TextBody

, 13/12/2024

Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu chế độ thủy động lực và đề xuất giải pháp ổn định lòng dẫn khu vực Quảng Huế sông Vu Gia - Thu Bồn"

12/02/2015

Sáng ngày 12/02/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu chế độ thủy động lực và đề xuất giải pháp ổn định lòng dẫn khu vực Quảng Huế sông Vu Gia - Thu Bồn" do PGS.TS. Lê Văn Nghị - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển chủ nhiệm.

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều diễn biến phức tạp. Biến động mạnh nhất là hiện tượng cắt dòng sông Quảng Huế sau lũ 1999 đã làm cho dòng chảy lũ sông Vu Gia đổ dồn sang sông Thu Bồn làm gia tăng ngập lụt cho hạ du sông Thu Bồn. Vào mùa khô dòng chảy kiệt của sông Vu Gia cũng đổ dồn sang sông Thu Bồn làm cho hạ du sông Vu Gia và thành phố Đà Nẵng bị thiếu nước nghiêm trọng. Trước tình hình đó, từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập trung xử lý từng bước, khắc phục dần ảnh hưởng nghiêm trọng qua dự án “Chỉnh trị sông Quảng Huế”, đến nay các hạng mục chính cơ bản đã hoàn thành và đã phát huy tác dụng, hiệu quả đạt được một trong những mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện dự án này, ngoài các tác động tích cực của dự án mang lại, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã phát sinh nhiều vấn đề như nhiều công trình thủy điện được xây dựng ở thượng lưu, vận hành của chúng đã ảnh hưởng tới cân bằng nước mùa kiệt trên lưu vực, yêu cầu dùng nước thành phố Đà Nẵng ở hạ lưu sông Vu Gia tăng cao và việc mở rộng lòng dẫn sông Quảng Huế cũ sau nạo vét năm 2009 đã làm cho việc chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn mạnh mẽ, tỷ lệ phân lưu từ Vu Gia vào Quảng Huế đã tăng từ 10%-15% trước khi chưa cắt dòng lên 35%-40% thời điểm hiện tại càng làm cho nước từ sông Vu Gia chuyển sang sông Thu Bồn nhiều hơn và tạo nên áp lực thiếu nước cho vùng hạ du Vu Gia trong đó có thành phố Đà Nẵng. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho xử lý bước đầu đó là xây dựng công trình hạn chế lưu lượng ở cửa vào sông Quảng Huế cũ nhưng đây chỉ là công trình tạm thời, hạn chế và không làm gia tăng thêm tỷ lệ phân lưu vào sông Quảng Huế. Trước tình hình đó, Chủ nhiệm Đề tài đã đề xuất đề tài “Nghiên cứu chế độ thủy động lực và đề xuất giải pháp ổn định lòng dẫn khu vực Quảng Huế sông Vu Gia-Thu Bồn.

Sau thời gian thực hiện Đề tài đã đạt được các kết quả chính như: (1) Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu đã có về kết quả và số liệu thủy văn, địa hình,các nghiên cứu của cơ quan chủ trì, Đề tài đã tổng quan các nghiên cứu và tình hình biến động tại khu vực Quảng Huế, xác định các tồn tại và nội dung nghiên cứu của Đề tài cần tập trung giải quyết; (2) Đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại và truyền thống và xây dựng các mô hình tính toán, mô hình vật lý làm công cụ cho việc nghiên cứu các biến động, chế độ thủy lực toàn khu vực và chi tiết nối tiếp tiêu năng sau công trình đập dâng Quảng Huế; (3) Đã nghiên cứu, lượng hóa các tác động của thượng hạ du đối với khu vực Quảng Huế; (4) Xác định được chế độ động lực, tổ hợp bất lợi gây mất ổn định lòng dẫn và công trình bảo vệ bờ trên sông Quảng Huế cũ thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; (5) Đề xuất được các giải pháp điều tiết dòng chảy và ổn định lòng dẫn tổng thể và cục bộ trên sông Quảng Huế cũ thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và đề xuất lựa chọn phương án công trình cho khu vực Quảng Huế; (6) Đã thí nghiệm 07 kịch bản của phương án tiêu năng dòng chảy và 09 kịch bản của phương án tiêu năng dòng mặt.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam  phát biểu và đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Theo Chủ tịch Hội đồng, Đề tài có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn, các giải pháp đề xuất nếu được thực thi sẽ mang lại những giá trị lớn cho kinh tế xã hội, nâng cao khả năng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trong khu vực miền Trung. Đề tài thực hiện khối lượng lớn, vấn đề nghiên cứu phức tạp về chỉnh trị sông ở khu vực miền Trung hiện nay. Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, chủng loại theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; mục tiêu rõ ràng, đầy đủ; sử dụng phương pháp nghiên cứu hợp lý, hiện đại, đảm bảo yêu cầu; đã góp phần đào tạo và công bố được 02 bài báo khoa học trên các Tạp chí chuyên ngành. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài cần đánh giá tổng quan chi tiết hơn để làm rõ vấn đề nghiên cứu; lý luận xác thực hơn khi phân tích, đánh giá, lựa chọn về các nội dung tỷ lệ phân lưu, công trình điều tiết...; cần có kết luận rộng hơn, tổng thể hơn, các kiến nghị để thực hiện các bước tiếp theo, chỉnh sửa một số lỗi chính tả....

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.

Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.

Ý kiến góp ý: