biệt chú trọng cải tạo, biến các ao hồ, thùng đấu thành hồ sinh thái.

Nội dung nghiên cứu:

- Xây dựng thành công mô hình Làng - Hồ sinh thái phát triển bền vững ở vùng ngập lũ ĐBSCL.

- Tạo cảnh quan phù hợp đặc trưng vùng lũ, phục vụ nhu cầu chung sống với lũ của cư dân trong vùng.

- Nâng cấp cải tạo các khu khai thác đất tôn nền cụm tuyến dân cư thành hồ sinh thái phục vụ trữ nước ngọt, cải tạo môi trường khí hậu, vui chơi giải trí cho cư dân trong vùng v..v.

- Qui hoạch mặt bằng, bố trí tổng thể khu dân cư, hồ sinh thái và hệ thống dịch vụ.

- Xác định cấu trúc, qui mô hồ sinh thái và các công trình phụ trợ.

- Đề xuất giải pháp quản lý khai thác vận hành hồ sinh thái, phát triển khu dân cư theo hướng ổn định và bền vững.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp khảo sát thực địa, tổng kết thực tiễn và đánh giá nhu cầu phát triển vùng ngập lũ.

- Phương pháp tiếp cận giải pháp chung sống với lũ.

- Phương pháp tiếp cận chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

- Phương pháp chuyên gia và điều tra có sự tham gia của cộng đồng.

- Phương pháp phân tích tương tự so sánh hệ sinh thái trên vùng ngập lũ và các vùng khác.

- Phương pháp đánh giá tác động môi trường.

- Phương pháp mô hình toán tính thuỷ văn, thuỷ lực, cân bằng nước và mô phỏng lưu vực, quản lý tài nguyên nước mặt.

- Phương pháp mô hình hoá phát triển kinh tế - xã hội - đời sống cộng đồng.

- Phương pháp thực nghiệm (lập dự án thiết kế thực nghiệm mô hình, xây dựng thử nghiệm, xây dựng mẫu...).

Kết quả nghiên cứu và thảo luận:

Đánh giá hiện trạng khu vực xây dựng mô hình Làng - Hồ sinh thái

 

Hình 1. Bản đồ hiện trạng khu dân cư vượt lũ và hồ nước

Khu vực nghiên cứu xây dựng mô hình thuộc xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, cách thị xã Tân An khoảng 20km, phía Bắc giáp kênh Nam lộ 49 (dọc quốc lộ 62), phía Tây giáp kênh Cây số 21, phía Đông và Nam giáp đất nông nghiệp (ruộng lúa, rừng tràm), (xem Hình 1).

Khu dân c­ư vượt lũ với qui mô 6,2 ha, bố trí khoảng 100 hộ. Hồ nư­ớc được tạo thành từ việc lấy đất tôn nền khu dân cư rộng hơn 3 ha, sâu 10m. Kết quả khảo sát cho thấy mái hồ tương đối dốc và có hiện tượng sạt lở cục bộ ở một vài đoạn, cao trình đáy hồ phổ biến ở - 8,0m, giữa hồ cao trình sâu hơn -10 m. Quanh hồ là cỏ bụi và tràm non cao trung bình 2m. Cao độ mặt đất tự nhiên + 0,5m, cao độ san nền khu dân cư + 3,0m. Dự kiến qui hoạch phát triển mở rộng khu dân c­ư về phía Đông Nam.

Nhận xét:

- Đã có một khu dân cư­ v­ượt lũ an toàn, đảm bảo các yêu cầu về cuộc sống như­ học hành, đi lại, mua bán... Đã hình thành nên một hồ chứa nước từ việc lấy đất tôn nền khu dân cư. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại: (i) Khu dân cư thiếu tính sinh thái đặc biệt về mùa khô, khó phát triển bền vững; (ii) Hồ bị đào quá sâu (»10m), mái bờ không ổn định, nư­ớc hồ bị chua phèn, ch­ưa đ­ược bảo vệ và khai thác phục vụ cho khu dân cư­. Hồ ch­ưa đạt các tiêu chí sinh thái, cần được cải tạo nâng cấp.

- Vấn đề môi trư­ờng đang xuất hiện những bất cập trong xử lý chất thải (chất thải lỏng và rắn có nguy cơ xả thẳng xuống hồ nếu không có phương án nâng cấp cải tạo và bảo vệ).

- Sự cần thiết phải cải tạo tiểu khí hậu, cảnh quan môi trường về mùa khô hạn, trong đó nước chua phèn và nóng bức là 2 yếu tố ảnh hư­ởng rất lớn đến đời sống và phát triển sản xuất trong vùng.

- Vấn đề bố trí rừng cây nhằm tôn tạo cảnh quan môi trường cho làng quê, cải tạo tiểu khí hậu, cơ sở hạ tầng (hệ thống xử lý và cấp nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và các hoạt động khác) cũng chư­a đ­ược đề cập trong đề án thành lập các khu dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL.

Thực trạng trên đã thể hiện sự ch­ưa đồng bộ và có ảnh hư­ởng rất lớn trong quá trình phát triển bền vững khu dân cư­ vư­ợt lũ Tân Tây nói riêng và cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL nói chung.

Thiết kế mô hình Làng - Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ

Quy hoạch chi tiết khu dân cư vượt lũ:

Tôn nền vượt lũ tạo thành điểm dân cư tập trung an toàn trong mùa lũ, thuận tiện trong việc cung cấp dịch vụ, đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt ăn ở, đi lại, học tập và khu vui chơi giải trí của người dân. Khu vực lấy đất tôn nền sẽ được thiết kế nâng cấp cải tạo thành hồ sinh thái với các tiêu chí cụ thể nhằm đảm bảo khả năng ổn định, phát triển khu dân cư lâu dài trong tương lai. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật công trình khu dân cư vượt lũ bao gồm :

- Bố trí từ 100 đến 500 hộ dân.

- Dân số: từ 500 đến 2.500 người / khu dân cư (làng sinh thái).

- Diện tích đất: từ 10 ha - 50 ha.

- Đất ở (các lô đất ở gia đình) tôn nền với độ cao vượt lũ + 3m:

+ Nhà phố 32 lô: (4m x 18m) =72 m2 / 1 lô.

+ Nhà liên kế 184 lô: (5m x 20m)=100 m2 / 1 lô.

+ Nhà vườn: Gồm các lô đất 200 m2, 300 m2, 400 m2, 500 m2 đến 1.000m2/1 lô.

- Chiều cao san nền cao hơn mặt ruộng hiện hữu + 2,5m (cao hơn mực nước lũ năm 2000 là  0,6m).

- Cấp điện sinh hoạt:  170 Wat/người/ngày.

- Cấp nước sinh hoạt:  100 lít/người/ngày.

- Thoát nước bẩn: 80% nước cấp.

- Rác thải: 0,9 kg/người/ngày.

- Tầng cao trung bình: 1 - 2 tầng.

Mô hình Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ:

- Tiêu chí cơ bản Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ:

Sạch: là một tiêu chí bắt buộc, nguồn nước vào hồ phải đảm bảo độ sạch, nước trong hồ được bảo vệ bằng hệ thống các công trình kiểm soát chất lư­ợng nư­ớc như bể xử lý lắng, lọc trước khi đưa nước vào hồ, công trình chống nước bẩn xâm nhập, các băng rừng, băng cỏ xử lý lọc tự nhiên, công trình nhà ở trong lưu vực đều phải có hệ thống xử lý chất thải, nước bẩn.

Xanh: Hệ thống vành đai cây xanh ven bờ hồ và thảm phủ thực vật, rừng cây
ở đầu nguồn làm nơi nuôi dưỡng nguồn nước. Tỷ lệ cây xanh vùng hồ sinh thái phải lớn hơn hồ từ 35% đến hàng chục lần diện tích hồ, tỷ lệ càng lớn hồ càng thể hiện tính bền vững.

Đa mục tiêu: hồ sinh thái làm nhiệm vụ tưới, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, là nơi vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng ven hồ, điều hòa nhiệt độ, cải tạo môi trường, tiểu khí hậu...vùng dân cư vượt lũ.

Đẹp: tôn tạo cảnh quan môi trường cụm tuyến dân cư vượt lũ, thể hiện công trình đẹp, nên thơ,... mang lại nhiều niềm vui, sức khỏe, tinh thần cho con người, đảm bảo tính ổn định bền vững cho cư dân trong vùng.

- Các phương án bố trí Hồ sinh thái

Hồ sinh thái được hình thành từ việc lấy đất phục vụ san lấp mặt bằng, tôn nền khu dân cư vượt lũ. Do vậy, quá trình khai thác đất cần có quy hoạch, sau khi thi công khai thác lấy đất, cần đắp bờ và trồng cây bao quanh hồ để đảm bảo chống sạt lở và vệ sinh môi trường.

Hồ sinh thái và dải cây xanh bao quanh hồ góp phần cải tạo tiểu khí hậu cho khu vực dân cư. Xây dựng khu vui chơi giải trí (tiểu công viên, ghế đá...), tôn tạo cảnh quan môi trường cho khu dân cư vượt lũ.

Từ phương án qui hoạch và hiện trạng vị trí lấy đất để tôn nền khu dân cư vượt lũ như đã nêu, chúng tôi đề xuất bố trí hồ sinh thái với 2 phương án (xem Hình 2 và 3).

 Hình 2. Mô hình Làng - Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ Tân Tây (PA 1 hồ)

 Hình 3. Mô hình Làng - Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ Tân Tây (PA 2 hồ)

- Thành phần hạng mục công trình cơ bản của Hồ:

Hồ sinh thái: Mặt hồ hiện tại được tu sửa và đào mới mở rộng thêm để lấy đất đắp bờ hồ đến cao trình + 2,5m. Để giữ ổn định mái hồ, đào và tu sửa mái với hệ số m= 2. Cao trình đáy hồ (phần đào mới) đến cao trình - 8,5m, bố trí một cơ rộng 2 m ở cao trình +1,5m.

Cống để trao đổi nước hồ với kênh Cây số 21. Hình thức xây cống ngầm bằng các ống bê tông cốt thép đúc sẵn F 40cm. Chiều dài thân cống L =14m. Cao trình đáy cống -1,0m.

Dải cây xanh quanh hồ: Quanh hồ là dải cây xanh cách ly ở cao trình + 2,5m, băng rộng 15m, khoảng cách từ dải cây xanh đến miệng hồ là 5m. Tiếp giáp dải cây xanh là đường giao thông nội bộ rộng 8m, cao trình ngang với cao trình nền khu dân cư: + 3,0m.

Các công trình phụ trợ: cầu thang, bậc bê tông lên xuống hồ, hàng rào hoặc lan can bảo vệ quanh hồ.

       + Lát mái hồ: hồ được lát mái bằng tấm bê tông đúc sẵn (kích thước 110x100x15cm, M250), lát từ miệng hồ xuống đến cao trình + 0,5m.

       + Lan can bảo vệ: lan can bằng cột đứng BTCT (15x15cm) cách nhau 2m, cao 1m, bố trí 3 đường ống thép nằm ngang D50mm quanh miệng hồ, cố định các ống thép này bằng các cột BTCT.

       + Bậc thang lên xuống hồ : trung bình khoảng 100m bố trí một bậc thang lên xuống hồ, bậc rộng 2m, kích thước 20x30cm, dốc theo độ dốc mái hồ, bằng gạch xây vữa M75, từ cao trình +2,5 đến cao trình +0,5.

- Giải pháp trữ nước cho hồ sinh thái:

Nguồn nước hồ hiện nay bị nhiễm phèn không thể sử dụng cho sinh hoạt. Để ngọt hóa nước hồ cần có thời gian cải tạo nguồn nước này. Hàng năm chọn thời điểm thích hợp để tháo vơi đi, tích vào để ém phèn và nhạt hóa lượng phèn trong hồ.

Trước mùa lũ, mực nước ở kênh rạch thấp, mở cống để tháo bớt nước hồ và khi lũ về mực nước kênh rạch cao cần lấy vào hồ để trữ lại. Quá trình tháo, trữ hàng năm như trên sẽ cải tạo dần nước hồ, sau một thời gian nước hồ sẽ có khả năng đáp ứng cho các mục đích như sinh hoạt và tưới tiêu. Căn cứ vào mực nước ở các kênh rạch trong vùng (ở đây chọn mực nước trạm Tuyên Nhơn để tính toán), ta có thể định thời gian tháo, lấy nước vào hồ như sau:

Giai đoạn tháo nước: tháng 6, 7

Giai đoạn lấy nước: tháng 9, 10

Bảng 1. Mực nước trạm Tuyên Nhơn và chọn giai đoạn tháo nước, lấy nước

 Hình 4. Biểu đồ quan hệ mực nước và lượng nước hồ sinh thái

 (i). Lượng nước hao hụt: Đây là một dạng hồ sinh thái được đào sâu và đắp cao, trong đó phần đào chiếm chủ yếu trong độ sâu mực nước hồ. Xem xét mực nước trong hồ cho thấy giai đoạn hồ tích đầy nước sẽ xuất hiện dòng thấm từ lòng hồ ra ngoài kênh, đồng thời vẫn tồn tại dòng thấm trọng lực (thấm xuống). Kết quả thí nghiệm mẫu ở khu vực cho thấy hệ số thấm k = 3,6.10-6 cm/s. Để hạn chế lưu lượng thấm, đồng thời bảo vệ và tôn tạo vẻ đẹp mái hồ, đề nghị lát mái hồ từ cao trình + 2,5m (cao trình nền đất đắp quanh hồ) đến cao trình + 0,5m (cao trình mặt đất tự nhiên). Ngoài ra theo tài liệu tính toán, lượng bốc hơi trung bình năm vào khoảng 1.200mm so với lượng nước chứa trong hồ, do đó lượng hao hụt nước hồ là không đáng kể.

(ii). Lượng nước bổ sung: Ngoài lượng mưa hàng năm cung cấp khoảng 1.389mm nước, lượng nước lũ hàng năm đổ về rất lớn mà lâu nay chưa được khai thác hết. Nước lũ ngoài hàm lượng giàu phù sa tạo màu mỡ cho đồng ruộng còn là nguồn nước tốt cho sinh hoạt nhất là đối với môi trường nước bị nhiễm phèn nặng trong vùng. Lượng nước này là nguồn bổ sung dồi dào cho hồ, mặt khác sông Vàm Cỏ Tây cũng có nhiều tháng ngọt trong năm và đây cũng là nguồn bổ sung nước cho hồ khi cần thiết.

(iii). Lượng nước trữ: Khống chế mực nước dao động trong hồ từ cao trình +2,0m đến cao trình + 0,5 m. Lượng nước hồ trữ đến cao trình mực nước + 2,0 m vào khoảng 840.000 m3. Khả năng khai thác đến cao trình + 0,5m vào khoảng 140.000 m3, lượng nước này đủ cung cấp cho toàn bộ khu dân cư và một bộ phận cư dân quanh vùng khi cần.

- Đánh giá tác động của hồ sinh thái đến môi trường và xã hội:

Tác động môi trường: Hồ sinh thái kết hợp khu dân cư vượt lũ được xây dựng sẽ góp phần vào việc cải thiện môi trường theo hướng tích cực. Diện tích mặt nước hồ tạo nên một tiểu khí hậu mát mẻ, trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tôn tạo cảnh quan môi trường sống thân thiện với tự nhiên, xanh - sạch - đẹp trong vùng. Khai thác hợp lý mặt nước hồ cũng loại trừ hiện tượng hoang hóa, tránh tù đọng, giảm ô nhiễm nguồn nước, hạn chế ký sinh phát triển làm ảnh hưởng sức khỏe người dân ở trong khu dân cư và các vùng lân cận.

Tác động xã hội: Để người dân gắn bó với khu dân cư, không chỉ có nền nhà vượt lũ, có đất canh tác đủ nuôi sống gia đình mà còn cần đến các dịch vụ công cộng và môi trường sống tốt phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, rất cần có nơi vui chơi giải trí sau những giờ phút lao động mệt nhọc, nghỉ ngơi trong mùa khô nóng bức... Về mùa khô nhờ có hồ sinh thái, cây xanh, sẽ làm giảm bớt sự nóng bức, tôn thêm vẻ đẹp của làng quê... Đây là những tác động đặc biệt có ý nghĩa to lớn mà chúng ta không thể tính được bằng tiền bạc. Khai thác sử dụng đa dạng hồ sinh thái sẽ giải quyết được nhu cầu sinh họat vật chất lẫn tinh thần của người dân nông thôn vùng lũ. Mô hình Làng - Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ giải quyết tốt việc sử dụng khai thác diện tích đào đắp cho việc tôn nền khu dân cư sẽ là mô hình mẫu để xây dựng các khu dân cư vượt lũ khác, góp phần quan trọng vào chương trình dân sinh vùng lũ đã và đang được thực hiện trong tỉnh và có thể mở rộng mô hình này cho các tỉnh khác ở vùng ngập lũ ĐBSCL.

Kết luận:

Mô hình “Làng - Hồ sinh thái” khu dân cư vượt lũ xã Tân Tây huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An là sự kết hợp giữa việc lấy đất tôn nền và xây dựng hồ sinh thái trong khu dân cư, đã tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp, một không gian sống thân thiện với tự nhiên, đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần cho cư dân trong vùng. Mô hình được thiết kế qui hoạch theo hướng phục vụ đa mục tiêu và phát triển bền vững, mô hình được xây dựng trình diễn sẽ đóng vai trò thiết thực trong việc ổn định và nâng cao cuộc sống người dân vùng lũ. Là mô hình mẫu, điển hình cho việc xây dựng, phát triển bền vững nông thôn ĐBSCL nói chung và Long An nói riêng, mục tiêu cụ thể của chương trình phát triển khu dân cư vượt lũ bao gồm:

- Về mùa lũ: đảm bảo sinh hoạt bình thường của người dân về các mặt đời sống như học hành, chợ búa, giao thông đi lại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ tiện nghi về điện, nước, bưu chính viễn thông và các dịch vụ khác.

- Về mùa khô: khu dân cư vượt lũ là một cụm dân cư trong lành, rợp mát bóng cây, có hồ nước sạch với công viên mini điều hòa khí hậu, đảm bảo sức khỏe người dân sau những ngày sản xuất cực nhọc trên đồng ruộng, cùng với hệ thống dịch vụ đồng bộ, một môi trường sống bền vững sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng ngập lũ và các vùng khác của ĐBSCL.

Đây là một mô hình điển hình mang tính kinh tế, khoa học và sinh thái cao, tận dụng tối đa khu lấy đất đắp nền cụm tuyến dân cư vượt lũ để làm cho nó có ích hơn trong khi cần đầu tư thêm kinh phí không lớn lắm. Với việc hàng trăm khu dân cư đang được hình thành nhanh trong chương trình chung sống với lũ ở ĐBSCL, mô hình Làng - Hồ sinh thái khu dân cư vượt lũ là một điểm mẫu nhằm rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Quốc Khải (2001). Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng cụm dân cư tránh lũ - Báo Sài Gòn giải phóng 27/11/2001.

[2]. Lê Sâm, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đình Vượng (2003). Vấn đề xây dựng hồ sinh thái ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyển tập kết quả KH&CN Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp.

[3]. Lê Sâm, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đình Vượng (2006). Cơ sở khoa học xây dựng hồ sinh thái vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyển tập kết quả KH&CN Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp.

[4]. Lưu Văn Lâm (2005). Tận dụng khả năng trữ nước của hồ tự nhiên để phục vụ chống hạn, Tạp chí KHKT Thuỷ lợi & Môi trường - Trường Đại học Thủy lợi, 12/2005.

[5]. Lưu Văn Lâm (2006). Hệ cơ sở dữ liệu về hồ tự nhiên, Tạp chí KHKT Thuỷ lợi & Môi trường - Trường Đại học Thủy lợi, 3/2006.


Tác giả: GS.TS. Lê Sâm, ThS. Nguyễn Văn Lân, KS. Trần Văn Tuấn, ThS. Nguyễn Đình Vượng
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tuyển tập KHCN 50 năm

Ý kiến góp ý: